dd/mm/yyyy

Mô hình làm đa canh, nhanh có tiền tỷ

Từ hộ nghèo, gia đình chị Vi Thị Thanh (trú tại Bon Rơ Sông xã Đắk R’Măng, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) đã trở thành nông dân tỷ phú. Chị Thanh thổ lộ, không có bí quyết gì độc đáo, tất cả đều nhờ mô hình đa canh. Hiện nay, trang trại của chị Thanh trồng “ôm đồm” từ tiêu, cà phê, sầu riêng, bơ, rau màu, rồi chị nuôi cả 1 trại gà Ai Cập đẻ trừng khá lớn...

Làm giàu nhờ đa canh

Hơn 10 năm trước, do cuộc sống khó khăn, gia đình chị Vi Thị Thanh đã rời quê hương Thanh Hóa vào Đắk Nông lập nghiệp. Nhiều năm liền “đánh vật” với cây cà phê, cuộc sống của gia đình chị Thanh vẫn chẳng khá hơn. “Thiếu đất sản xuất, chưa nắm rõ các biện pháp kỹ thuật trồng cà phê, hằng năm gia đình tôi đều thiếu ăn trong thời gian giáp hạt, nhà cửa tạm bợ, điều kiện sinh hoạt gặp không ít khó khăn”- chị Thanh kể.

Chị Vi Thị Thanh, người được bầu chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2019.
Chị Vi Thị Thanh, người được bầu chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2019.

Chị Thanh kể tiếp với chúng tôi, không cam chịu “sống chung” mãi với cái nghèo, gia đình chị đã tìm đủ mọi cách để vươn lên làm giàu. Cùng với việc nương rẫy, chị đã tham gia tất cả các lớp tập huấn, hội thảo về kỹ thuật canh tác, học tập kinh nghiệm trồng trọt và chăn nuôi.

Ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông cho biết, chi Vi Thị Thanh là một người có tư duy rất tiến bộ. Chị làm giàu nhưng quan tâm đến xã hội, giữ gìn môi trường, không ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng bằng cách cho ra những sản phẩm an toàn nhất. Đấy chính là lý do mà chúng tôi bình chọn và đề cử chị Thanh là “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019”.

Thay vì chỉ độc canh cây cà phê để mùa được mùa thất, cuộc sống vất vả như trước kia, từ những năm 2013, 2014, gia đình chị Vi Thị Thanh đã gom góp, vay mượn tiền để trồng thêm 1ha tiêu và áp dụng những kiến thức, kinh nghiệm tích lũy từ các lớp tập huấn, hội thảo vào việc canh tác. Nhờ vậy, vườn tiêu của chị xanh tốt, không sâu bệnh. Sau 4 năm vườn tiêu này đã mang lại lợi nhuận gia đình chị Thanh hơn 320 triệu đồng.

Cũng từ năm 2014, chị Thanh trồng thêm bơ booth. Diện tích bơ này, sau khi cho thu hoạch, đã mang lại cho gia đình chị Thanh thêm gần 100 triệu đồng nỗi năm. Bên cạnh đó, trong vườn cà phê, chị Thanh cho trồng thêm khoảng 100 cây sầu riêng. Mặc dù chưa cho năng suất như mong muốn, nhưng mỗi cây sầu riêng cũng mang lại cho gia đình chị Thanh từ 1-2 triệu đồng/vụ.

Chỉ sau thời gian ngắn phá thế độc canh, gia đình chị Thanh trở thành hộ giàu có ở địa phương. “Đa canh giúp gia đình tôi phân tán được rủi ro của sâu bệnh, diễn biến giá cả thị trường bất lợi qua đó ổn định kinh tế, có vốn để tiếp tục tái đầu tư. Nếu trước đây, mỗi lần cà phê rớt giá, gia đình phải vay mượn để đầu tư tái sản xuất thì giờ tình trạng đó không còn nữa. Việc đa canh còn giúp gia đình tôi tăng thu nhập trên cùng một diện tích canh tác. Nếu loại cây này bị mất giá thì đã có loại cây khác bù lại...nguồn thu trong năm không bị sụt giảm mạnh...”- chị Thanh chia sẻ.

