dd/mm/yyyy

Nao lòng khói bếp chiều Thu

Chiều nay trong se lạnh của mùa Thu, lá vàng rơi trên phố, quán xá đìu hiu vắng vẻ, tôi bất chợt thèm bữa cơm quê, thèm được chìm trong khói bếp đến cay xè mắt, thèm được quây quần trong căn bếp gianh của mái nhà xưa.

Tôi lớn lên ở thung lũng miền biên ải xa xôi. Tuổi thơ tôi gắn liền với chốn đồng rừng hoang thẳm. Khi rời quê về phố thị học hành và mưu sinh thì ký ức về khói lam chiều bảng lảng bay lên từ mái nhà gianh, về đốm than hồng bập bùng sưởi ấm trong đêm cứ quyện trong nỗi nhớ mẹ, nhớ quê.

Bếp lửa quê nhà là nơi ấm áp, quần tụ của cả gia đình. (Ảnh: Phạm Quý Trọng)
Bếp lửa quê nhà là nơi ấm áp, quần tụ của cả gia đình. (Ảnh: Phạm Quý Trọng)

Bếp quê xưa, trong mái gianh, vách đất chỉ là cái chạn bát xiêu vẹo, là nồi niêu xoong chảo đen xì, là chén bát cái lành cái mẻ, là đống củi ngổn ngang gác bên trên 3 cái kiềng bếp nhỏ. Nhưng chính mái gianh, góc bếp nhỏ bé mịt mờ bồ hóng ấy lại là nơi nhóm lên những ánh lửa bập bùng, ấm áp, nơi sum họp gia đình trong những bữa cơm chiều muộn.

Những năm ấy ở quê, mẹ tôi chẳng bao giờ cho bếp được “thảnh thơi”, bởi ngoài đun nấu bà còn tận dụng gác mái để hong hoa màu, mùa nào thức ấy, nào ngô nào lạc, rồi góc bếp lúc là phon bào, lúc là gốc rạ tận dụng thu về sau ngày mùa. Rồi một góc khác là những cành củi sần sùi thô ráp cha tôi khom người vác từ những cánh rừng xa.

Ngày mưa thì bếp chật chội hơn, mẹ phải bắc củi ngang dọc vừa hong củi khô, vừa hong quần áo cho cả nhà. Quần áo ngày mưa lúc nào cũng quyện mùi khói vừa nồng, vừa xám màu khói. Cũng chính từ gian bếp nhỏ ấy đã cho tôi bao kỷ niệm tuổi thơ, đi qua những tháng năm tuổi học trò mà không thể nào quên được.

Mùi cơm gạo mới chín thơm nức, mùi nồi cá rô đồng kho, mùi canh me, canh xấu luôn khiến bụng tôi đói cồn cào sau mỗi buổi học về. Với tôi đó là mùi của quê hương, của mẹ, của ký ức tuổi thơ mà chỉ những đứa trẻ lớn lên ở nông thôn mới cảm nhận được, mới thấy nó thú vị biết nhường nào.

Tôi nhớ những buổi chiều hôm khi mấy anh chị em tôi lui cui nướng khoai, nướng ngô ở góc bếp, có hôm mải chơi ủ kỹ quá bị cháy đen nhẻm thành than mà vẫn giành nhau lấy được, mẹ luôn phải là người phân xử và phần hơn luôn thuộc về tôi, con út trong nhà. Nhớ mỗi buổi tan trường, tôi thường cắm đầu chạy thật nhanh về nhà để lao vào bếp xem có gì ăn được không, có khi chỉ là bát cơm nguội ăn vội với muối vừng hoặc chút mắm, có khi may mắn hơn lại thấy bắp ngô, củ khoai mẹ luộc sẵn để phần thì khoái chí lắm, cảm giác được thỏa mãn no nê và sung sướng.

Lớn lên, đi nhiều, tôi biết bếp quê giờ đã không còn như xưa, cuộc sống đổi thay tiện nghi đủ đầy hơn, ít nhà còn đun bếp rạ, mà chuyển sang đun gas. Nhưng hình ảnh làn khói lam chiều lờ lững, lan tỏa, quyện trong mái gianh chiều hôm thì tôi không thể quên. Bởi ở đó là dáng mẹ, dáng cha tảo tần sớm hôm chăm đàn con ăn học, nên người.

Hạ Nguyên