dd/mm/yyyy

Lão “cơ giới hóa” Hà Nam

Đó là biệt danh mà nhiều người dân ở địa phương đặt cho ông Nguyễn Hải Hinh ở xã Thanh Nguyên, huyện Thanh Liêm (Hà Nam). Bởi, ông Hinh là một trong những người đầu tiên tậu hàng loạt “trâu sắt” về cày, gặt lúa giúp bà con có được mùa vàng bội thu. Nhờ thành tích xuất sắc của mình, ông Nguyễn Hải Hinh được bình chọn là 1 trong 63 “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019”.

Đưa cơ giới hóa về quê hương

Vào những ngày này, ông Hinh đang tất bật đưa máy đi các tỉnh miền Bắc, miền Trung... gặt lúa thuê cho bà con. Phải khó khăn lắm, chúng tôi mới hẹn được ông Hinh để nói chuyện.

Bắt đầu câu chuyện, ông Hinh đùa vui bảo:”Ngày nào cũng phơi mặt ngoài đồng từ sáng đến tối đêm, có khi tôi ở với máy nhiều hơn ở với vợ con ấy”.

Ông Nguyễn Hải Hinh bên máy gặt của mình tại cánh đồng ở Nghệ An.
Ông Nguyễn Hải Hinh bên máy gặt của mình tại cánh đồng ở Nghệ An.

Dù ông Hinh đã thuê thợ lái và thợ phụ theo máy gặt nhưng hàng ngày ông vẫn thường phải tham gia giám sát và thu tiền tại các cánh đồng. Vì thế mà cứ vào mùa vụ là ông Hinh lại “ăn ngủ” cùng máy ở ruộng suốt nhiều tháng.

Bên cạnh việc vận hành 4 máy nông nghiệp phục vụ bà con các tỉnh, ông Hinh còn chăn nuôi cá, trồng rau..., trung bình mỗi năm gia đình có nguồn thu hàng tỷ đồng. Dự định, sắp tới ông Hinh sẽ tiếp tục đầu tư mua thêm các máy nông nghiệp để phục vụ bà con trong và ngoài tỉnh.

Ông Hinh kể, cái nghiệp làm máy như cái duyên đã vận vào ông từ năm 1979. Khi ấy ông tham gia nhập ngũ và công tác tại một đơn vị vận tải đường sông ở phía Nam. Khi xuất ngũ về quê, ông Hinh lại tiếp tục làm công việc liên quan đến máy móc, cơ khí trong ngành điện lực.

Do đam mê máy móc và muốn xây dựng “cơ đồ” cho riêng bản thân mình, năm 2015, ông Hinh chính thức xoay sở, gom vốn và vay mượn ngân hàng để đầu tư vào mua 4 chiếc máy nông nghiệp (2 máy gặt, 2 máy làm đất) vừa phục vụ sản xuất của gia đình và giúp bà con quê hương vơi bớt cực khổ.

“Làm ruộng quê mình khổ quá, không có máy móc bà con phải làm thủ công, quanh năm chân lấm, tay bùn, “bán lưng cho đất, bán mặt cho trời” mà vẫn nghèo, khổ. Vì vậy, ngay từ nhỏ tôi đã có mong ước là sau này cố gắng đưa cơ giới hóa về giúp mọi người, đến giờ mới có điều kiện thực hiện điều đó”, ông Hinh nói.

Thời gian đầu, khi biết được ý định quay về làm nông nghiệp của ông, một số người trong gia đình cũng khá bất ngờ nhưng mọi người đều đồng tình, ủng hộ. Từ khi có máy móc, 2 mẫu ruộng cấy của gia đình làm nhàn lắm, nhờ thế mà vợ con và mọi người cũng nhàn hạ, khỏe người hơn nên ông càng có thêm động lực để tiếp tục công việc.

Thấy hiệu quả, nhiều bà con trong làng đua nhau đến đặt hàng. Khi vào mùa lúa chín thì ông đưa máy đến gặt, xong vụ ông lại đánh máy đến làm đất giúp bà con cấy vụ mới.

Từ ngày có máy của ông giúp sức, các cánh đồng, thửa ruộng của quê hương như “bừng tỉnh”, lúa, hoa màu... của bà con vụ nào cũng xanh tốt mơn mởn, bội thu nên mọi người ai cũng phấn khởi.

