Kế hoạch 2010 - 2020 "phá sản", lối thoát nào cho ngành dệt may?

21/10/2019 06:30 GMT+7
Thông tin từ Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, các mục tiêu lớn nhất của chiến lược phát triển ngành dệt may giai đoạn 2010-2020 được phê duyệt từ năm 2008 gần như không thể thực hiện được. Ngành công nghiệp với 1,5 triệu nhân công đang đứng trước sự bế tắc về hướng phát triển.

3 mục tiêu lớn "phá sản", ngành dệt may khó phát triển bền vững

Bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, chuyên gia Cục Công nghiệp, Bộ Công thương cho biết, hiện nay, 3 mục tiêu lớn nhất của chiến lược phát triển ngành dệt may giai đoạn 2010-2020 được phê duyệt từ năm 2008 gần như không thực hiện được.

Cụ thể, giai đoạn 2015-2020 kế hoạch phát triển cây bông mục tiêu đặt ra với diện tích từ 30.000-76.000 ha, tuy nhiên, trên thực tế con số đạt được chỉ là 12.000ha (năm 2012) và giảm dần chỉ còn…1.000ha (năm 2017). Sản lượng bông xơ đến năm 2017 cũng chỉ đạt hơn 1.000 tấn, trong khi mục tiêu đặt ra từ 20.000-60.0000 tấn.

Ngoài ra, theo mục tiêu đào tạo chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành dệt may đặt ra là 600.000 người, nhưng thực tế chỉ mới đào tạo được khoảng 50.000 người, xấp xỉ 8%.

Kế hoạch 2010 - 2020 "phá sản", lối thoát nào cho ngành dệt may? - Ảnh 1.

Các mục tiêu lớn phát triển ngành dệt may giai đoạn 2015 - 2020 không hoàn thành.

Đối với chương trình sản xuất một tỉ mét vải phục vụ xuất khẩu, dù đã được xây dựng khi thành lập đề án, nhưng đã không được phê duyệt và không có kinh phí triển khai.

"Tuy nhiên, nếu chương trình này được phê duyệt thì mục tiêu 1 tỉ mét vải quá thấp so với nhu cầu thực tế đang cần hơn 10 tỉ mét vải/năm", bà Thúy cho hay.

Ngoài ra, ông Phạm Xuân Trình, tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Phong Phú thông tin thêm, "điểm nghẽn" lớn đối với ngành dệt may lâu nay là bế tắc ở khâu đầu tư dệt nhuộm, với vô vàn thủ tục khó khăn, ngặt nghèo mà doanh nghiệp khó lòng đáp ứng được.

"Có doanh nghiệp xin thủ tục đầu tư ở tỉnh mất ba năm vẫn không xong. Còn yêu cầu doanh nghiệp phải dùng nước thủy cục khi sản xuất, nhưng chỉ cấp 700 m3 nước/ngày trong khi nhu cầu doanh nghiệp cần từ 2.500-3.000 m3 nước/ngày" - ông Trình chia sẻ.

Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay, dệt may là ngành mang lại kim ngạch xuất khẩu lớn thứ hai trong cán cân xuất khẩu của Việt Nam, tăng trưởng xuất khẩu qua từng giai đoạn đều trên ngưỡng hai con số, đạt hơn 30 tỉ USD xuất khẩu năm 2018.

Tuy nhiên gần hai thập niên qua, vấn đề quan trọng nhất khiến ngành dệt may vẫn "chưa chịu lớn" nằm ở chỗ phần lớn doanh nghiệp sản xuất công đoạn gia công, tạo ra giá trị gia tăng thấp.

Ông Phạm Tuấn Anh, phó cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương đánh giá, hầu hết doanh nghiệp may mặc Việt Nam làm gia công nên phụ thuộc hoàn toàn vào mẫu mã, thiết kế của khách hàng. Nguyên liệu thô, sợi, vải... thì thâm hụt ngày một tăng, đặc biệt thâm hụt thương mại về vải ngày càng trầm trọng.

