Lợn vẫn ùn ùn vượt biên sang Trung Quốc

20/11/2019 08:15 GMT+7
Sự lo ngại vô cùng thực tế và sát sườn này của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho thấy, nguy cơ thiếu thịt lợn những tháng cuối năm 2019 hoàn toàn có thể xảy ra nếu không dự báo đúng và sát tình hình.

Thiếu 200.000 tấn thịt lợn

Báo cáo của Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho thấy, từ đầu tháng 2/2019 đến ngày 15/11/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 8.498 xã thuộc 666 huyện của 63 tỉnh, thành phố với tổng số lợn tiêu hủy 5,88 triệu con, tổng trọng lượng 337.000 tấn (chiếm hơn 8,8% tổng trọng lượng lợn của cả nước).

Đến nay, có 54% số xã có dịch đã qua 30 ngày, trong đó 25 tỉnh, thành phố có trên 50% số xã và 9 tỉnh có trên 85% số xã đã qua 30 ngày; tỉnh Hưng Yên về cơ bản đã hết dịch.

Về vấn đề giá lợn hơi đang tăng cao, Thứ trưởng Tiến cho hay, thời gian qua, giá trung bình cả nước khoảng 60.000-67.000 đồng/kg lợn hơi, cá biệt có nơi đã lên tới 75.000-80.000 đồng/kg, nguyên nhân là do tình trạng khan hiếm nguồn cung tại một số địa phương, nhất là ở những khu vực tiêu thụ lợn thịt tại chỗ do người chăn nuôi không bán lợn ra thị trường. Trong khi đó, vẫn còn hiện tượng vận chuyển lợn theo đường mòn, lối mở sang Trung Quốc.

Ông Tiến khẳng định tổng đàn heo chưa bị mất cân đối quá lớn, hiện còn 25 triệu con, nguồn giống vẫn đáp ứng đủ nhu cầu tái đàn nên nếu có biện pháp tái đàn thì có thể khôi phục nhanh nguồn cung.

Lợn vẫn ùn ùn vượt biên sang Trung Quốc - Ảnh 1.

Giá lợn hơi tăng nóng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ họp khẩn với đại diện các bộ ngành bàn giải pháp bình ổn. Ảnh: Thành Chung.

Nhưng theo tính toán của Tổng cục Thống kê, dự kiến tổng nhu cầu thị trường từ nay đến Tết là 600.000 tấn, trong khi mức cung hiện tại chỉ đạt 400.000 tấn (gồm trong nước và nhập khẩu) nên lượng thịt thiếu hụt dự kiến lên đến hơn 200.000 tấn.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng nhận định, giai đoạn Tết Nguyên đán (tháng 12/2019 đến 2/2020) có thể thiếu 25.000 - 30.000 tấn heo hơi.

Lợn vẫn ồ ạt vượt biên sang Trung Quốc

Dù nguồn cung lợn được các địa phương khẳng định vẫn khá dồi dào, không thiếu, song lãnh đạo các địa phương như Hưng Yên, Bắc Giang thừa nhận rằng giá lợn hơi xuất đã tăng lên mốc 75.000-76.000 đồng/kg.

Trong khi đó, ông Nguyễn Phước Trung - Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM, cho hay, bình quân giá lợn hơi xuất chuồng đã tăng lên 70.000 đồng/kg, thịt ba chỉ tại chợ tăng lên 200.000 đồng/kg. Theo ông, giá lợn tăng do yếu tố trung gian rất lớn.

Theo ông Trung, giá lợn hơi tăng nên số người bán lẻ giảm nên phải bán tăng lên. Trước đây, một ngày TP.Hồ Chí Minh tiêu thụ 9.500-10.000 con lợn thì hiện chỉ còn 8.000-8.500 con, giảm 15%.

Lợn vẫn ùn ùn vượt biên sang Trung Quốc - Ảnh 2.

Theo các doanh nghiệp, nên khuyến khích người dân tái đàn ở những nơi đủ điều kiện. Ảnh: Vũ Mưa.

Trong khi đó, ông Vũ Anh Tuấn - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Chăn nuôi CP, thừa nhận, giá lợn tăng lên quá cáo gây ra bất ổn, thiếu bền vững cho ngành chăn nuôi lợn. Bởi, nhiều người nông dân tái đàn bột phát, thiếu kiểm soát có thể gây dịch trở lại.

Ông Tuấn cũng cho biết, đang có tình trạng xuất khẩu lợn sang Trung Quốc, cả lợn thịt và lợn giống (loại lợn 10-30kg). Theo đó, Bộ cần quyết liệt ngăn chặn vấn đề này, bởi, nếu để tiếp diễn có thể gây ra thiếu lợn trong thời gian tới.

Ông Đào Mạnh Lương, Tổng Giám đốc Tập đoàn Mavin, khẳng định nguồn cung không thiếu. Song đang có sự chênh lệnh giá khá lớn giữa các địa phương. Ông Lương cho rằng cần tháo lưu thông, đưa lợn từ chỗ giá thấp đến chỗ giá cao để hạ nhiệt bớt giá lợn. Đồng thời, khuyến khích những hộ chăn nuôi đủ điều kiện thì nên tái đàn.

Đồng tình quan điểm này, ông Nguyễn Thiều Nam, Phó Tổng giám đốc Masan đề nghị Chính phủ phải có chính sách đóng mở đường biên với Trung Quốc thật rõ ràng, việc lúc đóng lúc mở không nhất quán như hiện nay sẽ gây bất ổn giá lợn trong nước.

Ông Nguyễn Như So cũng cho rằng, ngoài việc kiểm soát việc xuất khẩu tiểu ngạch, cần mạnh dạn khuyến khích dân tái đàn để bù đắp lượng lợn thiếu hụt do dịch tả lợn Châu Phi thời gian vừa qua, miễn là đảm bảo đúng quy trình an toàn sinh học

Trước tình hình trên, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị các bộ ngành và doanh nghiệp phải cùng chung tay tháo gỡ khó khăn, cùng vào cuộc để tăng nguồn cung, có thông tin thị trường chính xác. Bởi tính cả trước mắt và về lâu dài, nếu không có các giải pháp đồng bộ sẽ dẫn đến thiệt hại cho cả người chăn nuôi và người tiêu dùng.

Theo Dân Việt
Cùng chuyên mục