Kinh tế toàn cầu chững lại, OPEC+ sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu?

27/11/2019 08:53 GMT+7
Các chuyên gia nhận định Tổ chức các nước xuất khẩu Dầu mỏ OPEC và Nga có thể sẽ gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ tại cuộc họp Bộ trưởng vào đầu tháng 12 tới đây. Nguyên nhân là do tăng trưởng kinh tế toàn cầu chững lại, kinh tế Trung Quốc vẫn trong viễn cảnh ảm đạm trong năm 2020.
Chuyên gia lạc quan về khả năng OPEC+ gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu  - Ảnh 1.

Bộ trưởng các nước OPEC và đồng minh sẽ họp bàn về cắt giảm sản lượng dầu vào đầu tháng 12 tới

Một cuộc họp Bộ trưởng các nước xuất khẩu dầu mỏ sẽ diễn ra hôm 5-6/12 tới đây, theo đó OPEC và các đồng minh như Nga (gọi tắt là OPEC+) rất có thể sẽ gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng sản xuất dầu mỏ 1,2 triệu thùng/ ngày đã ký kết trong gần một năm qua. Thỏa thuận hiện tại sẽ hết hạn vào tháng 3/2019 và các chuyên gia dự kiến OPEC+ có thể sẽ quyết định gia hạn thêm 6 tháng hoặc thậm chí 1 năm tính từ cuối năm nay trong nỗ lực bình ổn giá dầu trước những diễn biến bất ổn trên toàn cầu.

Ông Helima Croft, chuyên gia chiến lược hàng hóa toàn cầu tại RBC nhận định: “Đây là một khoảng thời gian khó khăn cho OPEC. Cắt giảm sản lượng dầu không đủ để giải quyết những bất ổn tại các quốc gia cung cấp dầu mỏ chính của thế giới. Nhưng không có lựa chọn nào tốt hơn gia hạn thỏa thuận cắt giảm vào thời điểm này”. Ông Croft kỳ vọng các quan chức sẽ thống nhất gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng đến tháng 6/2020 trước khi có những bước đi tiếp theo dựa trên tình hình thực tế. 

Nhất là trong bối cảnh quốc gia truyền thống xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới Arab Saudi sắp phát hành cổ phiếu hãng dầu lửa quốc doanh khổng lồ Saudi Aramco lần đầu tiên ra công chúng, việc Arab thúc đẩy cắt giảm sản lượng là hoàn toàn dễ hiểu. Trước thương vụ IPO dự kiến chưa từng thấy trong lịch sử này, chuyên gia John Kilduff của Again Capital nhận định không ngạc nhiên khi Arab Saudi đi đầu trong cắt giảm sản lượng để thắt chặt thêm thị trường dầu mỏ, đẩy giá dầu lên cao hơn nữa.

Thực tế tình hình cung cầu trên thị trường dầu mỏ chỉ ra rằng OPEC cần phải siết nguồn cung dầu hơn nữa ít nhất trong nửa đầu năm 2020 để ngăn chặn nguy cơ dự trữ dầu toàn cầu tăng cao. Bất chấp điều này, một số động thái của OPEC+ đang cho thấy nhiều khả năng OPEC và các đồng minh dầu mỏ có thể sẽ hướng tới một giai đoạn gia tăng sản lượng đầy mạo hiểm. 

Tổng thư ký các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC, ông Mohammad Barkindo đã đi ngược lại ý kiến của các chuyên gia khi nhận định sản lượng dầu tại Mỹ đang tăng chậm nên nguồn cung dầu ngoài OPEC nhiều khả năng sẽ giảm mạnh trong năm 2020, khiến OPEC có cơ hội tăng sản lượng trở lại. Trong khi đó, theo các chuyên gia, dự kiến sản lượng dầu của Mỹ có thể sẽ tăng 800.000 thùng/ ngày vào năm 2020, đẩy cung dầu ra thị trường lên mức đỉnh lịch sử 13,29 triệu thùng/ ngày. Điều đó đồng nghĩa với việc nguồn cung dầu ngoài OPEC nhiều khả năng vẫn được đảm bảo nhờ sản lượng dầu dồi dào từ Mỹ. 

Cũng theo các chuyên gia, một mối quan ngại lớn hơn là nhu cầu tiêu thụ dầu suy yếu trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu chững lại. Những dự đoán về nhu cầu tiêu thụ dầu tại thị trường tỷ dân Trung Quốc đã cho thấy viễn cảnh ảm đạm trong năm 2020. Theo các nhà phân tích, chỉ khi Mỹ và Trung Quốc đạt đến một thỏa thuận thương mại tích cực chấm dứt cuộc chiến tranh thương mại đầy cay đắng kéo dài hơn một năm nay - điều sẽ thúc đẩy các ngành sản xuất khởi sắc trở lại; nhu cầu năng lượng mới có cửa sáng để đi lên. Tuy nhiên cho đến giờ, Mỹ - Trung vẫn loay hoay trên bàn đàm phán và một thời điểm cụ thể ký kết thỏa thuận hiện còn là ẩn số.

Đáng chú ý, không chỉ tại thị trường Trung Quốc, nhu cầu dầu mỏ của Châu Âu cũng đang suy yếu trong bối cảnh khủng hoảng Brexit và nguy cơ suy thoái do ảnh hưởng của làn sóng bất ổn địa chính trị trên toàn cầu. 

Dù muốn dù không, gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu là lựa chọn khả dĩ nhất của OPEC và các đồng minh tại thời điểm này.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục