dd/mm/yyyy

Hút hồn “Đà Lạt” vùng Tây Bắc

Nằm ở độ cao 1.600 m, xã Ngọc Chiến (Mường La, Sơn La) được ví như Đà Lạt thứ 2, có khí hậu lạnh hơn Sa Pa khi đêm xuống. Đến Ngọc Chiến những ngày cuối năm, được cảm nhận cảnh đẹp hoang sơ; được chiêm ngưỡng sắc thắm của những cánh đồng hoa muôn màu hay thả mình theo màu xanh mê mải trên cánh đồng Mường Chiến sẽ thấy mọi mệt mỏi dường như tan biến.

Những ngày này là thời khắc của cái lạnh đặc trưng kèm theo sương trắng nơi vùng cao Ngọc Chiến, con đường đến với Ngọc Chiến giờ không còn gập ghềnh như 6 năm về trước. Khi đó, đứng trước đoạn đèo Sam Xíp trơn trượt cùng gần 20km đường gian nan về trung tâm xã qua lời kể của người đi đường đã khiến tôi phải sờn lòng. Khi đó, với tôi Ngọc Chiến là một nơi nào đó thật xa…

Đường về xã Ngọc Chiến đã được trải nhựa, thuận tiện cho đi lại.
Đường về xã Ngọc Chiến đã được trải nhựa, thuận tiện cho đi lại.

Lần này trở lại Ngọc Chiến, con đường chạy qua xã Nặm Păm hai bên đầy những thửa ruộng bậc thang năm xưa đã không còn gập ghềnh, có thể đi được cả 4 mùa. Còn từ chân đèo Sam Xíp đến xã Ngọc Chiến-nơi đã cản bước tôi 6 năm về trước cũng không còn khó đi như lời kể trước đây. Bởi con đường đất, lổn nhổn đá năm nào và trơn như ai vô tình đổ mỡ mỗi khi mưa xuống giờ đã được nhựa hóa. Chả vậy mà xe máy của đồng bào cùng những chiếc xe tải ăn hàng tấp tập ngược xuôi, điều mà trước đây rất hiếm gặp…

Sau chặng đường đến với xã Ngọc Chiến, tôi đã có mặt trên đỉnh đèo Sam Xít, nơi có những đỉnh núi quanh năm ngập trong mây trắng-nơi được được tô điểm thêm hình ảnh đồng bào Mông ngồi hai bên đường bán sản phẩm dưa đặc trưng vùng cao. Nghe đồng bảo ở đây bảo: Vào mùa, dưa mang ra bao nhiêu thì bán hết từng đó và đa phần là bán cho khách qua đường. Kể từ khi con đường về với Ngọc Chiến được nhà nước quan tâm đầu tư thì việc đi lại, buôn bán, chuyên chở hàng hóa của người dân nơi đây cũng thêm phần thuận tiện...

Dừng chân trên đỉnh đèo Sam Xíp, thấy rõ những cánh rừng táo mèo, một trong những đặc sản của vùng cao Ngọc Chiến vừa kết thúc vụ thu hoạch hay đưa mắt theo những dòng suối từ trên ngàn đang hòa mình vào dòng Nậm Chiến, lạ một điều là cho dù mưa to đến mấy nhưng nguồn nước chảy về từ trên ngàn vẫn trong xanh và mát lạnh. Vậy nên, không hề ngoa ngôn khi nhiều người cho rằng: Ngọc Chiến xứng danh là Đà Lạt thứ 2 bởi những cảnh đẹp, đầy tiềm năng về du lịch cũng như phát triển kinh tế. Chả thế mà ngoài sản phẩm hoa, củ, quả các loại được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP thì sản phẩm cá hồi, loài cá vốn dĩ chỉ quen với khí hậu bên “trời Tây” giờ đây đã được nuôi thành công ngay trên đỉnh đèo Sam Xíp, mở ra một hướng đi mới về phát triển nghề nuôi thủy sản đặc sản.

