Hà Nội chịu rung chấn do động đất ở Cao Bằng

26/11/2019 07:49 GMT+7
Ba trận động đất liên tiếp xảy ra tại Cao Bằng và gần Cao Bằng hôm qua đã khiến Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc chịu rung chấn.

Theo thông tin từ Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên, hồi 8h18p ngày 25/11, một trận động đất có độ lớn 5.4 xảy ra tại vị trí có tọa độ (22.852 độ vĩ Bắc, 106.618 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 14 km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.

Hồi 10h56p ngày 25/11, một trận động đất có độ lớn 3.8 xảy ra tại vị trí có tọa độ (22.810 độ vĩ Bắc, 106.620 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 10km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.

Lúc 12h31p , một trận động đất 2,8 độ richter xảy ra tại tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, cách huyện Trùng Khánh 1,6km.

Hà Nội chịu rung chấn do động đất ở Cao Bằng - Ảnh 1.

Hà Nội và một số tỉnh phiá Bắc phải chịu rung chấn do động đất

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Thành Hải, Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh, cho biết lãnh đạo huyện đã yêu cầu các cơ quan chức năng kiểm tra và báo cáo về hiện tượng động đất lần đầu tiên xảy ra tại địa phương. Ngày 25/11, không có thiệt hại về người.

Tuy nhiên, tại khu vực xã Đàm Thủy (gần biên giới Trung Quốc) xảy ra hiện tượng đá lở khiến một ô tô 4 chỗ đỗ dưới chân núi bị hư hỏng. Ngoài ra, một phần diện tích hoa màu của bà con cũng bị thiệt hại do đá lở xuống vùi lấp.

Trận động đất ở Cao Bằng 5,4 độ richter gây rung chấn cho một loạt tỉnh thành phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh, Hưng Yên, Phú Thọ. Người ở các tòa nhà cao tầng ở Thủ đô cảm nhận rất rõ rung lắc.

Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại các trận động đất có thể xảy ra tiếp theo, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố rà soát, kiểm tra, đánh giá mức độ ảnh hưởng của động đất đến các công trình xây dựng nhất là các hồ chứa, nhà cao tầng, các khu vực có nguy cơ bị sạt lở để có phương án đảm bảo an toàn.

Các tỉnh, thành phố chỉ đạo các địa phương, chủ công trình kiểm tra, rà soát, cung cấp thông tin về mức độ đảm bảo an toàn của các công trình để người dân chủ động ứng phó và tránh tâm lý hoang mang; rà soát, kiểm tra các hồ chứa nước và hạ du, nhất là các hồ chứa nhỏ có nguy cơ bị ảnh hưởng để có phương án ứng phó phù hợp.

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường đưa tin về diễn biến động đất và các biện pháp ứng phó.

Các bộ, ngành, địa phương nói trên báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Ủy ban quốc gia Ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

O.Lý
Cùng chuyên mục