dd/mm/yyyy

Lựa chọn giống lúa thích ứng xâm mặn

Vừa qua, tại tỉnh Sóc Trăng, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp cùng dự án VnSAT tổ chức diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề Biện pháp canh tác lúa thích ứng xâm nhập mặn.

Thay đổi thói quen canh tác

Vùng ĐBSCL có diện tích canh tác lúa 1,85 triệu ha, chiếm hơn 48% diện tích sản xuất lúa cả nước, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, gia tăng kim ngạch xuất khẩu cho cả nước. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, xâm nhập mặn thường xuyên xảy ra với cường độ ngày càng tăng, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa gạo.

Các đại biểu tham quan mô hình trồng lúa thích ứng với biến đổi khí hậu.
Các đại biểu tham quan mô hình trồng lúa thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo tính toán của Bộ NN&PTNT, để đảm bảo an ninh lương thực đến năm 2030 diện tích đất lúa cả nước tối thiểu cần giữ là 3,2 triệu ha với diện tích gieo trồng 6 triệu ha và năng suất bình quân khoảng 6 tấn/ha. Trên diện tích đất lúa được quy hoạch giữ lại cần phải sử dụng thế nào để đạt hiệu quả cao, bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường.

Theo đó, cần xác định vùng chuyên canh lúa trọng điểm ở ĐBSCL, đây là vùng sản xuất thuận lợi, đảm bảo 2 vụ lúa năng suất cao. Vùng chuyên canh này nằm ở 30 huyện thuộc 8 tỉnh ĐBSCL là An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Tiền Giang và Long An.

Trong khi đó, theo đại diện Cục Trồng trọt, việc sắp xếp mùa vụ sản xuất lúa là rất cần thiết. Việc làm này giúp bố trí thời vụ sản xuất lúa để chủ động trong chỉ đạo sản xuất lúa của địa phương; thời gian dãn cách của việc xuống giống lúa sẽ điều tiết việc cơ giới hóa các khâu làm đất, vệ sinh, cải tạo đồng ruộng, thu hoạch, phơi sấy, bảo quản…

Tại diễn đàn, nhiều đại biểu cũng cho rằng, các tỉnh cần thiết lập thời vụ xuống giống hàng tháng cho các huyện, xã trong tỉnh gồm: Diện tích, vùng xuống giống, thời gian xuống giống, cơ cấu giống theo thời vụ chính.Ngoài khung thời vụ chính, việc bố trí xuống giống theo các tháng trong năm phải được lập kế hoạch và theo dõi chặt chẽ, thống kê đầy đủ và có các giải pháp chỉ đạo phù hợp.

Còn theo Viện lúa ĐBSCL, ngành chức năng và địa phương cần tổ chức hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón hợp lý theo nguyên tắc 5 đúng: đúng chủng loại, đúng lúc, đúng đối tượng, đúng thời vụ, đúng cách bón sẽ góp phần tăng hiệu suất sử dụng phân bón, tránh lãng phí và ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu cho thấy, sau 10 năm khi áp dụng rơm rạ hữu cơ với lượng 6 tấn/ha đã giảm khoảng 50% phân hóa học (NPK) theo khuyến cáo, nhưng năng suất lúa không thay đổi so với bón 100% NPK theo khuyến cáo cho nông dân.

Sử dụng giống lúa phù hợp

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra, tại diễn đàn, các đại biểu đã đưa ra một số giải pháp như cần cơ cấu mùa vụ lúa; xu thế xâm nhập mặn; việc sản xuất lúa bền vững; giải pháp ứng phó hạn mặn; cách ứng phó biến đổi khí hậu trong canh tác lúa…

Qua đó, nhiều đại biểu cũng đặt nhiều câu hỏi xoay quanh vấn đề sử dụng các giống lúa chịu mặn; cách canh tác lúa bền vững trước thực trạng hạn hán, xâm nhập mặn; cơ chế, chính sách đảm bảo người sản xuất lúa có lợi nhuận; vấn đề tiêu thụ lúa sau thu hoạch; cách gieo sạ giảm lượng giống vẫn đảm bảo lúa đạt năng suất…

Nhiều ý kiến cho rằng, trong điều kiện hạn mặn xâm nhập, cần làm thế nào để ngăn ngừa và quản lý đất đã nhiệm mặn. Viện lúa ĐBSCL khuyến cáo, nên chọn cây trồng phù hợp trong điều kiện của vùng; biết các yêu cầu thẩm lậu cho cây trồng được lựa chọn; giữ khoảng thời gian giữa hai lần tưới nước; sử dụng các loại phân bón thích hợp.

Trong khi đó, ngành chuyên môn cũng nhận định, hiện chưa có giống lúa cải tiến ngắn ngày chịu được mức độ mặn ở mức trên 5‰ mà vẫn cho năng suất ở mức đảm bảo có hiệu quả kinh tế. Do đó, đối với vùng xâm nhập mặn, hiện nay nên sử dụng giống lúa cực ngắn ngày, chịu mặn ở mức khá, kết hợp với bố trí thời vụ để né mặn đỉnh cao giai đoạn trổ bông.

Bên cạnh đó, ông Võ Quốc Trung, Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng, thông tin: Thời gian qua, nhiều nông dân trong tỉnh đã áp dụng dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững – VnSAT. Theo đó, nông dân vùng dự án giảm được giá thành sản xuất lúa. Thông qua hoạt động khảo sát đánh giá nội bộ, ghi nhận chi phí sản xuất lúa đã giảm 350-550 đồng/kg lúa tươi so với trước dự án (tùy theo mùa vụ và từng tiểu vùng sinh thái khác nhau).

Các giải pháp kỹ thuật được nông dân áp dụng theo dự án cũng là một trong nhiều biện pháp có hiệu quả trong sản xuất lúa thích ứng xâm mặn.

Tại diễn đàn, TS Trần Văn Khởi - Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, thông tin: Đơn vị tổ chức diễn đàn với mong muốn đưa ra các biện pháp kỹ thuật trong canh tác lúa để thích ứng với tác động của BĐKH, cũng như nâng cao hơn nữa giá trị đất sản xuất nông nghiệp. Từ đó, tạo thành các vùng sản xuất hàng hóa lớn, nâng cao thu nhập cho người nông dân, hướng đến một nền canh tác bền vững, bảo vệ môi trường.

Chúc Ly