dd/mm/yyyy

Lập Thạch "băng băng" về đích nông thôn mới

Với sự chung sức đồng lòng của chính quyền và nhân dân trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Lập Thạch (tỉnh Vĩnh Phúc) đã và đang "băng băng" tiến về đích huyện NTM vào cuối năm 2019.

Phấn đấu có 2 xã nông thôn mới nâng cao

Giữa tháng 5/2019 vừa qua, xã Văn Quán - địa phương cuối cùng của huyện Lập Thạch được BCĐ thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM của tỉnh về kiểm tra và công nhận đạt chuẩn NTM. Như vậy đến nay địa phương này đã có 18/18 xã đạt chuẩn NTM.

Lập Thạch "băng băng" về đích nông thôn mới - Ảnh 1.

Sản xuất rau VietGAP đang mang lại thu nhập cao cho người dân một số xã của huyện Lập Thạch. Đăng Hải

Sau hơn 8 năm triển khai, đến nay, 100% số xã trên địa bàn huyện Lập Thạch đã hoàn thành chương trình xây dựng NTM. Nói về kinh nghiệm xây dựng NTM của địa phương ông Nguyễn Văn Thái - Trưởng phòng NNPTNT huyện Lập Thạch cho rằng: Trong quá trình xây dựng NTM, huyện luôn đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền với nội dung phù hợp với từng đối tượng và gắn với các phong trào thi đua, các cuộc vận động lớn như: "Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh"; "Lập Thạch chung sức xây dựng NTM"…

Bên cạnh đó, huyện đã nhanh chóng vận dụng chính sách của Trung ương, của tỉnh để triển khai đến các xã trên địa bàn như: Hỗ trợ giống vật nuôi, mua máy móc, xây dựng vùng trồng trọt sản xuất hàng hóa, hỗ trợ cây trồng vụ Đông... đã tạo động lực để người dân tích cực đẩy mạnh phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập; hình thành một số vùng chuyên canh với cây, con chủ lực như: Thanh long ruột đỏ ở Vân Trục, Xuân Hòa, Ngọc Mỹ; chăn nuôi bò sữa ở Thái Hòa, Liên Hòa; chanh tứ quý ở Liễn Sơn…

100% số xã đạt chuẩn NTM là tiền đề quan trọng để Lập Thạch phấn đấu trở thành huyện NTM trong năm nay. Hiện nay, huyện Lập Thạch đang nỗ lực hoàn thành 2 tiêu chí huyện NTM bao gồm: "Y tế - văn hóa - giáo dục" và "Môi trường".

Ông Thái cho biết thêm, đặc biệt, xác định xây dựng nông thôn đạt chuẩn NTM chỉ là kết quả bước đầu nên huyện đã chỉ đạo các xã cần tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để chương trình thực sự đi vào chiều sâu, thực chất và phát triển bền vững.

Theo ông Thái, vừa qua cùng với các địa phương trong tỉnh, huyện Lập Thạch cũng đã tích cực phổ biến các nội dung Chương trình thí điểm "Mỗi xã một sản phẩm" của tỉnh giai đoạn 2018 - 2020 với các sản phẩm chủ lực như: Thanh long ruột đỏ, cá thính, mây tre đan... và chọn 2 xã Thái Hòa, Triệu Đề phấn đấu đến năm 2020 đạt chuẩn xã NTM nâng cao với hai thôn dân cư: Đình Tre (Thái Hòa) và Tân Tiến (Triệu Đề) làm điểm xây dựng thôn dân cư NTM kiểu mẫu.

Lập Thạch "băng băng" về đích nông thôn mới - Ảnh 2.

Mô hình trồng hoa đem lại thu nhập cao hàng trăm triệu đồng cho các hộ ở Lập Thạch. Đăng Hải

Là một trong hai địa phương được huyện chọn làm điểm xây dựng xã NTM nâng cao, đối với chính quyền và nhân dân xã Thái Hòa đây là niềm vinh dự song cũng là thử thách không nhỏ. Ông Hà Cương Quyết - Phó Chủ tịch UBND xã Thái Hòa cho biết: "Hiện nay, sau khi tiến hành rà soát các tiêu chí của xã NTM nâng cao, xã còn một số tiêu chí, chỉ tiêu chưa đạt như: Thu nhập bình quân đầu người; hệ thống điện chiếu sáng; môi trường; tỷ lệ hộ nghèo... Vì vậy, để đạt chuẩn NTM nâng cao theo kế hoạch đề ra, chính quyền xã đã và đang tiếp tục tuyên truyền vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa có sức cạnh tranh và đạt hiệu quả kinh tế...".

