JLL Việt Nam: M&A khách sạn sôi động, tỷ suất lợi nhuận 7 - 8%

05/11/2019 06:04 GMT+7
Nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tới các khách sạn đã hoạt động ổn định, sẵn dòng tiền thay vì mua đất trống và tự xây dựng. Tỷ suất lợi nhuận sau các thương vụ mua bán khoảng 7 - 8%, thấp hơn chi phí lãi vay.
JLL Việt Nam: M&A khách sạn sôi động, tỷ suất lợi nhuận 7 - 8% - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: JLL.

Theo báo cáo mới nhất từ đơn vị phát triển thị trường JLL Việt Nam, hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực khách sạn diễn ra sôi động trong năm nay. Một số giao dịch thành công như tập đoàn Berjaya bán 75% cổ phần công ty sở hữu khách sạn Intercontinental cho Công ty TNHH Phát triển du lịch khách sạn Hà Nội. Giá trị thương vụ hơn 53,4 triệu USD. Gần đây nhất, JLL cũng vừa tham gia tư vấn thành công một giao dịch khách sạn 5 sao khách tại TP Nha Trang tỉnh Khánh Hòa.

Bà Võ Quốc Phương Trang, Giám đốc bộ phận tư vấn giao dịch khách sạn của JLL Việt Nam, cho biết trong khi các nhà đầu tư trong nước quan tâm phát triển khách sạn và khu nghỉ dưỡng từ các quỹ đất trống thì các nhà đầu tư nước ngoài lại chú ý đến các tài sản khách sạn đang được vận hành với dòng tiền có sẵn. Trên thực tế, giá bán tài sản khách sạn tại Việt Nam đang cao hơn vốn đầu tư dự trù của hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các quốc gia có mức lãi suất vay nợ doanh nghiệp thấp (2 - 4%) như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong và Singapore.

Tỷ suất lợi nhuận được ghi nhận sau các thương vụ mua bán gần đây tại Việt Nam là khoảng 7 - 8%. Mức tỷ suất này hiện thấp hơn so với chi phí vay ở Việt Nam, đây cũng là lý do hầu hết các nhà đầu tư trong nước lại tập trung vào việc phát triển tài sản khách sạn từ các quỹ đất trống, với mong muốn thu được lợi nhuận cao hơn so với việc đầu tư vào các tài sản hiện hữu, bà Trang nói.

Đại diện JLL Việt Nam cho rằng nhu cầu đầu tư khách sạn của các nhà đầu tư trong nước cũng đang lớn dần trong vài năm trở lại đây. Họ sẵn sàng theo đuổi các thương vụ có giá trị giao dịch lớn, mang lại sự cạnh tranh khá khốc liệt với các nhà đầu tư nước ngoài.

Hà Nội và TP HCM sẽ tiếp tục được các nhà đầu tư ưu ái hàng đầu, sau đó là hai thành phố ven biển Đà Nẵng và Nha Trang vì dòng tiền từ việc khai thác khách sạn tại các trung tâm kinh tế sẽ mang lại hiệu suất cao, ổn định hơn so với các khu nghỉ dưỡng và khách sạn ven biển.

Không chỉ tại Việt Nam, khối lượng giao dịch khách sạn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương được kỳ vọng sẽ tăng 25 - 30% hàng năm với giá trị hơn 11 tỷ USD trong năm nay. JLL Việt Nam tin rằng 2019 sẽ là năm giao dịch cao thứ ba trong thập kỷ qua, ngoài năm 2015 và 2917.

Người đồng hành
Cùng chuyên mục