Lãi lớn trong quý 1/2020, VIB có "giấu" nợ xấu?

20/04/2020 16:47 GMT+7
Bất chấp đai dịch Covid-19, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) vẫn công bố lợi nhuận sau thuế cải thiện mạnh. Tuy nhiên, nợ xấu tại VIB lại không được công khai.

Lợi nhuận tăng mạnh

Đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng tiêu cực tới đa số các doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế. Doanh thu, lợi nhuận giảm sút nên các doanh nghiệp được cho là có thể tạo nợ xấu, từ đó gây áp lực lên lợi nhuận của ngành ngân hàng. Thế nhưng, một vài đơn vị công bố báo cáo tài chính đầu tiên cho thấy điều ngược lại. Lợi nhuận của ngành đang tăng rất mạnh.

Sau khi Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) công bố lợi nhuận sau thuế quý 1/2020 tăng hơn 130%, đến lượt Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) công bố các số liệu kinh doanh khả quan.

Theo báo cáo tài chính quý 1/2020 của VIB, thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự trong kỳ của VIB đạt 4.097 tỷ đồng, tăng 1.097 tỷ đồng, tương đương 36,6% so với quý 1/2020.

Lãi lớn trong quý 1/2020, VIB có "giấu" nợ xấu? - Ảnh 1.

Lợi nhuận sau thuế quý 1/2020 của VIB tăng mạnh.

Hoạt động dịch vụ cũng được cải thiện khi mang về cho VIB khoản lãi 400 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 340 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Ngoại hối và chứng khoán không hiệu quả nhưng cũng không gây áp lực lên hoạt động chính.

Lợi nhuận sau thuế quý 1/2020 của VIB lên tới 859 tỷ đồng, tăng 204 tỷ đồng, tương đương 31,1%.

Có "giấu" nợ xấu?

Trong quý 1/2020, thu nhập lãi thuần tăng vọt, tăng vượt xa dư nợ tín dụng. Tại thời điểm 31/3/2020, cho vay khách hàng tại VIB là 134.863 tỷ đồng, tăng 5.663 tỷ đồng, tương đương 4,4% so với số liệu hồi đầu năm.

Giữa đai dịch Covid-19, nợ xấu là một trong những chỉ tiêu được quan tâm nhất của ngành ngân hàng. Thế nhưng, báo cáo tài chính quý 1/2020 của VIB lại không cho thấy điều đó. VIB chỉ công bố cho vay khách hàng dựa trên phân chia các thành phần kinh tế; dư nợ theo thời gian cho vay còn lại, dư nợ theo thời gian cho vay ban đầu; dư nợ cho vay theo đối tượng khách hàng và loại hình doanh nghiệp và dư nợ cho vay theo ngành.

Tại thời điểm 31/12/2019, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng VIB giảm từ 2,2% đầu năm xuống còn 1,7% và không có nợ VAMC. 

Lương tăng, không giảm

Trong khi đó, VIB không phân tích chất lượng nợ cho vay vì thế không rõ tình hình nợ xấu tại ngân hàng. Chỉ biết trong kỳ, VIB dành 155 tỷ đồng cho chi phí dự phòng cho vay khách hàng, không biến động nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại thời điểm 31/3/2020, VIB có 7.160 nhân sự, tăng 216 người so với thời điểm đầu năm. Nghĩa là VIB tuyển dụng ít nhất 216 người trong quý 1. Không chỉ mạnh tay tuyển dụng, VIB còn mạnh tay chi lương và phụ cấp.

Trong quý 1, VIB đã dành 721 tỷ đồng cho nhân viên, tăng mạnh so với 475 tỷ đồng của quý 1/2019. Như vậy, trung bình, mỗi nhân sự VIB được trả 101 triệu đồng/người/quý, tương đương 33,6 triệu đồng/người/tháng. Với thù lao này, VIB có thể lọt vào Top 3 các ngân hàng nội trả lương cao nhất Việt Nam.

Tuy nhiên, trong thông báo chính thức, VIB cho biết thu nhập bình quân/tháng tại VIB "chỉ" là 26,26 triệu đồng, tăng nhẹ so với 25,54 triệu đồng cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, vào cuối tháng 3, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu ngành ngân hàng xem xét cắt giảm chi phí hoạt động và lương thưởng, không chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, VIB là một trong số các ngân hàng tiên phong giảm lãi suất. Cuối tháng 3, VIB tiếp tục mở rộng gói hỗ trợ lãi suất với mức giảm từ 0,5% đến 2,0% trong 6 tháng cho tất cả khách hàng hiện hữu là các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp siêu nhỏ ở tất cả các lĩnh vực.

Đóng cửa phiên giao dịch 20/4, VIB dừng ở mức 14.800 đồng/CP, tăng 2.000 đồng/CP, tương đương 15,6% so với phiên cuối cùng của tháng 3. Như vậy, vốn hóa thị trường VIB có thêm gần 1.850 tỷ đồng.

Ngọc Lâm
Cùng chuyên mục