dd/mm/yyyy

Giá gia cầm hôm nay 4/4: Gà ế ẩm, dân quay Clip rao bán trên "phây"

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, yêu cầu mọi người dân phải hạn chế ra khỏi nhà đã khiến giá gia cầm nhiều nơi giảm mạnh, các chủ trang trại nuôi gà, vịt điêu đứng vì không có đầu ra. Tại Nghệ An, một số hộ chăn nuôi đã mạnh dạn rao bán gà thịt qua "phây" (mạng xã hội Facebook) nhằm giải quyết tình trạng ế ẩm,

Người chăn nuôi điêu đứng vì giá gà giảm mạnh

Yên Thành là một trong những huyện chăn nuôi trọng điểm của tỉnh Nghệ An, với tổng đàn gà thịt khoảng hơn 3 triệu con. Hiện nay, nhiều trang trại gà đã quá tuổi xuất chuồng nhưng vì không có đầu ra, buộc người chăn nuôi phải chấp nhận bán lẻ để gỡ gạc qua mùa dịch Covid-19, nhưng lượng bán ra không đáng kể.

Giá gia cầm hôm nay 4/4: Gà ế ẩm, dân quay Clip rao bán trên "phây" - Ảnh 1.

Dù gà thịt 2 tháng nay không bán được, nhiều nông dân ở Yên Thành vẫn phải vay mượn tiền mua cám để duy trì đàn gà, chờ thời cơ được giá cao hơn. Ảnh: Cảnh Thắng

Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, ông Nguyễn Hồng Chất (SN 1939) chủ trại nuôi 6.000 con gà thịt tại xóm Đồng Nhân, xã Quang Thành, Yên Thành luôn lo lắng không yên vì giá gà giảm mạnh như "tụt dốc không phanh", trong khi giá thức ăn chăn nuôi lại tăng cao. Theo ông Chất, mỗi ngày 6.000 con gà này tiêu thụ hết khoảng 10 triệu đồng tiền cám, 1.000 lít nước … nhưng chỉ bán lẻ được vài con.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Hồng Chất cho biết: “Đàn gà đã đến ngày xuất chuồng, thương lái đến trang trại xem rồi chỉ trả giá  50.000 - 60.000 đồng/kg. Giá gà rẻ quá, bán cũng không đủ bù chi phí nên tôi không bán. Nhưng thương lái cũng chỉ đến có 1 lần, sau đó lặn mất tăm. Giờ đàn gà nhà tôi đã quá ngày xuất chuồng 2 tháng nay nhưng không thể bán được, càng nuôi càng tốn thức ăn nên chúng tôi cũng không biết giải quyết như thế nào”.

Giá gia cầm hôm nay 4/4: Gà ế ẩm, dân quay Clip rao bán trên "phây" - Ảnh 2.

Hàng triệu con gà thịt không có đầu ra khiến nhiều hộ chăn nuôi ở huyện Yên Thành lâm cảnh điêu đứng. Ảnh: Cảnh Thắng

Cùng cảnh như gia đình ông Chất, gia đình anh Lê Văn Hưng ở xóm 6A, xã Tiến Thành, Yên Thành hiện nuôi gần 3 vạn con gà, trong đó 1,2 vạn con đã đến kỳ xuất chuồng gần 1 tháng nay.

“Cùng thời điểm này so với thời gian năm ngoái, gia đình tôi đã bán hết nhưng năm nay do đàn gà vịt tăng mạnh, nhất là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên số lượng 3 vạn con gà của tôi cũng không bán được. Để duy trì chăn nuôi gà và chờ giá gà vịt nhích lên, tôi đã phải vay mượn tiền để tiếp tục đầu tư thức ăn cho gà. Như bình thường, giá gà nuôi theo hình thức bán thả đồi của tôi trung bình đạt 80.000 đồng/kg, nay giảm xuống 68.000 đồng/kg nhưng vẫn không có người mua" - anh Hưng tâm sự.

Trong khi đó, trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Đình Đồng - Cán bộ nông nghiệp xã Quang Thành, huyện Yên Thành cho biết: “Hiện tại trên địa bàn có khoảng 50.000 con gà thịt nuôi quy mô trang trại, chưa tính số lượng gà nhỏ lẻ của  các hộ dân nhưng đã 2 tháng nay, thị trường tiêu thụ rất chậm, thương lái gần như không thu mua khiến nhiều hộ dân nuôi gà rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”.

