dd/mm/yyyy

Hoa Chanh níu chút quê mùa

Khi đông tàn, xuân sang là lúc cả khu vườn bung một màu trắng tinh khôi của các loài hoa bưởi, hoa quất, hoa chanh. Hôm ấy, gió nồm ẩm thổi một làn hương dìu dịu, ngây ngất, nghe trong gió có mùi hương chanh rõ nhất. Chắc tại vườn nhiều chanh, và nơi tôi đứng là những gốc chanh nở hoa trắng xoá.

Tháng giêng hai, hoa chanh nở ngơ ngác, e ấp đến nao lòng. Những nụ hoa nhỏ bé tim tím từ các kẽ lá âm thầm lớn từng ngày, khi làn mưa mỏng mảnh mang hơi ấm của mùa xuân phủ lên vạn vật, ấy là lúc những nụ hoa cựa quậy bung từng cánh, từng cánh trắng tinh, phô nhuỵ vàng óng ả tươi màu nắng mới.

Ở quê, hầu như nhà nào cũng trồng ít nhất một cây chanh, để hái lá xắt nhỏ rắc lên đĩa thịt gà vàng ruộm, để thu hoạch những trái chanh thơm lừng mọng nước, nhưng mấy ai nghĩ đến việc chanh nở hoa để làm đẹp cho nhà. Ấy vậy mà, cứ đến tiết đầu xuân, ai cũng ngong ngóng những nụ hoa xuất hiện. Phải chăng là cái mùi hương thoang thoảng ngan ngát ấy đã trở thành thân thuộc như là không khí của mùa xuân nơi thôn dã mà thiếu nó thì ai cũng đợi cũng chờ; và cũng thiếu những bông hoa nhỏ bé ấy thì lá chanh cũng bớt đi sắc xanh tươi, ảm đạm một màu già cỗi; thiếu hoa sao tụ được quả tròn!

Hoa chanh đẹp, vẻ đẹp hương đồng gió nội, đẹp trong vườn nhà:

Hoa chanh nở giữa vườn chanh” (Nguyễn Bính). Đó là vẻ đẹp chân quê, thật thà đến nguyên sơ. Không thể tìm thấy ở loài hoa này vẻ đẹp phảng phất chút kiêu sa của hoa bưởi, hay cái sắc nét của hoa quất trong vườn, bởi dẫu cùng nơi sinh sống, nhưng hoa bưởi được dân thị thành ưa chuộng nên được xuất ra chốn kinh kỳ, hoa quất trắng bung tô điểm cho những quả tròn chín mọng là đặc sản cây ngày Tết khắp bốn phương. Chỉ còn hoa chanh ở lại và dâng hiến hết mình cho mảnh vườn thôn dã. Cũng vì thế, vẻ đẹp của hoa chanh được ví với vẻ đẹp của người thiếu nữ nhà quê chưa vướng chất thị dân, ăm ắp quê mùa và gợi niềm thương trong lòng người xa quê.

Hương chanh ngát mà dịu, thoang thoảng mà sâu nồng, len lỏi vào hoài niệm, vào nỗi nhớ:

Mà đêm nay khuya hoa chanh thơm
Ta bên vườn vắng cũng âm thầm
Lắng hồn nghe nhạt từng hương cỏ
Dạ buồn như kẻ nhớ tri âm” (Quang Dũng)

Ta - kẻ nhà quê lên thành phố, bỏ quên hoa chanh nơi vườn nhà. Rồi có một ngày, ta thấy nhớ quê, nhớ người tri âm tri kỷ. Lặng lẽ trở về mảnh vườn xưa, chiết một cành chanh đầy nụ tím, trồng nơi lan can. Từ đó, cái lan can vô hồn trở thành mảnh vườn nhà, ong bướm kéo về, mùa xuân ùa đến. Và thật lạ kỳ, cái hồn quê của hoa vẫn còn nguyên trinh dù sống đất Kẻ Chợ, vẫn ngơ ngác nở, cần mẫn toả hương dịu dàng, khiêm nhường trước vo ve của loài ong bướm.

Hôm nay có chút nắng nhẹ, ngắm hoa chanh mà thấy lòng bình yên đến lạ. Chất quê mùa mộc mạc của hoa như làm lòng người tĩnh lại, quên đi những toan tính thường ngày. Mới hay, những điều giản dị nguyên sơ mới là những cái con người luôn khát khao lưu giữ: “van em, em hãy giữ nguyên quê mùa” (Nguyễn Bính)

Hoa chanh mãi níu lại chất quê mùa cho lòng người phố Thị. Hoa chanh mãi là niềm thương nỗi nhớ về một mảnh vườn quê, nơi ông bà cha mẹ vun xới hàng ngày nuôi ta khôn lớn và chờ mong những đứa con trở về bên gốc chanh già vẫn đâm hoa kết nụ khi mỗi độ xuân sang.

Quê mùa tim tím ngu ngơ nụ
Thuần khiết trắng trong nở hé lòng
Hoa của vườn nhà ai trong mộng
Hồn quê vương mãi sợi tơ lòng” (Thu Lan)

Hà Nội, 01.3.2018

Thu Lan