Tiếp tục xuôi theo con đường nhựa từ đỉnh đèo Sam Xíp hướng về Ngọc Chiến. Hai bên đường vẫn là những cảnh sắc hút hồn với những cánh rừng xanh rì chạy dài. Cứ vậy, chỉ sau vài khúc cua, rồi uốn lượn trên con đường nhựa, hòa mình cùng cảnh sắc nơi đây, vượt qua thủy điện Nậm Chiến 1, chúng tôi đã có mặt tại trung tâm xã. Một cánh đồng rau chất lượng cao ngút ngàn hòa chung sắc màu rực rỡ của những cánh hoa đào rừng và các loại hoa được trồng trên cánh đồng rộng gần 700ha được gọi tên Mường Chiến hiện ra trước mắt. Tiếp đó là những ngôi nhà sàn mang trên mình đầy sắc màu thời gian cùng những ngôi nhà xây theo phong cách hiện đại san sát 2 bên đường. Dưới mái hiên những ngôi nhà sàn thi thoảng bắt gặp những thiếu nữ cùng các cụ già đang ngồi thêu thùa, những đôi mắt trẻ em trong veo, nô đùa cười hồn nhiên…

Ở Ngọc Chiến, người dân tham gia HTX để sản xuất ra những loại rau, củ quả sạch cung ứng cho thị trường Hà Nội.
Ở Ngọc Chiến, người dân tham gia HTX để sản xuất ra những loại rau, củ quả sạch cung ứng cho thị trường Hà Nội.

Tôi gần như choáng ngợp trước bức tranh đầy sắc màu cuộc sống, thể hiện rõ sự chuyển mình của nơi đây. Lần đầu tiên tôi được thưởng thức thứ gạo nếp tan 87 dẻo, thơm. Thứ gạo quanh năm được ủ trong khí hậu trời ban, có thời điểm thu hoạch muộn hơn các vùng khác trong tỉnh khoảng 150 ngày, sản vật có một không hai mà người dân địa phương vẫn quen gọi là “nếp Pháng Xiên”- được gọi theo tên của Chủ tịch UBND xã và con trai đầu của ông. Vì chính ông đã có công mang loại giống này về trồng và thay thế các giống cũ năng suất thấp ở địa phương từ những năm 90 của thế kỷ trước, khi mà giống lúa 87 đang được trồng khảo nghiệm ở huyện Yên Châu, chưa được phổ biến như bây giờ. Khi đó, thứ gạo nếp tan với cái tên “Pháng Xiên” còn giúp cho 1.600 hộ dân ở Ngọc Chiến ngày đó có thóc để bán và xóa được tình trạng đói giáp hạt …

Nhắc tới người Ngọc Chiến, dù là người đến lần đầu hay nhiều lần cũng đều chung một cảm nhận “người Ngọc Chiến hiền hậu và hiếu khách”. Khi đã đến Ngọc Chiến, ta sẽ được bước vào “thế giới” riêng của đồng bào Thái trắng, Thái đen và đồng bào Mông. Bởi đến với Ngọc Chiến, nếu khách lỡ đường có thể gõ cửa bất kỳ nhà một người dân nơi đây sẽ cảm nhận được sự đón tiếp nồng hậu và được trải nghiệm nét văn hóa đặc trưng trong sinh hoạt của đồng bào. Đặc biệt, vào tháng 9 hàng năm, có dịp đến với Ngọc Chiến còn được hòa mình vào “Lễ hội cơm mới” đặc sắc, đậm nét truyền thống của đồng bào Thái trắng…

Ngọc Chiến-Đà Lạt thứ 2 nơi vùng cao Tây Bắc-một cung đường và điểm đến đầy quyến rũ cho những ai yêu thích khám phá, ưa sự tĩnh lặng và muốn trải nghiệm vẻ đẹp hoang sơ, văn hóa đặc trưng nơi đây… Chia tay Ngọc Chiến trong không khí hối hả của những ngày chuẩn bị bước sang năm Kỷ Hợi, trong nắng sớm ban mai cùng những làn sương vẫn giăng đầy trên các đỉnh núi và cánh đồng Mường Chiến, tôi biết rằng có một Ngọc Chiến được ví như Đà Lạt đầy cuốn hút và yên bình đang từng ngày “thay da đổi thịt”…

Quốc Tuấn