Giá gia cầm hôm nay 4/4: Gà ế ẩm, dân quay Clip rao bán trên "phây" - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Hồng Chất (SN 1939), chủ trại nuôi 6.000 con gà thịt tại xóm Đồng Nhân, xã Quang Thành, Yên Thành lo lắng không yên vì giá gia cầm hôm nay chưa có dấu hiệu cải thiện, giá gà thả đồi cũng giảm liên tục. Ảnh: Cảnh Thắng

Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Đại – Chủ tịch UBND xã Tiến Thành cho hay: “Trên địa bàn xã hiện có 25 trại chăn nuôi gà quy mô trên 1.000 con, với tổng số đàn gia cầm 450.000 con. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, toàn bộ trại gà trên địa bàn xã lâm vào cảnh ứ đọng, không có đầu ra. Nếu thời gian tới vẫn chưa bán được gà, chắc chắn nhiều hộ gia đình sẽ lâm cảnh trắng tay, phá sản".

Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Văn Dương - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Yên Thành cho biết: “Nguyên nhân khiến giá gà vịt giảm và không tiêu thụ được là do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hiện nay, trên địa bàn huyện số lượng gà đã đến thời kỳ xuất chuồng rất nhiều nhưng không thể tiêu thụ, các nhà hàng, quán ăn đóng cửa khiến kinh tế của các hộ chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn”.

Rao bán gà thịt trên "phây"

Trò chuyện với PV, anh Nguyễn Văn Tú, trú tại xã Đồng Thành, huyện Yên Thành cho biết: Gia đình tôi hiện đang nuôi hơn 5.000 con gà. Thời gian qua giá gia cầm liên tục giảm, lại không có thương lái mua số lượng lớn như trước nên tôi bàn với gia đình, quay video clip lên mạng xã hội để bán gà theo kiểu nhỏ lẻ. Nhờ đó gia đình tôi đã tiêu thụ được gần 1.000 con với giá 80.000 đồng/kg, như vậy cũng đủ trang trải thức ăn cho đàn gà còn lại rồi. Cũng vì do dịch Covid-19 mà nhiều gia trại như chúng tôi không xuất được hàng, phải tìm cách thích ứng thôi các chú ạ...”.

Giá gia cầm hôm nay 4/4: Gà ế ẩm, dân quay Clip rao bán trên "phây" - Ảnh 4.

Để mua thức ăn cho đàn gà, ông Nguyễn Hồng Chất (SN 1939) chủ trại nuôi 6.000 con gà thịt tại xóm Đồng Nhân, xã Quang Thành, Yên Thành đã phải vay mượn thêm tiền Ảnh: Cảnh Thắng

Trong khi đó, ông Đậu Ngọc Hòa – Giám đốc HTX Chăn nuôi VietGAP Diễn Trung, huyện Diễn Châu cũng cho biết: “Từ khi Việt Nam xuất hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, cho đến nay giá gia cầm giảm liên tục, trong đó giá gà thịt giảm từ 70.000 đồng/kg xuống 45.000 đồng/kg, nhưng vẫn khó tiêu thụ".

"Hiện HTX có 37 trang trại chăn nuôi gà thịt, số gà đến kỳ xuất chuồng 60 vạn con, đang lâm tình cảnh ế ẩm. Để vớt vát được đồng vốn bỏ ra, buộc người chăn nuôi gà phải tìm cách bán lẻ qua mạng xã hội, qua người quen, nhưng lượng bán ra cũng không đáng là bao", ông Hoà nói.

Giá gà giảm, nhưng nhiều hộ nông dân vẫn tìm cơ hội bán qua mạng xã hội để thu hồi vốn, nhưng số lượng có hạn. Ảnh: Cảnh Thắng

Trao đổi với PV DANVIET.VN về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Lập – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nghệ An chia sẻ: "Dịch Covid–19 đã gây ảnh hưởng nặng nề đến các ngành kinh tế, trong đó có chăn nuôi gia cầm. Nguyên nhân là do các nhà hàng, quán ăn, các công ty kinh doanh ẩm thực, các hoạt động tập trung đông người đều phải đóng cửa nên gà vịt không có nơi tiêu thụ nhiều như trước. Không còn cách nào khác, các trang trại, gia trại phải tìm cách cố gắng duy trì đàn gà, khi dịch Covid-19 được khống chế, mọi hoạt động trở lại bình thường thì sức tiêu thụ thực phẩm sẽ tăng trở lại".

Cảnh Thắng