Theo chuyên gia phân tích, nếu không sớm có một chiến lược phát triển rõ ràng, phù hợp với xu thế cạnh tranh mặt bằng giá toàn cầu hiện nay thì các ưu điểm từng mang lại lợi thế cho dệt may Việt Nam sẽ không còn.

Ảnh hưởng từ thương chiến Mỹ - Trung, ngành dệt may khó đạt mục tiêu xuất khẩu 2019

Mới đây, theo công bố từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng dệt may trong tháng 8-2019 chỉ tăng 0,1%, tương ứng 3,3 tỉ USD và da giày đạt 1,6 tỷ USD, giảm 1,5% so với tháng trước,

Theo các chuyên gia trong ngành dệt may và da giày đánh giá, trước tình trạng thương chiến Mỹ-Trung đang leo thang các khó khăn tiềm ẩn đối với ngành dệt may đã dần được bộc lộ. Cụ thể, dù tăng lần lượt 9,8% và 13,1% so với 8 tháng đầu năm 2018, nhưng xuất khẩu của dệt may đang chững lại.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, tổng thư ký Hiệp hội da giày túi xách Việt Nam (Lefaso) dự báo, các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam gồm Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc vẫn có nhu cầu rất lớn, tuy nhiên, xuất khẩu của ngành da giày sẽ dần khó khăn hơn vào các tháng cuối năm.

Kế hoạch 2010 - 2020 "phá sản", lối thoát nào cho ngành dệt may? - Ảnh 2.

Không giải được "bài toán" xuất xứ, ngành dệt may sẽ gặp nhiều khó khăn.

Được biết, đến hết tháng 8-2019, tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành dệt may mới đạt 21,7 tỉ USD, cách rất xa mục tiêu xuất khẩu đặt ra cho năm 2019 là 40 tỉ USD.

Không chỉ gặp khó về việc đạt mục tiêu xuất khẩu năm, trong bối cảnh Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại với đối tác trên thế giới, các quy tắc về nguồn gốc xuất xứ được "siết" chặt. Nếu không đảm bảo, ngành dệt may đứng trước nỗi lo bị áp các loại thuế, hình thức phòng vệ thương mại.

Cụ thể đại diện Bộ Công thương cho hay, năm 2018, ngành dệt xuất khẩu trên 5 tỉ USD (gồm vải và sợi) thì giá trị nhập khẩu lại gần gấp 3 lần, trong đó 50% đến từ Trung Quốc.

Hiện nay, các hiệp định tự do thế hệ mới tới như CPTPP và EVFTA yêu cầu quy tắc xuất xứ rất chặt chẽ, không được tính quy tắc xuất xứ nếu nhập từ vải Trung Quốc. Nếu đáp ứng được quy tắc xuất xứ thì hàng dệt may của VN mới được hưởng thuế 0%, nếu không sẽ từ 9 - 12%.

Đánh giá về tình trạng trên, ông Vũ Huy Đông, Tổng giám đốc Công ty CP Đam San thông tin thêm, doanh nghiệp có 100.000 cọc sợi, nhưng chỉ có 10% trong số này để phục vụ ngành may trong nước. Còn lại 90% buộc phải xuất khẩu do trong nước không có nhu cầu.

"Trong số 90% bán sang Trung Quốc thì có 15% là chấp nhận lỗ. Nhưng khi họ nhập về, nhuộm xong bán lại vải cho chúng ta với giá cao", ông Đông nói.

Trước những khó khăn, thách thức trên, nhiệm vụ cấp bách hiện nay buộc các doanh nghiệp trong nước phải thay đổi cấu trúc để phù hợp với chuỗi giá trị toàn cầu tránh tình trạng "đổ vỡ" hàng loạt cho ngành.

Thanh Phong
Cùng chuyên mục