Lãnh đạo Cục Thú y nói gì về sự nguy hiểm của cúm gia cầm H5N6?

Minh Huệ (thực hiện) Thứ năm, ngày 13/02/2020 14:12 PM (GMT+7)
“Đây không phải lần đầu tiên Việt Nam xảy ra dịch cúm gia cầm. Từ năm 2003, chúng ta đã phải ứng phó với dịch cúm gia cầm, đến năm 2009 ứng phó với chủng virus H1N1 lây sang người. Từ đó đến nay, hàng năm vẫn xảy ra lác đác một số ổ dịch nên người chăn nuôi cũng như các ban ngành chức năng, địa phương đã có kinh nghiệm phòng chống dịch, phát hiện và xử lí ổ dịch triệt để. Nhờ vậy mà tổng đàn gia cầm cả nước đã phát triển rất mạnh”.
Bình luận 0

img

Tại thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, lực lượng chức năng huyện Chương Mỹ đã lập chốt kiểm dịch tại ổ dịch cúm A/H5N6. Ảnh: Thành An

Ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cho biết như vậy khi trao đổi với PV báo điện tử Dân Việt.

Ông có thể cho biết tình hình ứng phó với dịch cúm gia cầm hiện nay ra sao?

-Tính đến hết ngày 12/2, cả nước có 10 ổ dịch cúm gia cầm do chủng virus A/H5N6 gây ra, buộc phải tiêu hủy trên 43.000 con gia cầm tại 5 tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Bắc Ninh và TP.Hà Nội, trong đó 1 ổ dịch ở Quảng Ninh đã qua 21 ngày chưa phát sinh ổ dịch mới.

Về công tác chỉ đạo, phải khẳng định Bộ NNPTNT đã kịp thời ban hành tất cả các văn bản, mới đây nhất là ngày 5/2/2020, Bộ NNPTNT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành công văn chỉ đạo về công tác phòng chống cúm gia cầm. Trước đó là hàng loạt văn bản quan trọng, trong đó có việc Bộ NNPTNT đã trình Chính phủ kế hoạch quốc gia về phòng chống các bệnh cúm gia cầm giai đoạn 2019 – 2025 và đã được ban hành tại Quyết định số 172, bao gồm tất cả các giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý.

Tuy nhiên, cuối năm 2019 đầu 2020, trước tình hình tổng đàn gia cầm tăng cao để bù đắp sản lượng thịt lợn thiếu hụt do dịch tả lợn châu Phi, cùng với thời tiết diễn biến phức tạp, nhu cầu tiêu thụ, vận chuyển gia cầm trước và sau Tết Nguyên đán tăng cao, Bộ trưởng Bộ NNPTNT đã ban hành Chỉ thị yêu cầu tất cả các tỉnh, thành phố, cơ quan chuyên môn, người chăn nuôi thực hiện các giải pháp phòng chống dịch bệnh vụ đông xuân.

Mới đây nhất, ngày 3/2, Bộ tiếp tục có công điện khẩn gửi các địa phương, nhất là các địa phương đang có ổ dịch, nơi có nguy cơ cao đề nghị thực hiện tốt nhiệm vụ phòng chống dịch.

img

Ông Nguyễn Văn Long - Phó Cục trưởng Cục Thú y. Ảnh: T.L

Bệnh dịch này có nguy cơ như thế nào đối với sức khỏe con người?

-Đây không phải lần đầu tiên Việt Nam xảy ra dịch cúm gia cầm. Trong đó, chủng virus H5N6 đã xuất hiện từ năm 2014. Đến nay, chúng ta chưa ghi nhận bất kì trường hợp nào mắc hoặc nghi ngờ nhiễm chủng virus này trên người. Còn trên gia cầm, tương tự chủng virus H5N1, hàng năm vẫn xảy ra lác đác vài ổ dịch và chúng ta đều đã kiểm soát tốt nhờ thực hiện tiêu hủy toàn đàn, khoanh vùng dịch, thực hiện tốt các biện pháp quản lý, tiêm phòng…

"Thực chất là hiện nay, dịch mới xuất hiện ở quy mô nhỏ lẻ với 1 – 2 hộ, mang tính chất bệnh dịch địa phương và đã được tiêu hủy, tiêm phòng bao vây ngay lập tức. Chúng ta đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực, có công cụ kiểm soát tốt thì tình hình dịch chưa thực sự đáng lo ngại".

Ông Nguyễn Văn Long

Đối với các bệnh dịch này chúng ta đều đã có vaccine phòng dịch, với khoảng 200 triệu liều, đảm bảo cung cấp đủ cho đàn gia cầm mỗi năm để đáp ứng phòng bệnh tốt đối với cả 2 chủng virus H5N1 và H5N6, cùng với một loạt giải pháp bao vây khác.

Bên cạnh đó, để phòng bệnh một cách có chủ động, thời gian qua, Bộ NNPTNT, Cục Thú y đã triển khai các chuỗi chăn nuôi an toàn dịch bệnh cả trên gia súc, gia cầm, vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vừa phục vụ xuất khẩu.

Đến nay, đã có nhiều chuỗi hoạt động hiệu quả, như chuỗi của Công ty CP chăn nuôi C.P mỗi tuần cung ứng 1 triệu con gia cầm ra thị trường, hay chuỗi xuất khẩu gà chế biến đi Nhật Bản của Tập đoàn Hùng Nhơn, Công ty Koyu Unitex, Công ty Bel Gà, Tập đoàn De Heus với sản lượng vài trăm ngàn tấn/năm.

img

Các phương tiện đi từ trong thôn Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, Chương Mỹ, Hà Nội) khi ra vào đều phải dừng lại ở "chốt kiểm dịch" để cán bộ Trạm Thú y của địa phương phun thuốc khử trùng. Ảnh: Thành An

Trước tình hình dịch cúm có nguy cơ lây lan, việc tiêu thụ gia cầm có bị ảnh hưởng, thiệt hại tới sản xuất hay không?

-Chắc chắn không ảnh hưởng gì bởi chúng ta đã có kinh nghiệm ứng phó dịch từ năm 2003 đến nay, các ổ dịch đã được bao vây, tiêu hủy triệt để. Chính nhờ kiểm soát tốt nên tổng đàn gia cầm đến thời điểm này đã tăng lên khoảng 470 triệu con so với 380 triệu con trước đây.

Tuy nhiên, thời gian qua Bộ NNPTNT cũng đã có chỉ đạo rõ đối với việc phát triển gia cầm cũng như gia súc khác, đó là phải đảm bảo 3 nguyên tắc: Cung – cầu; đảm bảo an toàn sinh học; đảm bảo an sinh xã hội. Nếu cứ chăn nuôi ồ ạt, mất kiểm soát thì cung sẽ vượt cầu, giá giảm là đương nhiên.

Thực chất là hiện nay, dịch mới xuất hiện ở quy mô nhỏ lẻ với 1 – 2 hộ, mang tính chất bệnh dịch địa phương và đã được tiêu hủy, tiêm phòng bao vây ngay lập tức. Chúng ta đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực, có công cụ kiểm soát tốt thì tình hình dịch chưa thực sự đáng lo ngại.

Điều quan trọng là chúng ta luôn luôn phải đề cao công tác phòng chống dịch bệnh, thực hiện tiêm phòng vaccine đầy đủ, đúng quy định.

Xin cảm ơn ông! 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem