dd/mm/yyyy

Giao ban khuyến nông các tỉnh phía Bắc: Tháo gỡ vướng mắc, đổi mới hoạt động

Vừa qua, tại Yên Bái, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NNPTNT) đã tổ chức Hội nghị giao ban công tác khuyến nông phía Bắc năm 2019, với sự tham gia của 29 tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên - Huế trở ra.

Nhiều ý kiến đã bày tỏ sự băn khoăn trước những yêu cầu phải thay đổi của lực lượng khuyến nông, "thay tên đổi họ", sáp nhập với các đơn vị khác như chăn nuôi, thú y… cũng như nâng cao chất lượng hoạt động.

Giao ban khuyến nông các tỉnh phía Bắc: Tháo gỡ vướng mắc, đổi mới hoạt động - Ảnh 1.

Mô hình trồng bạch đàn giống mới tại xã Đại Đồng, huyện Yên Bình, Yên Bái.

Triển khai tốt nhiều dự án trong khó khăn

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKNQG) cho biết, năm nay hoạt động khuyến nông gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, thời tiết, nhất là dịch tả lợn châu Phi, gây thiệt hại nặng nề cho các hộ dân đang chăn nuôi.

Mặt khác, đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa ban hành được Thông tư hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí khuyến nông theo Nghị định số 83/2018/NĐ-CP của Chính phủ, do vậy trong quá trình lập dự toán và triển khai còn lúng túng, vướng mắc, gặp rất nhiều khó khăn. Theo quy định, các hợp đồng, nhiệm vụ khuyến nông chỉ được ứng 50% kinh phí, do đó các đơn vị thực hiện gặp rất nhiều khó khăn vì hầu hết đều là đơn vị sự nghiệp, không có kinh phí ứng trước để thực hiện.

Đối với các tỉnh phía Bắc, mặc dù ngân sách T.Ư đầu tư cho hoạt động khuyến nông tại các tỉnh miền Bắc tương đối cao so với trung bình cả nước, tuy nhiên, với lợi thế sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, nguồn kinh phí còn thấp so với nhu cầu và cũng không đồng đều giữa các tỉnh, thành phố. Đáng chú ý là kinh phí đầu tư cho khuyến nông qua nhiều năm không tăng, do vậy nguồn kinh phí cho hoạt động khuyến nông thường xuyên giảm.

Mặc dù vậy, từ đầu năm đến nay, trong tổng số 77 dự án khuyến nông T.Ư đầu tư với tổng kinh phí hơn 86 tỷ đồng, hầu hết các dự án triển khai đều đảm bảo yêu cầu, tiến độ. Một số dự án đã có hiệu quả rõ rệt như dự án về sản xuất lúa bao gồm sản xuất hạt giống lúa lai F1, sản xuất lúa chất lượng, áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa, xây dựng mô hình liên kết sản xuất lúa gạo hữu cơ theo chuỗi giá trị; trồng và thâm canh cây ăn quả; dự án sản xuất cây rau màu, cây công nghiệp...

Trong chăn nuôi, trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các mô hình dự án chăn nuôi lợn, TTKNQG đã phối hợp với các đơn vị chủ trì, chủ nhiệm dự án đề xuất điều chỉnh dự án cho phù hợp với tình hình thực tế tại các địa phương.

Hiện tại các dự án được điều chỉnh đang hoàn thiện các nội dung theo Quyết định điều chỉnh.

Đối với nhiệm vụ đào tạo tập huấn, năm 2019, các tỉnh triển khai nhiệm vụ với kinh phí gần 9,5 tỷ đồng từ nguồn khuyến nông T.Ư với 174 lớp cho 5.112 lượt học viên, chiếm 66% tổng kinh phí tập huấn toàn quốc.

Theo đánh giá của TTKNQG, các dự án khuyến nông đều có hiệu quả cao hơn so với sản xuất đại trà tối thiểu 10%, đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, thay đổi nhận thức của người dân trong sản xuất.

