Doanh thu trái cây giảm 60%, HAGL thoát lỗ nhờ lợi nhuận khác

04/05/2019 20:17 GMT+7
Trái cây, mảng kinh doanh vốn được coi là cốt lõi của HAGL trong 2 năm gần đây chỉ mang về cho HAGL khoản 199 tỷ đồng, giảm mạnh 60% so với mức 489 tỷ đồng cùng kỳ năm 2018 là một trong số những nguyên nhân khiến lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp bầu Đức lên tới 252 tỷ đồng.

"Nốt trầm" của hai doanh nghiệp bầu Đức 

Quý I.2019 tiếp tục là một “nốt trầm” đối với ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) cũng như các cộng sự tại Hoàng Anh Gia Lai khi cả hai doanh nghiệp của bầu Đức đều ghi nhận kết quả kinh doanh thiếu tích cực.

Trong đó, HAGL Agrico ghi nhận con số doanh thu thuần giảm 40% so với cùng kỳ năm 2018, chỉ đạt 340 tỷ đồng, đồng thời mới hoàn thành hơn 7% kế hoạch doanh thu năm 2019.

Thêm vào đó, nguồn thu hoạt động tài chính trong ba tháng đầu năm của HAGL Agrico giảm hơn 10 lần, trong khi chi phí lãi vay tiếp tục đà tăng lên 188 tỷ đồng. Trong bối cảnh chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của HAGL Agrico không được cắt giảm, đã khiến lợi nhuận thuần của doanh nghiệp âm 247 tỷ đồng và lỗ sau thuế 99 tỷ đồng.

Còn Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai dù không phải ghi nhận lợi nhuận âm trong kỳ kế toán, song hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp vẫn lỗ.

Tương tự HAGL Agrico, báo cáo tài chính hợp nhất quý I.2019 của Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai cho thấy, doanh thu trong quý của doanh nghiệp chỉ đạt 410 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ năm 2018.

Phân loại doanh thu của doanh nghiệp bầu Đức theo loại hình sản phẩm, dễ dàng nhận thấy ngoại trừ doanh thu bán mủ cao su tăng 164% lên 101,5 tỷ đồng, hầu hết doanh thu từ các sản phẩm nông nghiệp của HAGL đều suy giảm.

Trái cây, mảng kinh doanh vốn được coi là cốt lõi của HAGL trong 2 năm gần đây chỉ mang về cho HAGL khoản 199 tỷ đồng, giảm mạnh 60% so với mức 489 tỷ đồng cùng kỳ năm 2018. Doanh thu bán ớt cũng đạt 39 tỷ đồng, giảm 60% so với mức 92 tỷ đồng quý I.2018.

Theo lý giải của HAGL, doanh thu trái cây giảm mạnh do phần lớn diện tích chuối trồng mới của năm 2018 chưa đến kỳ thu hoạch.

Doanh thu từ hoạt động tài chính giảm khoảng 25%, tương ứng mức giảm 66 tỷ đồng xuống còn 198 tỷ đồng, do lãi cho vay các công ty khác giảm. Ngoài ra, trong kỳ, chi phí tài chính của HAGL cũng giảm khoảng 6 tỷ đồng.

Thêm vào đó, doanh nghiệp không còn ghi nhận doanh thu từ bất động sản và dịch vụ cho thuê. Song nhờ khoản thu nhập khác gần 342 tỷ đồng nên lợi nhuận sau thuế của HAGL vẫn đạt 21,5 tỷ đồng, giảm 62% so với cùng kỳ.

Nếu bóc tách thêm kết quả kinh doanh của HAGL, dễ dàng nhận thấy con số lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp này lên tới 252 tỷ đồng.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 diễn ra cách đây ít ngày, HAGL cho biết biết diện tích trồng chuối đang trong giai đoạn thu hoạch kể từ lúc THACO rót vốn do đó, kết quả kinh doanh trong quý 1 của công ty sẽ chưa tốt, có thể âm nhưng những quý sau sẽ được cải thiện.

Doanh thu trái cây đi xuống, HAGL mới hoàn thành 8% kế hoạch doanh thu

Cũng tại ĐHĐCĐ thườn niên 2019, HAGL đã thông qua kế hoạch kinh doanh 2019 với chỉ tiêu thu thuần 5.125 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 88 tỷ đồng. Trong đó, cây ăn trái sẽ là mảng chủ lực trong cơ cấu nguồn thu, dự kiến mang lại 4.401 tỷ đồng, tương đương đóng góp tỷ trọng 86% tổng doanh thu 2019.

Ngoài cây ăn trái, cao su trong năm 2019 dự kiến thu được 15.081 tấn mủ khô, mang lại doanh thu khoảng 469 tỷ đồng, đóng góp khoảng 9,1% trong cơ cấu doanh thu. Tuy nhiên, HAGL cho biết sẽ chỉ duy trì chăm sóc các vườn cây cao su chứ không mở rộng diện tích trồng.

Các ngành khác, bao gồm cung cấp dịch vụ, bán căn hộ và bất động sản đầu tư dự kiến đạt doanh thu 255 tỷ đồng, đóng góp 5% vào doanh thu.

So với kế hoạch kinh doanh đã nêu, HAGL mới hoàn thành được 8% kế hoạch doanh thu và 23% mục tiêu về lợi nhuận.

Nợ phải trả cao gần gấp đôi vốn chủ sở hữu

Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản HAGL đến ngày 31.3.2019 đạt hơn 49.039 tỷ đồng, tăng gần 2% so với số đầu kỳ. Trong đó, tài sản dài hạn chiếm 87% tổng tài sản.

Tính tới hết tháng 3.2019, HAGL cho vay ngắn hạn 1.127 tỷ đồng với các công ty có liên quan, tăng gần 78% so với thời điểm đầu năm 2019, chủ yếu là khoản cho vay với Công ty CP Chăn Nuôi Gia Lai đang vay 782,2 tỷ đồng. Khoản cho vay dài hạn với các bên liên quan đạt 6.242 tỷ đồng, tăng 1,83%, trong đó hơn một nửa số này là khoản vay đến từ Công ty CP Chăn nuôi Gia Lai 3.424 tỷ đồng; xếp thứ hai là Công ty CP Lê Me – một công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực cây ăn trái, 2.100,3 tỷ đồng;….

Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả tính đến cuối kỳ đạt 32.277 tỷ đồng, tăng 3,12% so với số đầu kỳ, trong đó tài sản dài hạn 14.490 tỷ đồng chiếm 45% tổng tài sản. Vốn chủ sở hữu đạt 16.761 tỷ đồng, giảm nhẹ và chiếm 34% tổng nguồn vốn. Hệ số Nợ/vốn chủ sở hữu của HAGL tính tới 31.3.2019 là 1,94 lần.

Hoàng Nhật
Cùng chuyên mục