Kinh nghiệm từ huy động nguồn lực

Ông Thái thông tin thêm, để đạt được các tiêu chí huyện NTM vào năm 2019, cấp ủy, chính quyền huyện Lập Thạch đã huy động mọi nguồn lực, trong đó có sự tham gia tích cực của đội ngũ đảng viên trẻ, các cấp Hội Cựu chiến binh huyện... góp phần làm thay đổi bộ mặt NTM của huyện, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao.

"Cấp ủy, chính quyền huyện xác định, để thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, ngoài sự đồng lòng, chung sức của cả hệ thống chính trị cần đặc biệt chú trọng phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đảng viên trẻ. Bởi đội ngũ đảng viên trẻ là những hạt nhân kế cận để duy trì bền vững và phát triển những thành tựu đạt được của cấp ủy, chính quyền địa phương trong xây dựng NTM", ông Thái khẳng định.

Điển hình như đồng chí Hoàng Ngọc Thanh, sinh năm 1988, là Bí thư Đoàn xã, một đảng viên trẻ của xã Quang Sơn luôn gương mẫu, giữ gìn đạo đức, lối sống, không ngừng phấn đấu rèn luyện và tích cực tham gia phát triển kinh tế. Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao với vị trí Bí thư Đoàn xã, đồng chí còn năng động phát triển kinh tế hộ với thu nhập bình quân hơn 400 triệu đồng/năm, đời sống gia đình ngày càng nâng cao.

Nhiều tấm gương phát triển kinh tế hiệu quả, sáng tạo của đảng viên trẻ trên địa bàn huyện Lập Thạch đã và đang tích cực góp phần xây dựng NTM ở các địa phương như các đồng chí: Nguyễn Tài Thu, Chi bộ thôn Vinh Hoa, xã Tử Du; Nguyễn Văn Tiến, Chi bộ thôn Thượng Đạt, xã Liên Hòa; Lê Hải Long, xã Quang Sơn…

Đồng chí Hoàng Ngọc Thủy - Bí thư Đảng ủy xã Vân Trục cho biết: Các đảng viên trẻ ở xã đa số là những thanh niên tiên tiến, tích cực tham gia phát triển kinh tế cũng như các phong trào của địa phương. Với sức trẻ của mình, nhiều đảng viên là những người tiên phong trong phát triển sản xuất, đặc biệt biết vận dụng khoa học công nghệ để mở rộng thị trường nông sản, giúp gia tăng giá trị sản xuất.

Cùng với các đảng viên trẻ, các cựu chiến binh (CCB) tại các xã của Lập Thạch cũng thi đua tham gia xây dựng NTM. Tiêu biểu trong phong trào "CCB chung tay xây dựng NTM" là hội cơ sở các xã Thái Hòa, Xuân Lôi, Tử Du, Tiên Lữ, Đồng ích, Văn Quán, Triệu Đề, Liễn Sơn, Liên Hòa.

Nhiều cá nhân tự tháo dỡ nhà, cơ sở kinh doanh để hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn. Tiêu biểu như hội viên Nguyễn Kim Thành, Chủ tịch Hội CCB xã Hợp Lý hiến 2.240m2 đất, chặt hàng ngàn cây lấy gỗ 3 năm tuổi trị giá hơn 800 triệu đồng. Hội viên khổng Văn Đương xã Xuân Hòa hiến 1.500m2 đất canh tác nông nghiệp và đất thổ cư để làm đường giao thông….

Tính từ năm 2014 đến nay, hội viên CCB trong huyện đã hiến được 115.976m2 đất thổ cư, đất vườn; tháo dỡ, dịch chuyển 1.450m tường rào xây và 25 cổng xây kiên cố; chặt hàng ngàn cây ăn quả, lấy gỗ; lao động công ích 14.438 ngày công tổng trị giá trên 13 tỷ đồng....

Tính đến nay, huyện Lập Thạch đã đạt thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ước đạt hơn 30 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,88%.
Đăng Hải