Đổi mới hoạt động đáp ứng yêu cầu mới

Tại hội nghị, ông Nguyễn Quang Tin – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ NNPTNT) cho biết: "Vai trò của hoạt động khuyến nông trong những năm qua không chỉ đơn thuần đóng góp cho ngành nông nghiệp mà còn góp phần nâng cao giá trị tinh thần, văn hoá cho người nông dân, đặc biệt là với bà con ở vùng sâu, xa. Do đó, việc duy trì và phát triển hệ thống này là vô cùng cần thiết".

"Ngoài vai trò chuyển giao tiến bộ kỹ thuật là chính, bây giờ khuyến nông cũng phải thay đổi hình thức, tạo sản phẩm cụ thể, gắn với xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu, tổ chức các hình thức sản xuất mới cho nông dân, đặc biệt là chú trọng kết nối tiêu thụ nông sản...", ông Tin khẳng định.

Giao ban khuyến nông các tỉnh phía Bắc: Tháo gỡ vướng mắc, đổi mới hoạt động - Ảnh 2.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia phát biểu tại Hội nghị. M.H

Ông Ninh Anh Vũ, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Lào Cai khẳng định: "Thực hiện Nghị quyết 19/NQ-TW khi các trạm bảo vệ thực vật, thú y, khuyến nông sáp nhập thành trung tâm dịch vụ nông nghiệp thì Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lào Cai phải thêm hai chữ "dịch vụ" để gắn kết với cơ sở. Đi xuống cơ sở hỏi bà con học ai cấy giống lúa này, chăn nuôi con này…, bà con đều trả lời: Chúng tôi được cán bộ khuyến nông hướng dẫn".

"Khuyến nông làm nhiệm vụ chuyển giao khoa học kỹ thuật phi lợi nhuận, đều hướng tới vì lợi ích của người dân. Trong những năm qua, sự liên kết của hệ thống khuyến nông có sự lỏng lẻo, khuyến nông trung ương không biết địa phương triển khai những dự án, mô hình gì. Vì thế, TTKNQG cần tổ chức nhiều lớp đào tạo cán bộ khuyến nông cho cơ sở, liên kết và chia sẻ thông tin, nâng cao hợp tác quốc tế, xây dựng thương hiệu và logo khuyến nông… để người dân nhận ra vai trò của khuyến nông trong xã hội…".

Phát biểu tổng kết hội nghị, ông Lê Quốc Thanh cho biết: "Hiện cả nước có trên 30.000 người làm khuyến nông và cộng tác viên khuyến nông. Hệ thống khuyến nông đã được hoàn thiện từ T.Ư, tỉnh đến thôn bản, khẳng định vị trí, vai trò trong suốt 30 năm qua. Tuy nhiên, hiện nay có một số địa phương đang tổ chức lại, sáp nhập với một số đơn vị khác, dẫn tới sự lúng túng trong hoạt động. Nhưng nếu chúng ta chứng minh được sự cần thiết, không thể thay thế được của khuyến nông thì sẽ không ai nghĩ đến tách - nhập, xoá bỏ mà luôn làm thế nào để tăng cường năng lực cho đội ngũ khuyến nông".

"Khuyến nông không chỉ là cán bộ kỹ thuật mà là "bác sĩ đa khoa", là người kết nối nông dân với tiến bộ khoa học kỹ thuật, giúp bà con sản xuất theo nhu cầu thị trường… Vấn đề đặt ra với khuyến nông chính là yêu cầu phải thay đổi trong nội tại của mình", ông Thanh nói.

Ông Lê Hồng Viễn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Bình: "Nếu còn giữ quan điểm địa phương nào cũng phải có một tý vốn khuyến nông quốc gia thì chúng ta sẽ không thể làm được những dự án xứng tầm. Do đó, TTKNQG phải xây dựng những dự án lớn, mang tính kết nối từ địa phương này tới địa phương khác, để các tỉnh có thể "bám" vào mà làm. Những mô hình cũ nên dừng, không nên làm đi làm lại mà cần những mô hình đáp ứng nhu cầu mới hiện nay như liên kết tiêu thụ sản phẩm, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao...
Minh Huệ