dd/mm/yyyy

Khát vọng làm nông nghiệp hữu cơ trên đất sình lầy

Từ vùng đất sình lầy, nhiễm phèn, cỏ lác ken dầy ở xã Phước Kiển (huyện Nhà Bè, TP.HCM), ông Phạm Hữu Thời cùng các cộng sự thuộc Công ty TNHH Nhất Thống đã biến 10ha đất hoang hóa cho ra những cây rau xanh mướt bằng kỹ thuật canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ của Châu Âu và Mỹ.

Lạc vào xứ sở rau nhiệt đới, ông Nguyễn Bá Hùng (Tiến sỹ nông nghiệp được đào tạo tại Pháp) dẫn chúng tôi một vòng quanh trang trại.

Chúng tôi không khỏi ngạc nhiên và thích thú như lạc vào vùng rau nhiệt đới Đà Lạt; với cơ man các loại rau ăn lá như mồng tơi, rau dền, các loại cải cúc, cải đuôi phụng, cải ngọt; những luống đậu, cà chua, dưa chuột… thẳng tắp, quả sai lúc lỉu.

Ông Phạm Hữu Thời (người đứng) trong buổi giới thiệu sản phẩm tới đối tác.
Ông Phạm Hữu Thời (người đứng) trong buổi giới thiệu sản phẩm tới đối tác.

Ông Hùng cho biết, công ty đã quy hoạch 4ha để trồng rau các loại. Khu vực nhà màng diện tích 2ha, đầu tư công nghệ tiên tiến, hiện đại của Israel như hệ thống ánh sáng, quạt làm mát, vòi tưới… hoàn toàn tự động, trị giá lên tới gần 6 tỷ đồng.

Tiếp đến là khu ươm phát triển giống 0,3ha nhằm cung cấp giống tại chỗ cho toàn bộ diện tích trồng rau. Kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc… nói thì đơn giản nhưng theo chị Đặng Thị Thúy Vân (kỹ sư nông nghiệp) thì hết sức phức tạp, từ làm đất, gieo bãi, ra giống, đưa từ vườn ươm ra khu trồng cây. Chị Vân cho biết mỗi ngày có từ 6, 7 người tách cây giống ra trồng tại khu nhà màng.

Một góc vườn ươm cây giống của trang trại.
Một góc vườn ươm cây giống của trang trại.

“Vòng đời mỗi lứa rau trung bình là 45 ngày, hiện sản phẩm mang thương hiệu Everyday Organic của chúng tôi bước đầu đưa ra thị trường để giới thiệu đến người tiêu dùng đã được các bà nội trợ lựa chọn. Công ty đã có cửa hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng, TP.HCM” - chị Vân vui mừng chia sẻ.

Sản phẩm nói không với hóa chất

Đang nói chuyện thì giám đốc Phạm Hữu Thời xuất hiện. Ông Thời trên tay cầm mấy trái dưa chuột, cuống rỉ nhựa tươi đưa cho chúng tôi. Thấy tôi e dè, ông Thời cười tươi: “Tôi vừa hái đấy, không phải rửa hay ngâm gì hết, nhà báo ăn đi, tuyệt đối không có hóa chất đâu. Chúng tôi bón cây hoàn toàn bằng xơ dừa, trùn quế và phân gà của Ý có chứng nhận hữu cơ của tổ chức Omri”.

Rồi ông Thời giải thích, tại đây nói không với các hóa phẩm trị sâu bệnh, trị cỏ bởi được nghiên cứu và áp dụng sự đối kháng và khắc chế có sẵn trong tự nhiên giữa các giống loài. Kỹ thuật canh tác là yếu tố then chốt quyết định tiêu chuẩn và chất lượng của sản phẩm hữu cơ. Tất cả các nhân tố như hạt giống, con giống, chất lượng đất, nguồn nước, thức ăn, phân bón, môi trường liền kề, quá trình sinh trưởng… đều được kiểm soát chặt chẽ.

Nuôi gà hữu cơ tại trang trại.
Nuôi gà hữu cơ tại trang trại.

Đi vào hoạt động năm 2017, trồng các loại rau hữu cơ áp dụng công nghệ cao, đến nay trang trại hữu cơ Nhất Thống đã được cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn châu Âu, Mỹ và Nhật. Theo ông Thời, công ty dành toàn bộ diện tích 10ha, sản xuất theo mô hình vườn - ao - chuồng đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Thời gian tới sẽ mở rộng kênh phân phối trên cả nước và xuất khẩu.

