dd/mm/yyyy

Khi nông dân được “cầm tay chỉ việc”

Nhờ được Hội Nông dân huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, nhiều hội viên nông dân đã mạnh dạn xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả. Qua đó, không chỉ xây dựng được nhiều mô hình kinh tế, mà còn góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Trao đổi với phóng viên Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt/Trang Trại Việt, ông Lò Văn Quý – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thuận Châu, cho biết: "Xác định công tác tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi là khâu quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho hội viên nông dân. Bởi vậy, những năm qua, Hội Nông dân đã tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp theo định hướng phát triển kinh tế của huyện".

Khi nông dân được “cầm tay chỉ việc” - Ảnh 1.

Mô hình trồng chè của anh Lường Văn Lấn, bàn Nà Khoang (xã Phổng Lập, hyện Thuận Châu).

Theo đó, trong năm 2019, Hội Nông dân huyện Thuận Châu đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện mở được 45 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, thu hút hàng nghìn lượt hội viên nông dân tham gia. Riêng trong quý I, năm 2020, Hội Nông dân Thuận Châu đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức được 6 lớp tập huấn kỹ thuật bón phân, các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại cho cây trồng cho 522 nông dân.

Theo ông Quý, thông qua các buổi tập huấn, nhiều hội viên nông dân trên địa bàn huyện đã mạnh dạn xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả, như: Nuôi bò nhốt chuồng, trồng chè, trồng cây ăn quả trên đất dốc…. Bà con đã biết áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới vào thực tiễn trồng trọt, chăn nuôi, góp phần nâng cao năng suất, tăng thu nhập cho gia đình, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Khi nông dân được “cầm tay chỉ việc” - Ảnh 2.

Để nâng cao chất lượng cuộc sống cho hội viên nông dân, Hội Nông dân huyện Thuận Châu luôn chú trọng đến công tác tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi.

Chia sẻ với phóng viên Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt/Trang Trại Việt, anh Sùng A Di, bản Cửa Rừng (xã Co Mạ, huyện Thuận Châu), bảo: "Trước đây, gia đình tôi nuôi bò theo phương thức thả rông nên hiệu quả không cao. Sau khi tham gia lớp tập huấn kỹ thuật nuôi bò nhốt chuồng do Hội Nông dân huyện tổ chức, tôi được cán bộ hướng dẫn các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, cách tiêm vaccine, phát hiện các tác nhân gây bệnh, triệu chứng, cách phòng tránh và xử lý khi bò bị mắc bệnh. Sau đó, gia đình tôi chuyển sang nuôi bò nhốt chuồng.

Đến nay, từ 3 con bò ban đầu đã phát triển lên thành 8 con. Mỗi năm, chỉ cần bán 1 – 2 con cũng có tiền để sắm sửa đồ dùng trong nhà, mua quần áo, sách vở cho các con đi học. Trong thời gian tới, tôi dự kiến sẽ mở rộng chuồng trại và tăng đàn lên tiến tới làm giàu".

Khi nông dân được “cầm tay chỉ việc” - Ảnh 3.

Được cán bộ Hội Nông dân tập huấn kỹ thuật nuôi bò nhốt chuống, anh Sùng A Di đã mạnh dạn chuyển đổi từ phương thức thả rông sang nuôi nhốt. Nhờ vậy, hiện nay đàn bò của anh luôn sinh trưởng và phát triển rất tốt.

Anh Lường Văn Lấn, bản Nà Khoang (xã Phổng Lập, huyện Thuận Châu), chia sẻ: "Sau khi được cán bộ Hội Nông dân huyện và xã tập huấn kỹ thuật trồng chè theo hướng "cầm tay chỉ việc", tôi chuyển đổi 1ha nương sắn sang trồng chè. Để cây chè sinh trưởng và phát triển tốt, nên trồng hàng cách hàng 1,4m; cây cách cây 40cm; rãnh sâu 35cm, rộng 40cm; trước khi trồng bón lót phân NPK và phân chuồng ủ hoai mục.

Gia đình tôi chăm sóc diện tích chè theo đúng kỹ thuật cán bộ hướng dẫn. Nhờ vậy, sau 2 năm chăm sóc, cây chè đã bắt đầu cho thu hoạch. Hiện nay, mỗi năm gia đình tôi có thu nhập từ 35 triệu đến 40 triệu đồng. So với trước đây, cuộc sống gia đình khá giả hơn rất nhiều".

Khi nông dân được “cầm tay chỉ việc” - Ảnh 4.

Nhờ được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, chất lượng cuộc sống của hội viên nông dân ngày càng được nâng lên. Qua đó, diện mạo vùng nông thôn ngày càng khởi sắc.

Có thể thấy, thông qua các buổi tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp của Hội Nông dân huyện Thuận Châu đã đem lại hiệu quả thiết thực. Từ đó, đã giúp hàng nghìn hội viên nông dân nắm chắc các kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, từng bước xóa nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Tuệ Linh