dd/mm/yyyy

Hải Dương thiếu "lực đẩy" trong xây dựng xã NTM nâng cao

Sau khi về đích nông thôn mới (NTM), nhiều xã trong tỉnh Hải Dương tiếp tục đặt mục tiêu hoàn thành NTM nâng cao. Tuy nhiên, do thiếu cơ chế hỗ trợ nên hầu hết các địa phương đăng ký vẫn đang loay hoay thực hiện, chưa tạo được đột phá trong xây dựng NTM nâng cao.

Coi trọng tiêu chí thu nhập

Được biết, ngày 26/10/2018, UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành Quyết định số 3958/QĐ-UBND quy định cụ thể bộ tiêu chí xã NTM nâng cao giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn tỉnh. Để được công nhận xã NTM nâng cao, thu nhập bình quân đầu người/năm tại thời điểm xét, công nhận phải tăng gấp từ 1,2 lần trở lên so với thời điểm được công nhận xã đạt chuẩn NTM.

Hải Dương thiếu "lực đẩy" trong xây dựng xã NTM nâng cao - Ảnh 1.

Đường giao thông liên xã tại các xã của Hải Dương được xây dựng khang trang.

Cụ thể, mức thu nhập của xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2018 phải từ 50 triệu đồng trở lên/người, năm 2019 từ 55 triệu đồng trở lên và năm 2020 từ 60 triệu đồng trở lên.

Với mục tiêu năm 2019 là xã chuẩn NTM nâng cao, xã Thái Thịnh (Kinh Môn) đã bắt tay thực hiện các giải pháp đạt tiêu chí thu nhập. Ông Phạm Bá Tuyến - Chủ tịch UBND xã Thái Thịnh cho rằng: "Năm 2019, thu nhập bình quân của người dân trong xã cần tăng thêm 18 triệu đồng vì năm nay mới đạt 37 triệu đồng. Tôi thấy mức thu nhập 55 triệu đồng là tương đối cao, nếu không chuẩn bị kỹ lưỡng với những giải pháp đồng bộ thì sẽ khó thực hiện".

Xã Thái Thịnh hiện có 2 làng nghề giải quyết việc làm cho khoảng 600 lao động với thu nhập từ 7-15 triệu đồng/người/tháng. Nhưng mới chỉ có làng nghề mỳ gạo Tống Buồng được công nhận là làng nghề truyền thống, còn làng nghề giò chả Tống Xá chưa được công nhận. Xã đang khuyến khích người dân mở rộng sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm để Tống Xá sớm được công nhận là làng nghề; mở rộng diện tích rau màu chuyên canh và phát triển thêm các ngành dịch vụ khác...

Trong xây dựng NTM nâng cao, thu nhập là thước đo quan trọng đánh giá kết quả NTM của địa phương. Nhiều nơi đều tập trung khai thác lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và lao động để đạt hiệu quả kinh tế cao nhất. Xã Văn Giang (Ninh Giang) có 21 ha đất bãi sông Luộc. Những năm qua, nông dân ở đây đã trồng các cây cho hiệu quả kinh tế cao như cải bắp, cà rốt, củ đậu... mang lại nguồn thu 300 triệu đồng/ha...

Các xã "tự bơi"

Được biết, năm 2019, toàn tỉnh Hải Dương có 27 xã đăng ký hoàn thành NTM nâng cao. Hầu hết các xã đều có xuất phát điểm cao, về đích NTM sớm. Mặc dù vậy, tiến độ thực hiện NTM nâng cao đến nay của các xã này rất chậm, có xã còn chưa triển khai. Vậy việc trì trệ trong xây dựng NTM nâng cao là do các địa phương chưa thật sự quan tâm tới mục tiêu này hay là đang đuối sức bởi nguồn vốn để hoàn thiện các tiêu chí quá lớn?

Theo ông Trần Duy Chinh - Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Hải Dương, khi ban hành bộ tiêu chí NTM nâng cao, UBND tỉnh kỳ vọng các xã NTM giai đoạn đầu có thể tiếp tục phát huy lợi thế, nỗ lực đạt được những mục tiêu cao hơn.

Quan điểm của tỉnh là dồn sức cho các xã khó khăn hoàn thành NTM, không bỏ xã nào ở lại phía sau. Khi toàn bộ các xã trong tỉnh trở thành xã NTM sẽ nghiên cứu việc hỗ trợ NTM nâng cao. Vì tỉnh không có chính sách hỗ trợ nên các xã đăng ký NTM nâng cao năm 2019 đang phải "tự bơi".

"Hiện mới chỉ có huyện Kinh Môn hỗ trợ mỗi xã đăng ký NTM nâng cao 5 tỷ đồng, các huyện, thành phố còn lại vẫn đang chờ cơ chế của tỉnh. Vì thế, tiến độ xây dựng NTM nâng cao của các xã rất chậm so với kế hoạch đề ra", ông Chinh nói.

Thanh Bính là xã duy nhất của huyện Thanh Hà đăng ký NTM nâng cao trong năm 2019. Xác định khó khăn gặp phải ngay từ đầu nên xã đã chủ động tìm cách khắc phục. Do đó, xã đã hoàn thành 16 trong tổng số 18 tiêu chí NTM nâng cao. 2 tiêu chí còn lại là cơ sở vật chất văn hóa, giao thông, xã đang tìm cách thực hiện, phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao theo đúng lộ trình.

Ông Lê Sỹ Tín - Chủ tịch UBND xã chia sẻ: "Xã không trông chờ, ỷ lại, song vẫn kỳ vọng cấp trên quan tâm, tạo điều kiện để xã tăng tốc, khẩn trương hoàn thiện những tiêu chí cuối cùng.

Nếu không thể bố trí kinh phí hỗ trợ, cấp trên cũng nên xem xét, linh hoạt những hỗ trợ khác như cấp xi măng làm đường giao thông nông thôn. Trước đây, xã đã được hỗ trợ xi măng để thực hiện tiêu chí giao thông. Hiện tại, chính quyền và người dân trong xã vẫn mong mỏi được cấp thêm xi măng để nâng cấp và mở rộng nhiều tuyến đường theo tiêu chí NTM nâng cao.

"Nếu yêu cầu này được đáp ứng, người dân sẽ phấn khởi và tiếp tục đồng hành cùng chính quyền trong những phong trào tiếp theo", ông Tín khẳng định.

Xã Đức Chính (Cẩm Giàng) là một trong những địa phương sớm cán đích NTM. Không bằng lòng với chính mình, xã tiếp tục phấn đấu để hoàn thành các tiêu chí NTM nâng cao. Hiện nay, xã đang gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện các tiêu chí khó, cần nguồn vốn lớn.

Ông Hoàng Văn Chư - Chủ tịch UBND xã Đức Chính cho biết: "Tiếp đà về đích NTM sớm, chính quyền và nhân dân trong xã có thêm niềm tin để xây dựng NTM nâng cao. Đến nay, xã đã hoàn thành 15 trong tổng số 18 tiêu chí NTM nâng cao. Dù đang ở giai đoạn nước rút trên chặng đường về đích NTM nâng cao nhưng xã vẫn gặp không ít khó khăn".

"Quan điểm của tỉnh là dồn sức cho các xã khó khăn hoàn thành NTM, không bỏ xã nào ở lại phía sau. Khi toàn bộ các xã trong tỉnh trở thành xã NTM sẽ nghiên cứu việc hỗ trợ NTM nâng cao" - Ông Trần Duy Trinh
Bài, ảnh: Hải Đăng