dd/mm/yyyy

Giải pháp đầu ra cho cá lồng Quỳnh Nhai

Với sự phát triển nhanh chóng của nghề nuôi cá lồng ở huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La, thời gian qua, vấn đề đầu ra cho sản phẩm cá luôn được cấp ủy, chính quyền huyện đặc biệt quan tâm.

Huyện Quỳnh Nhai có trên 10.500 ha mặt nước vùng hồ thủy điện Sơn La, với trên 200 ha ao hồ nuôi thủy sản. Từ lợi thế đó, nghề nuôi cá lồng ở huyện Quỳnh Nhai đang phát triển mạnh, đem lại thu nhập cao cho người nông dân. Đến nay, toàn huyện có 46 hợp tác xã (HTX) thủy sản nuôi cá lồng được thành lập với gần 7.000 lồng cá, sản lượng cá trung bình hàng năm đạt gần 2.700 tấn. Hầu hết cá nuôi tập trung trên vùng lòng hồ thủy điện Sơn La.

Nghề nuôi cá lồng trên vùng lòng hồ thủy điện Sơn La đang phát triển mạnh tại huyện Quỳnh Nhai. 

Với mục tiêu đưa nghề nuôi cá trở thành ngành kinh tế nông nghiệp chủ lực, phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững, thời gian qua huyện Quỳnh Nhai đã đưa ra nhiều giải pháp phát triển nuôi cá lồng như: Quy hoạch bố trí khu vực nuôi phù hợp, thuận lợi, gắn với các điểm phát triển du lịch tại một số xã ve sông như Chiềng Bằng, Chiềng Ơn, Mường Chiên, Mường Sại…; đổi mới phương thức sản xuất theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, tăng giá trị sản phẩm; hỗ trợ kỹ thuật nuôi, cách chăm sóc phòng dịch bệnh, tăng cường kiểm soát dịch bệnh tại các khu vực nuôi; khuyến khích các hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực thủy sản; phát triển nuôi gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo đa dạng sinh học vùng lòng hồ…

 Nghề nuôi cá lồng cho thu nhập cao nhưng người nông dân vẫn chưa yên tâm về đầu ra cho sản phẩm.

Bên cạnh đó, yếu tố định hướng và tìm đầu ra cho sản phẩm là một trong yếu tố được huyện Quỳnh Nhai đặc biệt quan tâm. Huyện đã khuyến khích các hộ nuôi cá liên kết sản suất theo nhóm hộ thành các HTX, không sản xuất manh mún, nhỏ lẻ để thuận lợi cho việc định hướng đầu ra. Đồng thời, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu sản phẩm cá với thị trường trong và ngoài tỉnh, thúc đẩy tạo chỉ dẫn địa lý cho cá sông Đà trên địa bàn huyện.

 Nhiều sản phẩm cá lồng của huyện Quỳnh Nhai đã được trưng bày, quảng bá tại nhiều hội chợ xúng tiến thương mại.

Với sự nỗ lực cố gắng của cấp ủy chính Quyền huyện Quỳnh Nhai nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung trong việc tạo thương hiệu sản phẩm cá sông Đà, đầu năm 2019, cá sông Đà đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “cá sông Đà và Cá tầm Sơn La”. Việc sản phẩm cá được đăng ký nhãn hiệu đang mở ra hướng đi bền vững cho người nuôi cá tại huyện Quỳnh Nhai nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung. Góp phần quảng bá, nâng cao giá trị sản phẩm cá đến với người tiêu dùng, góp phần giúp người nuôi cá bớt nỗi lo về đầu ra.

 Nhiều nông dân nuôi cá ở huyện Quỳnh Nhai đã thoát nghèo, có cuộc sống khấm khá.

Bên cạnh đó, huyện Quỳnh Nhai chỉ đạo các ngành chuyên môn hướng dẫn người dân trên địa bàn sản xuất theo hướng nuôi cá sạch, tiêu chuẩn VietGap, sử dụng thức ăn sẵn có như cá tép sông, sắn, cỏ voi, cây chuối… tạo thương hiệu riêng có đối với cá sông Đà, nâng cao uy tín với người tiêu dùng. Nhờ đó, những năm gần đây, thương hiệu về sản phẩm cá sông Đà tại huyện Quỳnh Nhai ngày càng có uy tín trên thị trường, được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến ngày một nhiều. Với việc duy trì và phát triển nhãn hiệu sản phẩm cá sông Đà đã và đang góp phần đưa sản phẩm cá sông Đà tại huyện Quỳnh Nhai vươn ra thị trường.

 Sản phẩm cá sông Đà tại huyện Quỳnh Nhai đang ngày càng có uy tín trên thị trường.

Ông Nguyễn Hoài Thu, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai, cho biết: Nghề nuôi cá lồng đang mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế của huyện, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo, ổn định tình hình an ninh chính trị - xã hội trên địa bàn. Tuy nhiên, việc nuôi cá lồng đang ngày một tăng lên cả về số lượng và chất lượng, yêu cầu phải có thị trường tiêu thụ ổn định. Do đó, để nghề nuôi cá lồng mang lại hiệu quả và phát triển bền vững, huyện đã đưa ra nhiều giải pháp định hướng, hỗ trợ, khuyến khích bà con nông dân sản xuất bền vững, đặc biệt là việc tạo đầu ra cho sản phẩm. Đồng thời, huyện đã đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm; thu hút các tổ chức cá nhân, doanh nghiệp vào đầu tư, để nghề nuôi cá lồng trở thành ngành kinh tế nông nghiệp chủ lực của huyện.

Quốc Định