Giá heo tăng mạnh tới mức phải "vít", DN nuôi heo vẫn mất ngàn tỷ

02/04/2020 15:57 GMT+7
Trong tháng 3, giá heo hơi tăng mạnh tới mức phải "vít" xuống. Thế nhưng, doanh nghiệp chăn nuôi heo vẫn mất ngàn tỷ vì cổ phiếu giảm sâu.

Vào những ngày đầu tháng 3, giá heo hơi trong cả nước bất ngờ tăng mạnh, chỉ trong vài ngày đã tăng khoảng 30% lên hơn 90.000 đồng/kg. Giá heo hơi bứt phá khiến giá heo ngoài chợ dân sinh tăng mạnh, gây áp lực lên túi tiền người dân. Áp lực càng lớn hơn trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Vì vậy, Thủ tướng đã yêu cầu phải giảm giá heo. Các doanh nghiệp lớn đã "ngồi lại" với nhau với quyết tâm hạ giá heo hơi xuống 70.000 đồng/kg.

Giá heo hơi tăng mạnh suốt gần 1 tháng qua nhưng doanh nghiệp chăn nuôi heo lại không hề được hưởng lợi trên thị trường chứng khoán. Cùng với đà lao dốc của VN-Index, cổ phiếu ngành chăn nuôi heo cũng giảm sâu. Mất mát nhiều nhất là "anh cả" Công ty cổ phần Masan MEATLife.

Giá heo tăng mạnh tới mức phải "vít", DN nuôi heo vẫn mất ngàn tỷ - Ảnh 1.

Giá heo tăng mạnh tới mức phải "vít", DN nuôi heo vẫn mất ngàn tỷ.

Masan MEATLife đang là doanh nghiệp lớn nhất trong ngành chăn nuôi heo với vốn điều lệ lên đến hơn 3.240 tỷ đồng và vốn hóa thị trường 11.610 tỷ đồng. Tuy nhiên, cổ phiếu MML kém may mắn khi chào sàn trong bối cảnh thị trường chứng khoán liên tục đi lùi.

Trong tháng 3/2020, bất chấp giá thịt lợn tăng cao tới mức cần "vít" xuống, cổ phiếu MML vẫn miệt mài đi xuống. Đóng cửa phiên 31/3, MML đứng ở mức 35.500 đồng/CP, giảm 19.500 đồng/CP, tương đương 35,5% so với 28/2, phiên giao dịch cuối cùng của tháng 2/2020. Như vậy, vốn hóa thị trường Masan MEATLife giảm tới 6.324 tỷ đồng.

Cổ phiếu MML giảm sâu bất chấp công ty có một năm 2019 rất thành công. Dù doanh thu bán hàng giảm nhẹ từ 14.833 tỷ đồng xuống 14.575 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn tăng 138 tỷ đồng, tương đương 59,5% so với năm 2018.

Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC) là ông lớn thứ 2 trong ngành chăn nuôi heo. Dù đứng sát Masan MEATLife nhưng Dabaco có quy mô nhỏ hơn rất nhiều. Vốn điều lệ và vốn hóa thị trường Dabaco lần lượt là 911 tỷ đồng và 1.713 tỷ đồng.

Có lẽ do quy mô nhỏ hơn nên cổ phiếu DBC của Dabaco ít bị tác động bởi đà sụt giảm của VN-Index. Đóng cửa phiên cuối tháng 3, DBC dừng ở mức 18.800 đồng/CP, không đổi so với cuối tháng 2. Vì vậy, vốn hóa thị trường công ty giữ nguyên ở mức 1.713 tỷ đồng.

Dabaco đã trải qua một năm 2019 đầy khó khăn. Đầu năm, giá lợn giảm sâu đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới công ty nhưng cuối năm, khi giá lợn phục hồi, lợi nhuận của công ty phần nào được bù đắp, dù vẫn chưa thể đạt được thành tích của năm 2018. Lợi nhuận sau thuế năm 2019 của Dabaco đạt 305 tỷ đồng, giảm đáng kể so với con số 360 tỷ đồng của năm 2018.

Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam (VLC) cũng kém may mắn khi cổ phiếu sụt giảm. Sau 1 tháng giao dịch, VLC giảm 1.300 đồng/CP, tương đương 7,5% xuống 16.100 đồng/CP. Vốn hóa thị trường VLC giảm 82 tỷ đồng.

CTCP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản - Vissan (VSN) là một thương hiệu có tiếng trong ngành thực phẩm. Tuy nhiên, Vissan nắm lợi thế ở mảng chế biến thực phẩm hơn là chăn nuôi heo. Có lẽ vì vậy mà VSN "vượt bão" thành công. Dù thị trường chao đảo trong tháng 3, VSN vẫn tăng nhẹ.

Đóng cửa phiên giao dịch 31/3, VSN dừng ở mức 24.300 đồng/CP, tăng 1.600 đồng/CP, tương đương 7% so với cuối tháng 2. Vốn hóa thị trường Vissan có thêm 129 tỷ đồng.

Trong quý 2/2020, doanh nghiệp ngành chăn nuôi sẽ phải "chia lửa" cùng nền kinh tế khi đại dịch Covid-19 vẫn đang có nhiều biễn biến phức tạp. Ngày 30/3, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã họp với 15 doanh nghiệp, tập đoàn chăn nuôi để quyết tâm đưa giá thịt heo hơi xuống dưới 60.000 đồng/kg.

Về lộ trình giảm giá heo, trước mắt là đưa giá từ 75.000 đồng/kg xuống mức 70.000 đồng, đến cuối quý 2 và quý 3 sẽ xuống mức 65.000 đến 60.000 đồng/kg.

Ngọc Lâm
Cùng chuyên mục