Năm nào cũng ăn Tết to nhờ nuôi cả ngàn con chuột nứa...bự

Vũ Thượng Thứ sáu, ngày 17/01/2020 06:05 AM (GMT+7)
Hơn 10 năm gây dựng, nuôi đàn dúi (chuột nứa) của anh Lê Văn Lâm, thôn 2, xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn (tỉnh Thanh Hóa) có hàng ngàn con, trừ chi phí mỗi năm thu lời khoảng 800 triệu đồng. Nhờ loài chuột nứa thịt thơm ngon, ăn mãi không ngán mà năm nào gia đình anh Lâm cũng ăn Tết to, đủ đầy...
Bình luận 0

Trò chuyện với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, trong không khí nhộn nhịp những ngày giáp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, anh Lê Văn Lâm chia sẻ: "Đến thời điểm này, đàn chuột nứa thịt thương phẩm của trang trại nhà tôi đã "cháy hàng" do nhu cầu khách mua trước để về làm quà biếu Tết, để ăn Tết. Năm nay, từ nguồn bán chuột nứa, gia đình đã mua sắm được nhiều vật dụng cho dịp Tết Nguyên đán...".

img

Anh Lê Văn Lâm cho hay, thức ăn của chuột nứa đơn giản, đó là tre, nứa, cỏ voi, cây mía đường chặt khúc. Ảnh: Vũ Thượng

Anh Lâm kể với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, ban đầu lập nghiệp chỉ 15 đôi chuột nứa nhưng thấy gặp nhiều khó khăn do chưa nắm chắc kỹ thuật khiến chuột nứa bị chết gần hết. Nguyên nhân được xác định do chuột nứa bị mắc bệnh đường ruột, bệnh ngoài da. Quyết tâm nuôi thành công ngày, đêm, anh tìm hiểu, đọc nhiều sách, báo và biết cách điều trị như đối với bệnh ngoài da, có thể dùng thuốc kháng sinh, hàng tháng vệ sinh sát trùng, tẩy uế chuồng trại. Còn riêng bệnh đường ruột thì dùng thuốc trị tiêu chảy, bổ sung thêm thức ăn, nước...

img

Chú ý  trước khi mua chuột nứa giống về nuôi cần cho uống men tiêu hóa. Ảnh: Vũ Thượng

Với kinh nghiệm nuôi dúi đúc kết nhiều năm, anh Lê Văn Lâm chia sẻ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN: "Con dúi, hay còn gọi là chuột nứa thường chịu rét hơn chịu nóng. Vì vậy nếu nóng trên 35 độ C cần lắp đặt quạt thông gió cho thoáng mát. Thức ăn cho chuột nứa gồm những thực phẩm tươi, xanh, sạch để phòng bệnh tiêu chảy, chỉ cho ăn trong ngày, số lượng dư thừa nên vứt bỏ. Đặc biệt, trước khi mua chuột nứa giống về phải cho từng con uống men tiêu hóa, quá trình vận chuyển nhẹ nhàng, chuồng nuôi chuột nứa đảm bảo thoáng mát. Thông thường, diện tích chuồng nuôi chuột nứa rộng khoảng 0,25 m2/con, cao 50-60 cm, có thể dùng các tấm bê tông, gạch ghép thành".

img

Khi chuột nứa mang thai cần tăng cường thức ăn. Ảnh: Vũ Thượng

Để chọn chuột nứa sinh sản cần kiểm tra bằng cách xách đuôi con chuột nứa cái lên, nếu thấy bộ phận sinh dục của nó có màu hồng, đưa tay vuốt nhẹ thấy lồi ra, bộ phận sinh dục có thể bị ướt thì con cái đó đã có biểu hiện động dục. Lúc đó bắt đầu cho ghép đôi, một con chuột đực có thể "chiều" được 5 con chuột nứa cái. Khi chuột nứa mang thai chế độ ăn cần đảm bảo đủ tre, mía, cỏ voi bổ sung khoai lang, củ sắn. Một năm, một con chuột nứa cái có thể đẻ từ 3-4 lứa, mỗi lứa đẻ từ 3-5 con...".

img

Chuồng nuôi chuột nứa phải đảm bảo thoáng mát. Ảnh: Vũ Thượng

Hiện trang trại nuôi chuột nứa của anh Lâm đã phát triển được hơn 300 chuột nứa mẹ. Nắm được thị trường đầu ra ổn định lại cho lợi nhuận cao, anh Lâm xây thêm 2 trang trại nuôi chuột nứa ở tỉnh Bắc Kạn và Đăk Lăk với quy mô lớn. Để đảm bảo nguồn cung thức ăn cho chuột nứa, anh Lâm trồng gần 1 ha mía, ngô và thu mua tre nứa của người dân trong vùng về cho chuột nứa ăn.

img

Thức ăn của chuột nứa rất đa dạng như: mía cây, thân cây ngô, cỏ voi...Ảnh: Vũ Thượng

Anh Lê Văn Lâm nhận định với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, việc nuôi chuột nứa rất đơn giản, ít mắc dịch bệnh, không tốn nhiều công chăm sóc, hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với nuôi lợn, gà, vịt...Chuột nứa giống để nuôi thường được 2-3 tháng tuổi, trọng lượng mỗi con từ 1,5-2kg, với giá bán hiện nay 1.300.000-3.000.000 đồng/đôi. Riêng chuột nứa thịt, trước khi bán 30-40 ngày nên vỗ béo bằng cách cho ăn cơm, gạo tấm, ngô xay trộn...giá bán chuột nứa thịt giao động 500.000-600.000 đồng/kg.

img

Nuôi chuột nứa đem lại giá trị kinh tế cao. Ảnh: Vũ Thượng

"Nói thật, cứ bảo nghề nào cũng mong tới Tết để mua may bán đắt, nhưng từ khi tôi nuôi chuột nứa, Tết năm nào cũng "cháy" hàng. Người ta ăn thịt gà, thịt bò mãi cũng chán, làm thịt con chuột nứa chế biến thành các món khác nhau ăn lại ngon, lạ miệng...", Lê Văn Lâm thổ lộ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN.

Theo chia sẻ của anh Lâm, những tháng cuối năm, chuột nứa thương phẩm được nhiều nhà hàng, khách sạn..gọi điện đặt mua nhưng không có để bán. Hằng năm, trang trại của anh Lâm bán khoảng 2.000 con dúi giống; 1,5 tấn dúi thịt thương phẩm...trừ chi phí thu về khoảng 800 triệu đồng/năm.

img

Theo anh Lê Văn Lâm, nuôi chuột nứa cần bổ sung thêm ngô, khoai, sắn...cho chuột nứa sinh trưởng. Ảnh: Vũ Thượng

Ông Lê Văn Hoàng-Phó Chủ tịch UBND xã Vân Sơn cho biết: "Mô hình nuôi chuột nứa hay còn gọi là nuôi dúi của gia đình anh Lê Văn Lâm đã nuôi nhiều năm, đây là mô hình đầu tiên trên địa bàn xã nên được chính quyền khuyến khích, ủng hộ cao. Chúng tôi nhận thấy đây là mô hình nuôi dúi rất có hiệu quả, chi phí đầu tư thấp, vòng xoay vốn nhanh, ít rủi ro, không tốn nhiều lao động...Có thời điểm gia đình anh Lâm không có chuột  nứa để bán cho khách. Vì nuôi thành công nên gia đình anh Lâm có kinh tế ổn định, con cái đủ điều kiện học hành..."

                                                                                           

                                                                                           

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem