Khảo sát 602 tài xế xe ôm công nghệ tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM: 80% xác nhận chạy ẩu

Trọng Hiền Thứ ba, ngày 26/05/2020 13:30 PM (GMT+7)
Đó là kết quả khảo sát 602 tài xế xe ôm công nghệ tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM do nhóm nghiên cứu của 4 trường Đại học (RMIT Việt Nam, Tôn Đức Thắng, Đà Nẵng và Giao thông vận tải) thực hiện đề tài "Những hành vi nguy hiểm của các tài xế xe ôm công nghệ ở Việt Nam" vào giữa tháng 5.
Bình luận 0

Trong số gần 500 tài xế được khảo sát xác nhận chạy ẩu khi đưa đón khách, hơn 200 tài xế từng bị tai nạn và gây tai nạn cho khách đi đường với những nguyên nhân như: Quên bật đèn xi-nhan khi rẽ hoặc qua đường (31%), lấn sang làn đường xe hơi (25%), vượt quá tốc độ cho phép (21%), vượt đèn đỏ (19%), va quẹt khi luồn lách trong lúc kẹt đường…

Tài xế GrabBike lấn làn xe hơi

Tài xế xe ôm công nghệ GrabBike lấn làn xe hơi.

Ngoài hành vi chạy ẩu, TS.Chris De Gruyter (Trung tâm Nghiên cứu đô thị của Đại học RMIT) cho biết hơn 300 tài xế xe ôm công nghệ xác nhận "việc dùng điện thoại khi đang lái xe (đón khách và chở khách) là hành vi nguy hiểm nhất". "Chiếc smartphone là phương tiện cần thiết cho các tài xế xe ôm công nghệ trong việc đón, trả khách, tìm đường thông qua tính năng GPS… Nếu sử dụng sai cách, không chỉ gây tai nạn cho chính mình mà còn tác động tiêu cực đến người đi đường, nhẹ là trầy xước..., còn nặng là phải nhập viện", TS. Chris De Gruyter phân tích.

Bà B.Ngọc (quận Tân Phú, TP.HCM) cho biết bà từng bị tai nạn do hai tài xế Grab và GoViet gây ra. "Một buổi sáng đầu năm nay, một tài xế Grab chạy trước đang cắm mặt vào smartphone bỗng dưng quẹo phải, buộc tôi phải thắng gấp. Nào ngờ, phía sau là một tài xế GoViet đi tới, tông vào mắt cá chân tôi. Tôi chưa kịp nói gì, tài xế GoViet đã chạy mất. Sự việc khiến tôi mất cả ngày ở bệnh viện và gần 1 triệu đồng chi phí chụp hình, khâu vết thương", bà Ngọc kể.

Tài xế Grab bị tai nạn

Tài xế Grab bị tai nạn.

Trong khảo sát trên, nhóm nghiên cứu còn cho rằng tài xế xe ôm công nghệ là sinh viên (làm thêm ngoài giờ học) và người có thu nhập thấp (chạy chuyên nghiệp) là hai nhóm tài xế có những hành vi nguy hiểm hơn cho bản thân và cộng đồng, vì họ phải ráng sức chạy cho đủ chỉ số để được thưởng (nhóm sinh viên), hoặc lái xe khi đã uống rượu bia (nhóm chuyên nghiệp)... TS. De Gruyter chia sẻ thêm: "Trong khi khảo sát, chúng tôi thấy những tài xế làm việc hơn 50 giờ một tuần dễ mắc các lỗi nguy hiểm trong khi lái xe".

Theo nhóm thực hiện đề tài trên, các hãng cần tổ chức thường xuyên các buổi huấn luyện với sự có mặt của các chuyên gia tâm lý, quản lý an toàn trật tự giao thông; giảm áp lực doanh thu, tính toán chính sách hợp lý cho tài xế… để giúp tài xế tiết chế những hành vi lái xe nguy hiểm.

Chiếc smartphone vừa là phương tiện, vừa là yếu tố tác động gây tai nạn cho chính tài xế và cộng đồng

Chiếc smartphone vừa là phương tiện, vừa là yếu tố tác động gây tai nạn cho chính tài xế và cộng đồng.

Tháng 11/2014, Grab là hãng công nghệ đầu tiên thử nghiệm dịch vụ GrabBike tại Việt Nam. Tháng 7/2018, dịch vụ GoBike (của GoViet), sau đó là Vato, Be… xuất hiện. Nhưng hiện nay, tại Việt Nam, dịch vụ xe ôm công nghệ thuộc về hai thương hiệu lớn là GrabBike với 70% và GoBike với 25%, phần còn lại là các tên tuổi nhỏ như: Be, Vato…

Trước dịch Covid-19, dịch vụ xe ôm công nghệ "ăn nên làm ra" với ước chừng gần 1,5 triệu tài xế trên cả nước. Nhưng hiện nay, vì nhiều lý do: Xăng rẻ, nhu cầu đi lại thấp, khách không muốn đi chung xe với người lạ…, nhiều tài xế xe ôm công nghệ phải nghỉ việc vì vắng khách.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem