dd/mm/yyyy

HND Lào Cai làm tốt hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, dạy nghề

Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh Lào Cai đã đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dạy nghề cho họi viên nông dân. Thông qua các hoạt động này, đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của công tác hội và các phong trào thi đua.

Tính đến đầu tháng 6/2019, nguồn vốn Quỹ HTND tỉnh Lào Cai là 25 tỷ đồng, với 39 dự án mô hình, cho 498 hộ vay. Trong đó, nguồn ủy thác của Quỹ Trung ương: 12,7 tỷ đồng thực hiện 18 dự án mô hình cho 252 hộ vay, tạo việc làm cho 279 lao động nông thôn. Trong kỳ tiến hành thu hồi 02 dự án với tổng số tiền 1,8 tỷ đồng, tỷ lệ thu gốc và phí đạt 100%, không có nợ quá hạn, nộp gốc và phí đầy đủ về Ban điều hành Quỹ HTND Trung ương.

Nguồn quỹ cấp tỉnh 7,67 tỷ đồng, cho vay 9 dự án mô hình với 133 hộ vay. Trong đó, ngân sách tỉnh cấp vốn điều lệ 6 tỷ; nguồn vận động 1,395 tỷ đồng; nguồn tăng trưởng 276 triệu đồng. Nguồn vốn cấp huyện: 4,629 tỷ đồng, thực hiện 12 dự án cho 113 hộ vay.

 Thông qua nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, hội viên nông dân huyện Bát Xát đã có điều kiện phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu.

Để hội viên nông dân có thêm nguồn vốn trong phát triển sản xuất, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã làm tốt các chương trình phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đầu tháng 6/2019, tổng dư nợ từ các chương trình cho vay nguồn vốn ủy thác Ngân hàng CSXH do Hội Nông dân quản lý đạt 739,9 tỷ đồng, với 18.672 hộ vay, tại 625 Tổ TK&VV; nợ quá hạn 638 triệu đồng.

Một số huyện thực hiện tốt công tác ủy thác như: Si Ma Cai, Bắc Hà, Sa Pa. Chất lượng hoạt động của các Tổ TK&VV được nâng lên, có 563/625 tổ xếp loại tốt (chiếm 90,1%), 58 tổ xếp loại khá (chiếm 9,3%), 4 tổ xếp loại trung bình (chiếm 0,6%).

Nhờ các buổi tập huấn, dạy nghề của các cấp Hội Nông dân, nhiều nông dân Lào Cai đã mạnh dạn trồng cây ăn quả theo hướng an toàn. 

Phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng cấp thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55 và 116 của Chính phủ; tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ vay vốn, tổ liên kết vay vốn. Tính đến hết tháng 5/2019, tổng dư nợ qua tổ chức Hội đạt 1.160 tỷ đồng, cho 13.141 hộ vay, tại 544 tổ liên kết, nợ xấu 334 triệu đồng. Các huyện triển khai tốt công tác phối hợp có dư nợ tăng cao và không có nợ xấu như: Bắc Hà, Bảo Thắng.

Các cấp Hội phối hợp mở 14 lớp dạy nghề cho 496 học viên. Riêng Trung tâm Dạy nghề và HTND Hội Nông dân tỉnh Lào Cai đã tổ chức 03 hội nghị tập huấn kỹ năng kinh doanh, tổ chức mạng lưới bán lẻ và phân phối sản phẩm cho các Hợp tác xã và Tổ hội Nghề nghiệp cho 180 người; tuyển sinh 03 lớp nghề “Thêu thổ cẩm” cho lao động nông thôn năm 2019 tại 02 huyện Sa Pa và Bát Xát; 02 lớp nghề “Thú y cơ sở” cho lao động nông thôn tại huyện Bát Xát và Bảo Yên.

Hội Nông dân huyện Bắc hà phối hợp Cục Sở hữu trí tuệ hoàn thiện các thủ tục để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm lê Bắc Hà. Ảnh: Báo Lào Cai.

Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Công ty TNHH Việt Á tư vấn, cung ứng dịch vụ chế phẩm vi sinh Sumitri xử lý rơm, rạ sau thu hoạch.
Sử dụng chế phẩm này sẽ mang lại rất nhiều hiệu quả trong sản xuất, như: Rút ngắn thời gian chuyển vụ từ vụ xuân sang vụ mùa, không bị bệnh vàng lá nghẹt rễ sau cấy, giảm lượng phân bón và thuốc BVTV phòng trừ bệnh, tăng năng suất, đảm bảo an toàn giao thông nông thôn và bảo vệ môi trường sinh thái.

Đã tổ chức 21 hội nghị hướng dẫn kỹ thuật sử dụng chế phẩm vi sinh Sumitri xử lý rơm, rạ sau thu hoạch tại 7 huyện/TP cho 31 xã với 1.427 lượt người tham gia. Thực hiện 13 mô hình sử dụng chế phẩm tại huyện Bảo Thắng, Bát Xát, Mường Khương, Bắc Hà, Văn Bàn, Bảo Yên và Thành phố Lào Cai với 6,1 ha.

 Nhiều hỗ dân khó khăn được Hội Nông dân phối hợp với một số doanh nghiệp hỗ trợ phân bón theo phương thức trả chậm.

Hội Nông dân tỉnh Lào Cai cũng đã ký kết phối hợp với Công ty TNHH MTV máy kéo và máy nông nghiệp, chi nhánh Agribank Lào Cai để giới thiệu quảng bá máy nông nghiệp và triển khai chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định số 68 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện, đã có 30 hộ đăng ký mua máy, tạo điều kiện hỗ trợ nông dân có máy sản xuất canh tác và được hỗ trợ lãi suất trong 2,5 năm đầu. Hội Nông dân huyện Mường Khương phối hợp cung ứng 2.326 tấn phân bón, trị giá trên 4 tỷ đồng theo phương thức trả trậm.

Các cấp Hội phối hợp phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, thành phố tuyên truyền, hướng dẫn xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ mới theo chuỗi giá trị đạt tiêu chuẩn chất lượng Vietgap, Globalgap, tổ chức 89 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 5.269 lượt người; hướng dẫn thành lập 5 hợp tác xã, 16 tổ hợp tác.

Phối hợp với các ban ngành chức năng quảng bá các sản phẩm địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng, Hội Nông dân thành phố duy trì gian hàng điểm tại các điểm dừng nghỉ trạm nghỉ km 6, xã Cốc San (huyện Bát Xát) phục vụ khách du lịch, tổ chức lễ hội xôi nghệ thuật Xuân đền thượng; tham gia trưng bày các sản phẩm nông sản của nhân dân tại các lễ hội trong tỉnh, tổ chức 02 hội nghị quảng bá giới thiệu sản phẩm; tuyên truyền, vận động các mô hình tổ hợp tác, HTX sử dụng nhãn hiệu tập thể nhằm bảo vệ quyền lợi cho người sản xuất.

Hội Nông dân huyện Bắc hà phối hợp Cục Sở hữu trí tuệ hoàn thiện các thủ tục để đăng ký bảo hộ 3 nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm lê Bắc Hà, tương ớt Bắc Hà và phở Bắc Hà; tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý phát triển nhãn hiệu tập thể “Chè shan Bắc Hà”; “Rau Bắc Hà”;  “Rượu ngô Bản Phố- Bắc Hà”. Hội Nông dân Văn Bàn, Sa Pa ký cam kết giữa các Hội Nông dân xã triển khai mô hình sản xuất nông sản an toàn, vì sức khỏe cộng đồng.

Tiếp tục vận động nông dân mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm đặc hữu của địa phương, lựa chọn sản phẩm đăng ký tham gia chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm, tham gia bình chọn xếp hạng sản phẩm (OCOP). Hội Nông dân huyện Bắc Hà phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các xã lựa chọn sản phẩm chủ đạo, phối hợp với hội đồng thẩm định đánh giá sơ bộ 02 sản phẩm (chè Shan hữu cơ và rượu Bản Phố); huyện Văn Bàn xây dựng 3 nhãn hiệu tập thể: Hồng không hạt Tân An, măng Văn Bàn, gạo Văn Bàn.

Ngoài ra, các cấp Hội cùng với các cơ quan liên quan phối hợp tổ chức được 123 buổi tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho 2.315 lượt người; cấp phát 1.537 bộ tài liệu; phối hợp tổ chức 03 cuộc trợ giúp pháp lý lưu động đến các thôn bản; tư vấn pháp luật 23 buổi, trợ giúp pháp lý 807 vụ việc cho công dân liên quan đến lĩnh vực đất đai, hôn nhân và gia đình, duy trì tốt hoạt động của các câu lạc bộ nông dân với pháp luật.

Tuệ Linh - Văn Chiến