Chị Thanh cũng cho biết, với phương châm phát triển sản xuất đa cây, đa con, lấy ngắn nuôi dài, năm 2017 chị tận dụng diện tích vườn còn trống nuôi thêm gà thịt lai chọi và nuôi gà Ai Cập đẻ trứng. Trang trại nuôi gà Ai Cập siêu trứng, nuôi gà lai chọi của gia đình chị Thanh xây dựng vào đầu năm 2017 rộng 300m2. Năm 2018, nhờ nuôi gà lai chọi bán thịt, nuôi gà Ai Cập siêu trừng mà gia đình chị có thêm thu nhập gần 900 triệu đồng.

Từ một hộ nghèo, bằng những đổi mới trong sản xuất, áp dụng phương thức đa canh, 3 năm liền (từ 2016 đến 2018) gia đình chị Vi Thị Thanh không chỉ nhanh chóng thoát nghèo, vươn lên tỷ phú mà còn luôn đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương.

Làm giàu cho đất

Nếu như nhiều nông dân “cưỡng ép” cây trồng cho năng suất cao nhất để nhanh chóng làm giàu thì chị Thanh lại chọn hướng đi khác. “Qua kiến thức được học, tôi nhận thấy việc canh tác theo hướng hữu cơ mang lại nhiều lợi ích to lớn. Lợi ích trước tiên đó chính là bản thân không tiếp xúc với quá nhiều hóa chất độc hại và sản phẩm nông nghiệp làm ra luôn an toàn đối với người sử dụng”- chị Thanh cho biết.

Từ nhận thức này, gia đình chị Thanh chuyển từ việc canh tác truyền thống sử dụng quá nhiều phân bón hóa học, thuốc trừ sâu hóa học sang canh tác an toàn theo hướng hữu cơ. Để có phân bón cho cây trồng, chị Thanh dùng các phế phẩm nông nghiệp ủ hoai mục với phân gà, phân bò. Trên vườn tiêu, chị Thanh trồng các luống lạc dại để vừa lấy phân bón, vừa bảo vệ cho cây tiêu. “Mùa hè, cây lạc dại này giúp cây tiêu giữ ẩm. Đến mùa mưa, tôi cuốc cây tấp vào gốc cây. Cây lạc dại hoai mục sẽ trở thành phân bón cho cây tiêu. Từ khi trồng đến nay, vườn tiêu của tôi chưa từng bị sâu bệnh”- chị Thanh chia sẻ.

Áp dụng phương thức canh tác theo hướng hữu cơ, chị Thanh không chỉ nâng cao sức khỏe mà còn giúp đưa ra thị trường sản phẩm nông nghiệp an toàn...
Áp dụng phương thức canh tác theo hướng hữu cơ, chị Thanh không chỉ nâng cao sức khỏe mà còn giúp đưa ra thị trường sản phẩm nông nghiệp an toàn...

Thấy được lợi ích của việc sản xuất theo hướng hữu cơ, đầu năm 2018, chị Thanh đã thành lập một nhóm sản xuất theo hướng này. Hiện 15 hộ trong tổ hợp tác mang tên Đại Đồng Thành do chị làm tổ trưởng đã bắt đầu có những chuyển biến tích cực sau khi áp dụng biện phương pháp canh tác mới.

“Dùng quá nhiều phân bón hóa học, thuốc trừ sâu hóa học đất đai sẽ nhanh chóng cằn cỗi. Còn nếu dùng phân bón hữu cơ thì đất sẽ ngày càng giàu hơn. Làm cho đất giàu cũng chính là làm cho mình giàu. Hơn nữa, sản phẩm sạch, đạt tiêu chuẩn sẽ luôn có giá ổn định và cao hơn các sản phẩm khác”- chị Thanh cho biết.

Duy Hậu