dd/mm/yyyy

Kỳ tích trong xây dựng Nông thôn mới ở Sơn La

Là một trong sáu tỉnh miền núi ở vùng Tây Bắc, Sơn La bước vào xây dựng Nông thôn mới (NTM) với xuất phát điểm rất thấp. Nhưng bằng sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng bộ, chính quyền; sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, đến nay, Sơn La đã có 41 xã đạt chuẩn NTM, vượt 18 xã so với mục tiêu Đại hội.

Năm 2011, tỉnh Sơn La có 3 xã đạt 6 tiêu chí, 180 xã dưới 5 tiêu chí, trong đó có 18 xã chưa đạt tiêu chí nào; số tiêu chí bình quân tại thời điểm đánh giá đạt 1,61 tiêu chí/xã, các tiêu chí chưa đạt là những tiêu chí hết sức khó khăn, như: Quy hoạch, giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, lao động có việc làm, môi trường và an toàn thực phẩm, hộ nghèo, thu nhập…

Kỳ tích trong xây dựng Nông thôn mới ở Sơn La - Ảnh 1.

Ông Hoàng Quốc Khánh (trái) - Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP của tỉnh Sơn La.

Sản xuất nông nghiệp còn manh mún, giá trị hàng hóa chưa cao, chưa hình thành được vùng sản xuất, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn thấp đạt 13 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn cao 40,15%.

Đứng trước những khó khăn bộn bề đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung xây dựng Đề án, chương trình hành động, ban hành Nghị quyết, Chỉ thị để thực hiện Chương trình xây dựng NTM.

Kỳ tích trong xây dựng Nông thôn mới ở Sơn La - Ảnh 2.

Trong giai đoạn 2011 - 2019, tỉnh Sơn La đã tổ chức thực hiện được 8.203 tuyến/2.545 km đường giao thông nông thôn với tổng kinh phí đầu tư 2.882 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 1.551 tỷ đồng.

Theo đó, UBND tỉnh Sơn La đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình từ tỉnh đến cơ sở; riêng ở cấp xã thành lập thêm Ban quản lý dự án và Ban phát triển nông thôn, thành lập Văn phòng Điều phối xây dựng NTM chuyên trách cấp tỉnh, huyện và cán bộ chuyên trách cấp xã để tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền trong tổ chức và thực hiện Chương trình theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Để chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt và có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, UBND tỉnh đã chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban Chỉ đạo và các sở, ngành, đơn vị và trực tiếp chỉ đạo, phụ trách các huyện, thành phố và các xã trong xây dựng NTM.

Kỳ tích trong xây dựng Nông thôn mới ở Sơn La - Ảnh 3.

Đến nay, Sơn La có 58/188 xã đạt tiêu chí giao thông nông thôn, tăng 58 xã so với năm 2015.

Ông Hoàng Quốc Khánh – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh, cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 26 ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; các quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn đến năm 2020, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh đã xác định Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM là Chương trình trọng tâm để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh, từ đó góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người dân ở khu vực nông thôn.

Kỳ tích trong xây dựng Nông thôn mới ở Sơn La - Ảnh 4.

Đến nay, Sơn La có 71/188 xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, tăng 71 xã so với năm 2011.

"Sau 10 năm thực hiện xây dựng NTM, diện mạo nông thôn Sơn La có nhiều đổi thay, quy hoạch nông thôn được chú trọng, hạ tầng kinh tế xã hội được quan tâm đầu tư, kinh tế phát triển, văn hóa - xã hội, môi trường có bước chuyển biến mạnh mẽ, an ninh trật tự được đảm bảo, khối đại đoàn kết các dân tộc không ngừng được củng cố và tăng cường, 19 tiêu chí xây dựng NTM đã được tỉnh quan tâm chỉ đạo và nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Đến nay, tỉnh Sơn La đã có 1 đơn vị cấp huyện là thành phố Sơn La hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và 41 xã đạt chuẩn NTM, vượt 18 xã so với Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV" – Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La nhấn mạnh.

Kỳ tích trong xây dựng Nông thôn mới ở Sơn La - Ảnh 5.

Thực hiện Chương trình xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tử một tỉnh sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, đến nay, Sơn La đã hình thành các vùng chuyên canh cây ăn quả, cây công nghiệp... Đặc biệt, hết năm 2019, giá trị xuất khẩu nông sản của tỉnh Sơn La ước đạt trên 140 triệu USD.

Trong giai đoạn 2011 – 2019, tổng nguồn vốn huy động thực hiện xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Sơn La là 28.857 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 3.612 tỷ đồng.

Tâm sự với phóng viên Báo điện tử Trang Trại Việt, ông Vừ A Ca, bản Hay Phiêng (TP Sơn La, tỉnh Sơn La), bảo: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã đem lại một luồng sinh khí mới cho vùng nông thôn Sơn La. Điện, đường, trường, trạm được xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu phục vụ đời sống, dân sinh. Bên cạnh đó, bà con bản Hay Phiêng được cán bộ chuyên môn các cấp hướng dẫn kỹ thuật ghép mắt cây ăn quả, chăn nuôi. Nhờ vậy, nếp nghĩ, cách làm từ chỗ sản xuất tự cung tự cấp, bà con đã biết chuyển sang sản xuất hàng hóa. Đến nay, các hộ nghèo trong bản không những thoát được nghèo mà còn vươn lên thành hộ khá giả.

Kỳ tích trong xây dựng Nông thôn mới ở Sơn La - Ảnh 6.

Năm 2019, thu nhập bình quân đầu người đạt 40,3 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn 26,8%, đời sống vật chất tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên.

Có thể nói, nhìn vào những số liệu biết nói trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đối với một tỉnh miền núi có trên 80% là người đồng bào dân tộc thiểu số như Sơn La, đó thực sự là một kỳ tích.

Tuệ Linh