dd/mm/yyyy

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây Na Thái cho trái ngọt, năng suất cao

Cây Na Thái dễ trồng, có khả năng chịu sâu bệnh, chịu hạn, cho năng suất và chất lượng cao. Đặc biệt hơn, quả Na Thái khá đẹp mã, hương thơm, ngọt đậm, nên được ưa dùng. Tuy nhiên để có năng suất cao, sai quả và không sâu bệnh thì cần có kỹ thuật trồng đúng cách.
Trái Na Thái thơm ngon, quả mọng, có trọng lượng trung bình từ 0,5kg đến 1kg; tỷ lệ hạt thấp hơn so với nhiều giống Na khác. IT.
Trái Na Thái thơm ngon, quả mọng, có trọng lượng trung bình từ 0,5kg đến 1kg; tỷ lệ hạt thấp hơn so với nhiều giống Na khác. IT.

Chọn đất trồng

Cây Na Thái có thể trồng ở đất cát sỏi, đất thịt, đất chua hay trung tính; chịu hạn và chịu rét tốt nhưng không chịu được nơi đất trũng, ngập úng. Để có được sản lượng cao thì nên trồng na Thái trên đất đất xốp, thoáng, dễ thoát nước, giàu dinh dưỡng; độ pH của đất : 5,5 – 6,5.

Chọn cây giống

Na Thái có 2 loại: Dai và bở, có thể gieo từ hạt, hoặc ghép cành, ghép mắt. Nếu lấy giống bằng cách ghép cành, ghép mắt, phải chọn những cây mẹ có thân khỏe, mập, trái to, hạt nhỏ. Cành ghép phải là cành bánh tẻ, đường kính 1cm - 1,5cm, cho rụng sạch lá; cắt khúc dài 10cm. Có thể dùng kỹ thuật ghép cành nêm vào cành của cây gốc; hoặc cắt vạt gốc ghép và cành ghép sao cho áp vào nhau vừa vặn, vết cắt dài khoảng 5cm - 6cm.

Với giống Na Thái từ gieo hạt, cần xử lý hạt bằng cách xóc với cát cho sứt vỏ, hoặc ngâm nước nóng 55 – 600C trong 15 - 20 phút; hạt có thể nảy mầm sau 2 tuần lễ. Cây trồng từ hạt phải sau 2 - 3 năm mới có thể cho quả.

Lưu ý, dù là cây gieo hạt, ươm trong bầu, hay cây ghép, cần bảo đảm giữ ẩm để cây giống lên lá, xanh trở lại rồi mới đem trồng.

Kỹ thuật trồng cây na thái

Cây Na Thái được trồng quanh năm, thích hợp nhất là khoảng thời gian từ đầu mùa Xuân, kéo dài đến tháng 8, 9.

Hố trồng cây Na Thái đào rộng và sâu khoảng 50cm; khoảng cách mỗi hố 3m x 3m hoặc 3m x 4m. Trước khi trồng, bà con cần bón lót vào mỗi hố khoảng 15 – 20 kg phân chuồng, 0,5 kg lân, 0,2 kg kali rồi trộn đều chúng với đất.

Khi trồng, đặt bầu cây ở giữa hố, cây thẳng, mặt bầu ngang với mặt đất rồi vun đất chặt gốc; tưới nước bề mặt để duy trì độ ẩm 70 -80%. Việc phòng trừ sâu bệnh hại, cỏ dại phải được tiến hành thường xuyên và xới phá váng đất sau mỗi trận mưa để giữ độ tơi xốp cho đất.

Cách chăm sóc cây Na Thái cần đặc biệt chú ý tới sâu rệp bám. IT
Cách chăm sóc cây Na Thái cần đặc biệt chú ý tới sâu rệp bám. IT

Bón phân: Trong 3 năm đầu, định kỳ 2 tháng bón một lần, mỗi cây na cần 15-20 kg phân chuồng, 0,7 kg phân đạm, 0,4 kg phân lân và 0,3 kg kali; bón cách gốc 30 cm -50 cm vào hai hốc đất đối xứng.

Từ năm thứ 4 trở đi, tiến hành bón phân khi cây sắp đơm hoa, thời kỳ nuôi cành và nuôi quả; bón thúc và vun gốc sau khi thu hoạch. Mỗi cây cần 20 kg – 40 kg phân chuồng, 1,5 kg - 1,7 kg phân đạm, 0,7 kg lân và 0,6 kg - 0,8 kg kali tùy điều kiện và thời gian sinh trưởng.

Phòng bệnh cho cây Na Thái

Na Thái ít sâu bệnh, nhưng nếu không chăm sóc tốt sẽ dễ bị bệnh rệp sáp, làm quả na bị xấu mã, vị nhạt. Khi Na chưa có trái, rệp bám thường xuất hiện ngay dưới mặt lá, dễ nhận ra ở màu trắng sáp và các tua trắng. Khi có trái thì rệp sáp bám vào các mắt na, cuống trái để hút nhựa.

Cách xử lý: Dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật như: Supracid, Bi 58ND, Applaud, Mipcin,... xịt vào cuối vụ, khi không còn trái. Khi trái non, có thể xịt thuốc cả vào trái, vào lá. Lưu ý, khi trái sắp chín tuyệt đối không xịt thuốc vì đây là thời gian sắp thu hoạch.

Huyền Phương