dd/mm/yyyy

Điện Biên: Giúp hội viên giảm nghèo thông qua các chi, tổ hội nghề nghiệp

Trên cơ sở thực hiện tiêu chí "5 cùng", các cấp Hội Nông dân tỉnh Điện Biên đã thành lập các chi hội nghề nghiệp với mục tiêu hướng hội viên, nông dân cùng làm một ngành nghề vào chung một nhóm để có cơ hội giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, xây dựng mô hình kinh tế phù hợp.

  Nhắc tới việc thành lập các chi hội nghề nghiệp với mục tiêu hướng hội viên, nông dân cùng làm một ngành nghề vào chung một nhóm để có cơ hội giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, xây dựng mô hình kinh tế phù hợp phải nói đến Hội Nông dân huyện Tủa Chùa. Đây là một trong những đơn vị điển hình đi đầu trong việc thành lập các chi hội nghề nghiệp, tổ nghề nghiệp theo đặc thù từng địa bàn. Trong đó, đã tập hợp được các hội viên, nông dân dám nghĩ, dám làm, tích cực áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất, vươn lên làm giàu.

Tính đến tháng 3 năm 2020, toàn huyện Tủa Chùa đã có 11 mô hình chăn nuôi tập thể (7 mô hình chăn nuôi dê, 4 mô hình nuôi trâu, bò, lợn sinh sản với 135 hộ tham gia). Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có chi tổ hội chăm sóc thu hái chè Shan Tuyết ở thôn Sín Chải; Chi hội trồng ngô địa phương ở thôn Làng Sảng 1 (xã Tả Sìn Thàng); Chi hội trồng sắn cao sản thôn Huổi Lóng (xã Huổi Só)… Khi tham gia các chi, tổ hội nghề nghiệp, các hội viên, nông dân được hỗ trợ, tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật, thông tin thị trường, các loại giống cây trồng, vật nuôi; cùng chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm…

Điện Biên: Giúp hội viên xóa đói giảm nghèo bằng các chi, tổ hội nghề nghiệp - Ảnh 1.

Mô hình nuôi bò của xã Tả Sìn Thàng

 Hiện tại, huyện Tủa Chùa có 7 chi hội chăn nuôi dê sinh sản, có 99 hộ tham gia được thành lập từ năm 2014. Khi mới thành lập, số dê ban đầu là 1.022 con, đến nay ngoài có ý thức trong cách chăm sóc, phòng bệnh cho đàn dê, các hộ đã bán được 461 con thu 849 triệu đồng, đã phục vụ nhu cầu thực phẩm hằng ngày của các hộ là 289 con và hiện nay còn 719 con.

 Ông Mùa A Páng, Chi hội trưởng Chi hội chăm sóc, thu hái chè Shan Tuyết ở thôn Sín Chải, xã Sín Chải, cho biết: "Chi hội có 14 hội viên, tổng diện tích gần 50ha chè. Chè Shan Tuyết là cây đặc sản, là nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình ở Sín Chải, song thu nhập chưa tương xứng với tiềm năng do cách làm manh mún, nhỏ, lẻ. Chính vì vậy, khi thành lập chi hội, các hội viên rất đồng tình ủng hộ và nhiệt tình tham gia. Thông qua chi hội, hội viên được tiếp cận khoa học kỹ thuật, tiết kiệm chi phí đầu tư, chăm sóc và kiểm soát chất lượng, giá cả đầu ra. Hội viên nông dân được trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, cung cấp thông tin thị trường, thực hiện liên kết 6 nhà (nhà nước, doanh nghiệp, ngân hàng, nhà khoa học, nhà phân phối, nhà nông) theo chuỗi giá trị, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị nông sản".

Điện Biên: Giúp hội viên xóa đói giảm nghèo bằng các chi, tổ hội nghề nghiệp - Ảnh 2.

Chi hội Chăm sóc, thu hái chè Shan Tuyết ở thôn Sín Chải, xã Sín Chải

Tổ hội chăn nuôi bò, dê sinh sản ở thôn Páo Tỉnh Làng 2, xã Sín Chải được thành lập từ tháng 3/2019 với 3 hội viên. Quy mô ban đầu chỉ có 3 con bò, 5 con dê đến nay tổng đàn đã tăng lên 6 con bò và 14 con dê. Hiện Chi hội đã trở thành một trong những tổ hội tiêu biểu trong chăn nuôi trên địa bàn huyện. Ông Giàng A Vảng, chi Hội trưởng cho biết: "Nếu như trước đây, chăn nuôi chủ yếu là thả rông lên rừng, việc chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh bị hạn chế, nhất là vào mùa đông do rét đậm, rét hại làm vật nuôi chết. Khi tham gia tổ hội, được hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ chuyên môn và cùng được với chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi của các hội viên khác. Các hội viên đầu tư chuồng trại, để trồng cỏ, ngô làm thức ăn hàng ngày, nên đàn gia súc phát triển tốt, mang lại giá trị kinh tế cao".

Điện Biên: Giúp hội viên xóa đói giảm nghèo bằng các chi, tổ hội nghề nghiệp - Ảnh 3.

Trong quá trình nuôi đàn dê phát triển tốt tương đối đồng đều, các hộ dân đã có ý thức trong cách chăm sóc, phòng bệnh cho dê.

Cùng với đó, còn có Chi hội trồng sắn tại thôn Nậm Bình, cụm Kan Hồ với 44 hộ tham gia và có diện tích gần 40ha do anh Tẩn A Chíu làm chi hội trưởng cũng ngày một phát triển và cho năng suất cao. Thu nhập từ trồng sắn mỗi năm từ 50 đến 70 triệu đồng/ha. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tủa Chùa, cho biết: "Những mô hình kinh tế của các chi, tổ, hội nông dân đã và đang phát huy hiệu quả tích cực, là những điển hình không cam chịu đói nghèo, quyết chí làm giàu chính đáng; họ còn giúp đỡ người khác cùng vươn lên trên chính mảnh đất quê hương. Tinh thần lao động cần cù, dám nghĩ, dám làm của những hội viên nông dân trong các tổ, hội đã góp phần quan trọng vào việc thay đổi tư duy sản xuất cho người dân vùng cao; thúc đẩy phát triển KT-XH, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn".

Có thể thấy, mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp đã và đang góp phần tích cực vào việc chăn nuôi, trồng trọt theo hướng sản xuất hàng hóa ở tỉnh Điện Biên nói chung, huyện Tủa Chùa nói riêng, giúp hội viên nông dân chủ động hơn trong nền kinh tế thị trường. Ðồng thời khơi dậy tinh thần đoàn kết giúp nhau giảm nghèo bền vững của mỗi người nông dân. 

Thu Hường - Nguyễn Tuyết