dd/mm/yyyy

Nghi phạm gây cháy rừng 'kinh hoàng' ở Hà Tĩnh đối diện mức án nào?

Cả một rừng thông rộng lớn ở Hà Tĩnh đã bị chìm trong biển lửa, mà khơi nguồn là việc đốt rác của một người dân.

Rừng thông ở Hà Tĩnh chìm trong biển lửa

Liên quan vụ cháy rừng xảy ra ở huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, bên cạnh công tác chữa cháy, chiều 1/7, Công an huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối tượng Phan Đình Thành (SN 1973, trú tại thôn 7, xã Xuân Hồng) về tội “Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy".

Ông Thành được xác định là nghi phạm gây ra vụ cháy rừng liên tục mấy ngày qua tại khu rừng thông giữa thị trấn Xuân An và xã Xuân Hồng, làm thiệt hại gần 50ha rừng.

Tại cơ quan điều tra, ông Thành khai nhận vào trưa ngày 28/6, ông ra vườn gom rác để đốt. Do trời nóng, gió Tây Nam thổi mạnh nên lửa đã cháy lan ra khắp vườn. Sau đó, lửa cháy mạnh hơn và lan từ vườn nhà ông Thành sang khu vực rừng thông phía sau. Hậu quả, một vụ cháy rừng kinh hoàng đã xảy ra trên diện rộng.

Lực lượng chức năng đã phải huy động hơn 1.000 người để xử lý vụ cháy này. Theo thông tin cho tới lúc này, vụ cháy chưa gây thiệt hại về người, trong khi thiệt hại về tài sản vẫn đang được thống kê.

Cần làm rõ vô ý hay cố tình

Trao đổi với PV về vụ việc này, luật sư Nguyễn Thạch Thảo (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, nếu hành vi của bị can là vô ý, bất cẩn thì bị xem xét xử lý về tội “vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy”, theo quy định tại Điều 313 - Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Theo đó, với các tình tiết định khung như làm chết người hoặc gây thiệt hại tài sản lớn (trên 1,5 tỉ đồng), thì bị can có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt cao nhất từ 07 đến 12 năm tù.

Tuy nhiên, luật sư Thảo cũng lưu ý thêm, nếu trong quá trình điều tra cơ quan công an chứng minh được hành vi gây cháy rừng của bị can là cố ý thực hiện thì bị can có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “hủy hoại rừng” theo quy định tại Điều 243 - Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), với khung hình phạt thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm, còn khung hình phạt cao nhất là 07 đến 15 năm.

Hơn 1.000 người đã được huy động để chữa cháy.
Hơn 1.000 người đã được huy động để chữa cháy.

Nói thêm về vụ việc, ông Thảo cho rằng: “Vụ cháy rừng lớn ở Hà Tĩnh là một hồi chuông đáng báo động về tình trạng đốt vườn hoặc vứt tàn thuốc gần khu vực bìa rừng, trong rừng. Như nguyên nhân ban đầu, vụ cháy rừng xảy ra do nghi phạm đốt vườn gần khu vực núi Hồng Lĩnh, khi gió thổi mạnh đã gây bén lửa và cháy rừng. Đây là hành vi chủ quan, thiếu ý thức của người dân”.

Song theo ông Thảo, nhiều người dân chưa nắm được quy định nên khi sự việc xảy ra thì họ mới biết hành vi vi phạm của mình. Do đó, cần phải có biện pháp tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trong vấn đề phòng cháy, chữa cháy; đồng thời để họ nắm được các quy định cơ bản của Nhà nước và hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc phòng chống cháy nổ.

 

Luật có quy định giờ đốt nương, rẫy, thực bì trong rừng

Luật sư Lê Quang Vũ - Giám đốc Công ty luật Công Bình cũng nhận định, nếu ông Phan Đình Thành vô ý đốt rác làm cháy rừng thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình tương ứng với mức độ thiệt hại đã gây ra, có thể lên đến 12 năm tù theo quy định tại Điều 313 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Ngoài ra, theo luật sư Vũ, Điều 39 của Luật Lâm nghiệp năm 2017 đã quy định rõ về “phòng cháy và chữa cháy rừng”. Theo đó, mọi trường hợp sử dụng lửa trong rừng, gần rừng để dọn nương rẫy, dọn đồng ruộng, chuẩn bị đất trồng rừng, đốt trước mùa khô hanh hoặc dùng lửa vì mục đích khác, người sử dụng lửa phải thực hiện các biện pháp phòng cháy và chữa cháy rừng.

Quang cảnh hoang tàn của rừng thông sau khi vụ cháy.
Quang cảnh hoang tàn của rừng thông sau khi vụ cháy.

Luật sư Vũ cho biết thêm, Điều 47 trong Nghị định 156/2018/NĐ-CP đã quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp về “điều kiện an toàn về phòng cháy đối với khu rừng”. Theo đó, khi đốt nương, rẫy, đồng ruộng, đốt thực bì để chuẩn bị đất trồng rừng và làm giảm vật liệu cháy trong rừng, người sử dụng lửa phải thực hiện:

- Biện pháp an toàn phòng cháy và chữa cháy.

- Không đốt vào những ngày có dự báo nguy cơ cháy rừng ở cấp IV, cấp V. Trong ngày, đốt lúc gió nhẹ, vào trước 9h buổi sáng và sau 16h buổi chiều.

- Trước khi đốt phải thông báo với trưởng thôn, bản, tổ đội phòng cháy, chữa cháy rừng. Trong khi đốt phải bố trí người canh gác, có đủ dụng cụ để dập lửa khi cháy lan vào rừng; sau khi đốt xong phải dập tắt hết tàn lửa.

Điều 313. Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy - Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017):

1. Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 08 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Người vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

5. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác, nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Ngọc Phạm