dd/mm/yyyy

Ngăn việc tái đàn khi chưa hết dịch

Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, lan nhanh và rộng ở 12/13 tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), các địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp chống dịch, bảo vệ đàn vật nuôi. Một nội dung khuyến cáo quan trọng là người dân không vội tái đàn để giảm thiệt hại.

Giá heo hơi chưa ổn định

Theo ghi nhận của phóng viên, sau thời gian giảm liên tiếp trong tuần trước, hiện giá lợn hơi (giá heo hơi) tại khu vực ĐBSCL trung bình khoảng 35.000 đồng/kg. Trong đó, giá lợn hơi tại các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang… thấp hơn so với mặt bằng chung, ở mức 31.000 - 34.000 đồng/kg.

Thời điểm này người chăn nuôi không nên vội tái đàn.
Tiêu hủy lợn bị dịch tả lợn châu Phi ở Kiên Giang.

Trong khi đó, giá lợn hơi ở Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau... từ 35.000 - 37.000 đồng/kg.

Trao đổi với chúng tôi, ông Châu Minh Đức (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) - chủ một trang trại nuôi lợn lớn, cho hay: “Ở thời điểm mùa mưa, người chăn nuôi cần thực hiện phòng, chống dịch tả lợn châu Phi một cách chủ động, quyết liệt để hạn chế thiệt hại. Hiện, trang trại của tôi còn hơn 200 con lợn các loại, trong đó số lợn lớn đã được bán từ trước nhằm giảm áp lực nhiễm dịch và khó tiêu thụ.

Ông Nguyễn Quang Dương - Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu cho rằng: Chống dịch tả lợn châu Phi như chống giặc, cho nên tuyệt đối không được chỉ làm giờ hành chính. Cán bộ chống dịch phải lăn lộn xuống cơ sở, đồng thời các ngành chức năng phải hết sức chủ động ở tất cả các khâu chống dịch và ngăn dịch lây lan trên diện rộng.

Các biện pháp ứng phó dịch tả lợn châu Phi tại gia đình đang được thực hiện gắt gao. Trong đó, chúng tôi tuyệt đối không để người bên ngoài bước vào trang trại; còn người trong gia đình thì buộc phải bước qua hố sát trùng trước khi vào chuồng nuôi”.

Tính đến nay khu vực ĐBSCL đã ghi nhận 13 tỉnh, thành phố có dịch tả lợn châu Phi.

Chưa vội tái đàn

Hiện các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL đang tích cực chỉ đạo ngành thú y, các địa phương trong tỉnh tiếp tục tăng cường tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống dịch bệnh; hướng dẫn thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học; thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi. Đặc biệt, khuyến cáo trong thời gian có dịch, người chăn nuôi không tái đàn để giảm thiệt hại.

Tại Cà Mau, để tránh nguy cơ dịch bệnh bùng phát trên toàn tỉnh gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi, ngành chức năng đã đưa ra nhiều giải pháp cấp bách, nhằm ngăn chặn, khống chế dịch bệnh nhanh chóng, tránh kéo dài và giảm thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi đến mức thấp nhất.

Tính đến ngày 24/6, toàn tỉnh đã có 18 xã thuộc 6 huyện phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi, với tổng số lợn bị tiêu hủy 376 con, tổng trọng lượng hơn 21 tấn, ước số tiền hỗ trợ hơn 750 triệu đồng. Hiện toàn tỉnh có tổng đàn lợn trên 94.000 con; trong đó, có 70.000 con lợn thịt, số lợn đến giai đoạn xuất chuồng, xuất bán khoảng 50%. Phần lớn số lợn này được các hộ chăn nuôi theo quy mô nhỏ lẻ, điều kiện chăn nuôi thú y chưa đảm bảo và còn lại là lợn con, lợn nái.

Thời điểm này người chăn nuôi không nên vội tái đàn.
Thời điểm này người chăn nuôi không nên vội tái đàn.

Theo đó, tỉnh Cà Mau đưa ra phương án giảm đàn, dự tính thực hiện trong 100 ngày và ước giảm chi cho ngân sách tỉnh 119 tỷ đồng, chi phí thực hiện trên 1,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh hiện có trên 8.200 con lợn nái, phương án bảo vệ và tái đàn lợn nái sẽ được thực hiện bằng cách chọn những trang trại đáp ứng các tiêu chí mua lợn nái và lợn đực giống hậu bị hạt nhân tái đàn.

Về phương án tăng các sản phẩm thay thế thịt lợn được triển khai dựa vào điều kiện của địa phương. Hiện nay, đàn gia cầm của tỉnh Cà Mau ước có 2,7 triệu con. Ngoài ra, diện tích nuôi thủy sản 300.000ha với nguồn cua và cá. Đây là nguồn thực phẩm dồi dào, hàm lượng dinh dưỡng cao có thể cung cấp thay thế cho thịt lợn trong thời gian tới.

Về các phương án phòng, chống dịch, ông Nguyễn Tiến Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nhấn mạnh: Khi dịch chưa chấm dứt trên địa bàn tỉnh thì không được tái đàn; khi nào hết dịch, có chủ trương của tỉnh thì mới được thực hiện.

Tại tỉnh Bạc Liêu, ngày 31/5, ổ dịch tả lợn châu Phi xuất hiện đầu tiên ở ấp B1, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi. Sau đó, dịch bệnh lây lan nhanh ra một số xã, thị trấn trên địa bàn huyện này. Tại TP.Bạc Liêu, dịch tả lợn châu Phi cũng xuất hiện ở nhiều địa phương.

Trước dịch tả lợn châu Phi bùng phát, các huyện, thị xã còn lại trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đến tất cả hộ chăn nuôi về công tác phòng, chống dịch bệnh, xây dựng hệ thống phòng dịch; thành lập các chốt kiểm dịch động vật, chốt chặn 24/24 tại các cửa ngõ chính, kết hợp kiểm tra lưu động ở các tuyến đường sông, bến phà, các điểm giết mổ, mua bán và các điểm chăn nuôi tập trung.

Theo ngành thú y tỉnh Bạc Liêu, nguyên nhân bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan trên địa bàn là do mầm bệnh lây từ khâu vận chuyển thức ăn gia súc từ vùng dịch tỉnh Sóc Trăng sang. Ngoài ra, Bạc Liêu có nhiều tuyến đường bộ, đường sông, cửa ngõ giáp ranh với tỉnh bạn, hàng ngày lượng lợn vào phúc kiểm, vận chuyển qua địa bàn tương đối lớn…

Chúc Ly