Tiếng lành đồn xa. Về sau cả làng, xã, huyện trong địa phương ai cũng biết đến ông Hinh và cái biệt danh “Lão cơ giới hóa” gắn với ông từ đó cho đến giờ. Ông Hinh cho biết, hàng năm ông đưa máy đến hàng chục tỉnh ở miền Bắc, miền Trung gặt, làm đất cho bà con với diện tích lên đến hàng nghìn mẫu ruộng

Mong nhà nước hỗ trợ người dân

Gần 5 năm làm nghề, ông Hinh và các công nhân của mình cũng đã nếm trải đủ buồn, vui lẫn trái đắng trong nghề. Ông Hinh bảo: Nghề này tưởng đơn giản, mọi người cứ tưởng cứ có máy là muốn đưa đi đâu làm cũng được, nhưng thực tế lại không như vậy, muốn có đất làm phải trả phần trăm, phí bôi trơn đủ kiểu.

“Thời gian đầu làm cũng tưởng dễ dàng, cứ chỗ nào bà con gọi là đến nhưng cũng không ít lần chúng tôi gặp “quả đắng”, bị xã hội đen dọa nạt, xin tiền, có chỗ còn bị họ bắt máy đòi chung chi mới thả, cuối cùng đành phải thỏa hiệp mới có chỗ làm ăn”, ông Hinh nhớ lại.

Ngoài việc làm máy, ông Hinh còn có đầm cá truyền thống rộng mấy mẫu ở quê nhà ở Hà Nam. Hải Đăng
Ngoài việc làm máy, ông Hinh còn có đầm cá truyền thống rộng mấy mẫu ở quê nhà ở Hà Nam. Hải Đăng

Thông thường khi vào vụ, ông Hinh thường lấy công gặt của bà con khoảng 100.000 đồng/sào nhưng khi có xã hội đen bảo kê, thì tùy theo mức mà lực lượng này đòi hỏi khoảng 20.000 đồng/sào hoặc 50.000 đồng/sào để ông điều chỉnh để không bị thiệt thòi, có nơi ông Hinh phải lấy công gặt của bà con tăng lên 120.000 đồng đến 150.000 đồng/sào. “Dù biết cuối cùng người chịu thiệt thòi nhiều nhất vẫn là người làm ruộng, là bà con mình nhưng chúng tôi cũng đành bất lực thôi”, ông Hinh ngậm ngùi.

Ông Hinh cho hay: Có nhiều lần làm việc với lãnh đạo thôn, xã đều đồng ý để tôi đưa máy về làm nhưng đến khi bị xã hội đen ngấm ngầm gây áp lực, dọa nạt, họ lại chịu thua, để tôi tự lo thỏa hiệp với bọn chúng.

“So với trước đây, hoạt động bảo kê tại các tỉnh cũng đã giảm nhiều, song vẫn còn rất nhức nhối. Có nơi tôi về làm, nhiều cán bộ địa phương và công an có khuyến cáo nên quay phim, chụp hình ghi lại các hành vi của các đối tượng này để làm bằng chứng cung cấp để cơ quan pháp luật vào cuộc nhưng với kiểu xử lý kiểu nửa vời như thế thì người thiệt hại cuối cùng vẫn là người dân làm ruộng và chủ máy thôi, vì khi bị tố cáo chúng tôi rất có thể bị kẻ xấu ngầm hãm hại ngay”, ông Hinh bày tỏ.

Trước thực trạng thiếu thốn máy móc phục vụ sản xuất, ông Hinh cũng rất mong Nhà nước, đặc biệt là các địa phương tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân trong việc mua sắm máy móc áp dụng vào sản xuất quy mô lớn.

“Tôi thấy nhiều địa phương, nhất là Hà Nội có chính sách, chương trình liên kết với doanh nghiệp để hỗ trợ 50% giá máy cho người dân khi mua máy nông nghiệp. Đây thực sự là một cách làm hay, thiết thực và phù hợp để giúp bà con mua được máy áp dụng vào sản xuất, giúp giảm nhân công và nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản nói riêng và thúc đẩy ngành nông nghiệp của nước ta phát triển bền vững, hiệu quả hơn”, ông Hinh đề nghị.

Hải Đăng