Tuy nhiên, để không còn dấu vết của vùng đất hoang hóa, không thể hình dung hết những khó khăn, công sức và tiền của mà ông Thời và các cộng sự đổ vào nơi đây. Bởi việc cải tạo đất tốn rất nhiều thời gian, nguyên liệu, chi phí cao gấp nhiều lần so với các khu vực khác. Đơn cử như cải tạo độ pH phải dùng đến 6 tấn vôi/ha (các vùng đất khác chỉ cần 2 tấn vôi/ha); mất hơn 3 năm cải tạo mới thành đất tự nhiên.

“Công ty đang tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 40 lao động, trong đó chủ yếu là tốt nghiệp đại học nông nghiệp, 1 người là tiến sỹ, 7 kỹ sư. Thu nhập bình quân từ 7-8 triệu đồng/người/tháng” - ông Thời cho biết thêm

Khát vọng phát triển du lịch sinh thái với nông nghiệp hữu cơ

Nhìn người đàn ông ngoài 40 tuổi, trẻ hơn tuổi bởi dáng vóc cao ráo, thư sinh, không ai nghĩ ông Thời lại có niềm say mê lạ kỳ với ngành nông nghiệp. Nhiều tháng trời, mỗi ngày ông Thời chỉ chợp mắt vài giờ, có đêm đang nằm lại bật dậy rồi thức tới sáng, trăn trở với dự án dở dang. 30 tỷ đồng là con số không hề nhỏ đã được đầu tư nhưng chỉ như “đá ném ao bèo”…

Sản phẩm rau được sơ chế với quy trình chặt chẽ bằng nước sạch, xử lý vi sinh vật tránh gây hại cho đường ruột, xử lý bằng máy ly tâm và đóng gói sản phẩm để đưa ra thị trường sản phẩm sạch an toàn cho sức khỏe người sử dụng, hướng tới bếp ăn an toàn hàng ngày cho mỗi gia đình.

“Công ty luôn thực hiện quy trình chặt chẽ, bởi mỗi năm đơn vị cấp chứng nhận hữu cơ đến từ Châu Âu, Mỹ, Nhật sẽ ngẫu nhiên đánh giá, phân tích chỉ tiêu hóa học với 255 tiêu chí, nếu đạt mới tái cấp chứng nhận. Hơn nữa, việc nhân rộng mô hình trồng rau hữu cơ là phù hợp với định hướng sản xuất nông nghiệp đô thị” - ông Thời cho biết.

Không chỉ dừng ở mục tiêu kinh doanh, ông Thời và các cộng sự kết hợp xây dựng nơi đây thành mô hình du lịch giáo dục nông nghiệp, một mô hình còn khá mới mẻ tại TP.HCM và cả nước nói chung.

Tiến sỹ nông nghiệp Nguyễn Bá Hùng kiểm tra sự sinh trưởng của cây trồng.
Tiến sỹ nông nghiệp Nguyễn Bá Hùng kiểm tra sự sinh trưởng của cây trồng.

Nói về dự án và người cộng sự trẻ tuổi, Tiến sỹ nông nghiệp Nguyễn Bá Hùng chia sẻ: “Tôi khâm phục sự kiên trì, nhẫn nại, niềm đam mê đặc biệt của anh Thời dành cho nông nghiệp hữu cơ. Là người gắn bó từ những ngày đầu tiên, tôi hiểu dự án này là cả tâm huyết, khát vọng cháy bỏng của anh Thời. Nó không chỉ có giá trị về mặt kinh tế, xã hội mà còn mang tính nhân văn sâu sắc. Khi nơi đây được xây dựng hoàn chỉnh, sẽ trở thành địa chỉ để thầy trò các trường học trong TP.HCM, các khu vực lân cận tìm hiểu, trải nghiệm về thiên nhiên và nông nghiệp”.

150 tỷ đồng để hoàn thành dự án là số tiền không hề nhỏ. Chợt nhớ lời chia sẻ của ông Thái Kim Dũng – Trưởng phòng Kinh tế - Phó chánh văn phòng điều phối nông thôn mới của huyện trong một buổi làm việc với UBND huyện Nhà Bè về chương trình xây dựng Nông thôn mới: “Mặc dù đang trong giai đoạn xây dựng, dự án chưa hoàn thiện nhưng đây là mô hình điểm, mở ra hướng đi mới, phát triển nền nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch sinh thái không chỉ của huyện Nhà Bè mà của nền nông nghiệp TP.HCM”.

Bài, ảnh: Phương Thảo