dd/mm/yyyy

Mường La chú trọng tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới

Bằng nhiều giải pháp trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, nhằm thúc đẩy phát triển các tiêu chí khác trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Những năm qua, huyện Mường La, tỉnh Sơn La, đã tích cực vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng thu nhập, giảm nghèo tại địa phương.

Trao đổi với phóng viên Trang trại việt ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường La cho biết: Mường La là huyện miền núi của tỉnh Sơn La, cách thành phố Sơn La 40km về phía Đông Bắc, với diện tích trên 142.500 ha. Toàn huyện có 16 xã, thị trấn, trong đó có 9 xã thuộc diện xã đặc biệt khó khăn nằm trong Chương trình 135 giai đoạn II. Mường La cũng là một trong 62 huyện nghèo nhất nước, gồm 5 dân tộc Thái, Kinh, Mông, La Ha, Kháng. 

Cùng với đó, địa hình chia cắt phức tạp nhiều núi đá đan xen, độ dốc lớn; kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, nhiều xã giao thông đi lại khó khăn; tập quán canh tác còn lạc hậu, việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất còn hạn chế, chủ yếu phụ thuộc vào thời tiết, làm cho năng suất chất lượng sản phẩm thấp, khiến cuộc sống của một bộ phận nhân dân gặp nhiều khó khăn.

Mường La chú trong tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới - Ảnh 1.

Mường La chú trọng phát triển kinh tế nâng cao tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới.

Trước những khó khăn trên, cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể các cấp từ xã đến huyện đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn tìm giải pháp phát triển kinh tế. Qua rà soát, đánh giá, căn cứ vào tiềm năng, thế mạnh ở mỗi địa phương, huyện đã vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp. Đối với các xã vùng thấp ven sông Đà huyện tập trung phát triển nuôi thủy sản. Còn các xã vùng cao vận động nhân dân chuyển đổi giống cây trồng, như giảm dần diện tích trồng ngô, sắn kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Trong đó, đặc biệt chú trọng công tác tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất cho nhân dân.

Mường La chú trong tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới - Ảnh 2.

Hiện nay, tổng diện tích nuôi thủy sản của huyện Mường La là 139 ha với trên 800 lồng cá.

Hiện nay huyện Mường La đang tập trung thực hiện tái cơ cấu trong trồng trọt, cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả trên đất dốc, theo hướng phát triển sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế từng địa phương. Đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành và thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhờ đó, đến nay diện tích cây ăn quả của huyện đã tăng lên hơn 3.300 ha với một số cây trồng chính, như: Xoài, nhãn, bưởi, cam, chuối… tiêu biểu là trồng táo sơn tra trên 2.000 ha đang góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc.

Ông Tâm chia sẻ: Mường La tập trung phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân bằng cách tạo ra các sản phẩm hàng hóa chủ lực. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện các chương trình, chính sách mục tiêu Quốc gia giảm nghèo, hỗ trợ nhân dân đầu tư phát triển sản xuất ở các vùng dân cư đặc biệt khó khăn, như: Quyết định 1722, 102, chương trình 135… Tập trung phát triển một số loại cây trồng, như: Cây ăn quả, rau an toàn, phát triển mô hình nuôi cá lồng hồ trên vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, Hòa Bình; trồng cây ăn quả xoài, nhãn, chanh leo, thanh long ruột đỏ, táo đại và nuôi lợn nái sinh sản, bò nhốt chuông...

Mường La chú trong tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới - Ảnh 3.

Toàn huyện đang phát triển và duy trì trên 23.600 đàn bò.

Nghề nuôi thủy sản được quan tâm, đặc biệt là nuôi cá lồng trên vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, đang mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Được sự vào cuộc tích cực của cấp uỷ, chính quyền và các doanh nghiệp, Hợp tác xã trong việc đẩy mạnh phát triển các dự án nuôi cá lồng, đang góp phần giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân. Đến nay, tổng diện tích nuôi thủy sản của huyện là 139 ha, với trên 800 lồng cá. Ngoài ra, phong trào chăn nuôi gia súc gia cầm tiếp tục được duy trì và phát triển với tổng đàn trâu trên 13.800 con, đàn bò 23.600 con, đàn lợn 51.100 con và 471.000 đàn gia cầm.

Mường La chú trong tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới - Ảnh 4.

Diện tích trồng táo sơn tra của huyện trên 2.000 ha, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc.

Bên cạnh đó, phát triển kinh tế theo hướng tập thể được quan tâm, nhiều HTX, tổ hợp tác được thành lập. Đến nay, toàn huyện có 47 HTX, trong đó, có 33 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong quá trình hoạt động, các HTX đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Nhất là việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản, thủy sản của địa phương đến người tiêu dùng trong và ngoài nước. 

Tính từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã xuất khẩu được gần 1.000 tấn xoài, trên 2.000 tấn chuối và liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản tại các siêu thị trong nước được 1.600 tấn xoài. Thông qua các HTX, đã hướng dẫn nhân dân thực hiện các mô hình nhãn ghép, xoài, bưởi ở thị trấn Ít Ong, Mường Chùm, Mường Bú; mô hình trồng sả tại xã Pi Toong; nuôi lợn thịt, lợn, nuôi ong tại xã Mường Bú; trồng táo sơn tra ở xã Ngọc Chiến, Chiềng Công, Chiềng Ân; nuôi cá lồng ở Mường Trai, Chiềng Lao… đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phẩn giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống còn 38,86%. 

Mường La chú trong tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới - Ảnh 5.

Toàn huyện có trên 1.600 ha xoài.

 Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp trong phát triển kinh tế nâng cao tiêu chí thu nhập trong xây dựng NTM, kinh tế của huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc; cơ cấu kinh tế chuyển biến theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi trong tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp; ngành công nghiệp, tiêu thủ công nghiệp và dịch vụ ngày càng phát triển mang lại giá trị sản xuất cao.

Quốc Định