dd/mm/yyyy

“Kỹ sư già” và giấc mơ cánh đồng mẫu lớn

Mỗi sáng tạo cơ khí mà ông Hùng cho xuất xưởng đều chung “giấc mơ” tăng năng suất và giải phóng sức lao động cho nông dân trên khắp các cánh đồng Tây Ninh.

Khởi nghiệp từ nghề lái máy cày

Ở cái tuổi 60, ông Phạm Văn Hùng - Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Tư Hùng (huyện Tân Châu, Tây Ninh) không thể nhớ hết đã có bao chiếc máy phục vụ sản xuất nông nghiệp ra đời từ xưởng cơ khí của mình. Những sản phẩm của ông cũng tham dự và đạt  nhiều giải sáng tạo khoa học kỹ thuật khắp trong và ngoài tỉnh.

“Kỹ sư già” và giấc mơ cánh đồng mẫu lớn - Ảnh 1.

Ông Hùng vẫn từng ngày dành thời gian lên mạng tìm hiểu nhu cầu ứng dụng cơ giới hóa cũng như những tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới để vận dụng vào cải tiến nông cụ sản xuất. Ảnh: N.V

Cơ duyên với nghiệp cơ khí của ông bắt đầu từ những ngày còn lái máy cày trong nông trường mía Dương Minh Châu. Do đất nông trường rộng lớn nên việc cơ giới hóa triển khai tốt. Đến năm 1986, nông trường mía giải thể, đất đai được giao khoán cho từng hộ dân. Cánh đồng lớn không còn, ông Hùng thất nghiệp.

Không có máy móc cơ giới, nông dân tự phát thu hẹp khoảng cách hàng mía lại rồi thuê bò kéo để làm cỏ, làm đất. Nhìn con bò kéo cày kham khổ, ông nuôi mộng cải tiến cho chính bản thân. “Mãi đến năm 1993, lưới điện đưa về tới địa phương, tôi mua thiếu của người bạn 1 cái máy hàn rồi bắt đầu nghề sửa chữa cơ khí” - ông Hùng kể.

Năm 1996, nhà máy đường Bourbon Tây Ninh được thành lập và cần tài xế có kinh nghiệm. Ông Hùng lại vào nhà máy, vừa đi làm kiếm đồng lương vừa để được tiếp cận máy móc và công nghệ. Thiết bị nào cần cải tiến, sửa chữa thì ông đưa về nhà làm rồi lại đem vào nông trường thử nghiệm.

Đến khi nhà máy hoạt động ổn định cũng là lúc bắt đầu thúc đẩy lại cơ giới hóa, nông dân phải thay đổi tập quán canh tác. Thấy có điều kiện phát triển được nên ông nghỉ việc, về nhà mở doanh nghiệp  tư nhân.

Lần đầu tiên đến với giải sáng tạo khoa học kỹ thuật  tỉnh Tây Ninh vào năm 2003 bằng dàn máy phát gốc mía kết hợp cày luống, sản phẩm của ông đoạt ngay giải Ba. Suốt từ đó đến giờ, cứ mỗi 2 năm 1 lần, lần nào ông cũng có sản phẩm mới để dự thi.

Còn nhiều trăn trở

Khi thiết bị nông nghiệp cho cây mía tạm ổn, ông lại chuyển sang làm máy cho các loại cây trồng khác từ cao su, sắn tới ngô, đậu. Năm 2013, máy gieo hạt trồng cỏ nuôi bò ra đời. Sau đó ông cải tiến thêm công nghệ tự động kết hợp bón phân. Tổng cộng, dàn máy kết hợp 4 tính năng trong 1 là rọc rãnh, bỏ hạt, lấp rãnh, bón phân lót và máy hoàn toàn tự động trong quá trình sử dụng.

Dàn máy của ông đảm  bảo tính thời vụ, giải quyết được khó khăn về nhân công, giảm thiểu tối đa tổn thương hạt giống... Cuối năm 2019, dàn gieo hạt kết hợp bón phân được UBND Tây Ninh trao chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh. Đến tháng 4 tới đây, dàn gieo hạt này sẽ được Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc tại Hà Nội.

Có một điều oái oăm, dàn máy này cũng như nhiều sản phẩm khác, cứ hễ ra đời và ứng dụng được một thời gian là lại có người “copy” công nghệ. Tuy nhiên, điều đó không làm ông bận tâm nhiều. “Điều mà tôi cảm thấy lo lắng là xu hướng đầu tư cơ giới hóa nông nghiệp ở địa phương đang có xu hướng chững lại” - ông Hùng tâm sự.

Sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn nhất thiết phải gắn liền với đầu tư ứng dụng máy móc. “Nhà nước cần định hướng giải quyết tốt chính sách hạn điền, giúp các doanh nghiệp và nông dân tiếp cận cánh đồng lớn. Chỉ khi có những cánh đồng lớn, áp dụng cơ giới hóa thì nông dân mới khá được” - ông Hùng đề xuất.

Nguyên Vỹ