Hai bức tranh ngược về xuất nhập khẩu thủy sản 5 tháng đầu năm

25/06/2019 14:27 GMT+7
Trong 5 tháng đầu năm 2019, kim ngạch nhập khẩu thủy sản các loại vào Việt Nam tăng liên tục khởi sắc khi tăng liền 3 tháng. Trong khi đó, xuất khẩu thủy sản lại có xu hướng giảm nhẹ so với cùng kì năm ngoái.

Nhập khẩu thủy sản liên tục khởi sắc

Cụ thể, tháng 3/2019 tăng mạnh nhất với trên 38%, tháng 4/2019 tăng 0,2% và tháng 5/2019 tăng tiếp 13,7%, đạt 168,93 triệu USD. Tính chung trong cả 5 tháng đầu năm 2019 kim ngạch nhập khẩu thủy sản đạt 729,69 triệu USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2018.

Các thị trường cung cấp thủy sản cho Việt Nam vẫn là các thị trường truyền thống ở như Nhật Bản, Na Uy, Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á. Trong đó Na Uy vẫn luôn dẫn đầu với kim ngạch cao: chỉ trong tháng 5/2019 đã tăng 88,3% so với tháng 4/2019, tăng 77% so với cùng kì năm ngoái, ước đạt gần 25 triệu USD.

Ngược lại, nhập khẩu từ Ấn Độ - thị trường lớn thứ 2 trong 5 tháng đầu năm sụt giảm mạnh 42,2% so với cùng kỳ, đạt 87,88 triệu USD, chiếm 12%; trong đó, riêng tháng 5/2019 tăng 13,7% so với tháng 4/2019 nhưng giảm 33,9% so với tháng 5/2018, đạt 23,26 triệu USD.

Thủy sản nhập khẩu từ thị trường Đông Nam Á nói chung chiếm 10,9% trong tổng kim ngạch nhập khẩu thủy sản của cả nước, đạt 79,56 triệu USD, tăng mạnh 54,6% so với cùng kỳ; trong đó, nhập từ Indonesia với tổng 49,83 triệu USD, Thái Lan 11,18 triệu USD, Singapore 6,28 triệu USD, Philippines 8,17 triệu USD, Malaysia 2,78 triệu USD, Myanmar 1,32 triệu USD. Trong tương lai, các nước Đông Nam Á vẫn sẽ là một trong những thị trường cung cấp thủy sản các loại chính cho Việt Nam.

Ảnh minh họa.

Xuất khẩu thủy sản có xu hướng giảm nhẹ

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng thủy sản ra nước ngoài 5 tháng đầu năm 2019 đạt trên 3,18 tỷ USD, giảm nhẹ 0,8% so với 5 tháng đầu năm 2018; trong đó riêng tháng 5/2019 đạt 763,37 triệu USD, tăng 20,4% so với tháng 4/2019 nhưng giảm nhẹ 0,3% so với tháng 5/2018.

Nhìn chung là vậy, tuy nhiên vẫn có những thị trường xuất khẩu tăng mạnh như Nhật Bản đạt 553,26 triệu USD, chiếm 17,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2018.

Thị trường lớn thứ 2 là Mỹ với 509,69 triệu USD, tăng 3,8%, chiếm 16%; tiếp đến thị trường EU 489,86 triệu USD, chiếm 15,4%, giảm 11,8%; thj trường Trung Quốc đạt 381,83 triệu USD, chiếm 12%, giảm 3,7%; Hàn Quốc đạt 308,8 triệu USD, chiếm 9,7%, giảm 1,6%; xuất khẩu thủy sản sang Khu vực Đông Nam Á chiếm 8,1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước, đạt 258,46 triệu USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, xuất khẩu thủy sản sang Saudi Arabia sụt giảm rất mạnh 98,8% so với cùng kỳ, chỉ đạt 0,17 triệu USD; bên cạnh đó một số thị trường cũng giảm mạnh như: Pakistan giảm 77%, đạt 2,75 triệu USD; Séc giảm 47,3%, đạt 1,54 triệu USD; Colombia giảm 30,7%, đạt 18,56 triệu USD; Hà Lan giảm 28,8%, đạt 89,83 triệu USD.

Dự đoán trong tương lai, các tiềm năng như Mĩ, Nhật Bản, Asean,... vẫn sẽ tăng. Còn Trung Quốc sẽ giảm do luật áp thuế của Mĩ dành cho Trung Quốc khiến thủy sản nước này khó xuất khẩu đi mà sẽ quay lại phục vụ thị trường trong nước, khiến thị phần nhập khẩu thủy sản của nước này sẽ giảm. Bên cạnh đó Trung Quốc đã phê duyệt cho 33 mặt hàng thủy sản của Việt Nam được miễn thuế khi xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu Hà Khẩu, trong đó bao gồm nhiều mặt hàng thủy sản thế mạnh của Việt Nam. Tuy nhiên đi kèm với đó là những yêu cầu gắt gao về chất lượng, đòi hỏi Việt Nam phải đầu tư, nâng cấp hệ thống chăn nuôi, phòng dịch.

Theo kế hoạch, từ ngày 1/10/2019, các lô hàng thực phẩm nhập khẩu sang Trung Quốc đều phải có chứng thư xuất khẩu đi kèm. Do đó, các doanh nghiệp cần chú ý đến phương thức sản xuất và xuất khẩu. Cụ thể, cần lưu ý các yêu cầu mới về chất lượng, truy xuất nguồn gốc cũng như các quy định, tiêu chuẩn về bao bì, đóng - ghi nhãn hàng hóa và mã vạch vùng miền để xuất khẩu bền vững cũng như nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.

Mai Trang
Cùng chuyên mục