Đại biểu Quốc hội tranh luận sôi nổi về đấu giá biển số đẹp

Lương Kết Thứ hai, ngày 29/05/2017 14:17 PM (GMT+7)
"Như ĐB Cảnh nói, từ đầu năm đến nay có 400.000 xe bán ra và số tiền biển số thu được từ người dân lên đến 6.800 tỷ đồng. Làm thế nào mà có con số này?" - ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) nghi ngờ về hiệu quả của việc đấu giá biển số đẹp tại nghị trường sáng nay.
Bình luận 0

img

Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng phải cân nhắc việc đấu giá biển số xe. (Ảnh: VPQH)

Biển số thường cũng là tài sản công?

Sáng 29.5, tại thảo luận của Quốc hội về dự thảo Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), vấn đề đấu giá biển số xe được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tranh luận sôi nổi.

Là người đề nghị bổ sung quy định đấu giá biển xe đẹp tại kỳ họp trước, khi Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào dự án Luật, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho rằng: Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu ý kiến các ĐB khi bổ sung biển số đẹp là tài sản công. Dự luật quy định "kho số khác phục vụ quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật" vào khoản 6 Điều 4 của dự luật.

Tuy nhiên vị ĐB này cho rằng, như vậy vẫn chưa đủ, bởi không chỉ biển số xe đẹp là tài sản công mà cần quy định tất cả các biển số xe đều là tài sản công, không phân biệt đẹp hay không.

ĐB Cảnh tính toán theo cảm quan của ông, với liệt kê cụ thể trong mục series 99.999 số sẽ có khoảng 12.186 số đẹp, dự đoán có 61.500 chủ phương tiện sẽ yêu cầu số theo ngày sinh, ngày cưới, số đặc biệt theo cá nhân họ. Nếu tổng kết 1 series chúng ta có thể thu được 1.639 tỷ đồng.

Ông Cảnh phân tích, khi là tài sản công, biển số xe được xem là đẹp phải là biển số được đa số người đồng ý khi chúng ta thực hiện việc khảo sát. Từng nhóm số đẹp sẽ được phân ra để đấu giá hoặc định giá tùy thuộc vào hiệu quả đem lại cho ngân sách và tính khả thi trong thực hiện.

"Còn các số được cấp theo yêu cầu của chủ phương tiện không thuộc nhóm số đẹp sẽ được quy định chung một mức giá cụ thể, ví dụ 20 triệu đồng cho 1 biển số. Còn với những số cấp ngẫu nhiên thì vẫn thực hiện như hiện nay là không thu tiền" - ĐB Cảnh nói.

"Với số lượng ô tô bán trong năm 2016 là hơn 300.000 chiếc, nếu chúng ta thực hiện chủ trương này trong năm 2016, chúng ta có thể thu được gần 5.000 tỷ đồng. Nếu triển khai tương tự với xe hai bánh thì chúng ta cũng thu được một số tiền tương tự" - ĐB Cảnh nói.

Người dân có quyền bỏ tiền để từ chối lấy biển xấu?

Không đồng tình, Bùi Văn Phương (Ninh Bình) tranh luận, nếu theo ĐB Cảnh tính toán, từ đầu năm đến nay có 400.000 xe bán ra và số tiền biển số thu được từ người dân lên đến 6.800 tỷ.

Theo ĐB Phương cho rằng, thực tế chỉ với những xe "xịn", chủ nhân mới săn tìm biển số đẹp như số phát lộc, phát tài, tứ quý… còn với đa số người dân sau khi mua xe đi đăng ký biển số nếu được số đẹp thì tốt nhưng không được cũng không sao.

“Nếu chúng ta đấu giá thì đấu giá thế nào? Lấy đâu ra con số mấy nghìn tỷ đồng như ĐB tính? Người dân nghe thấy sẽ nghĩ chúng ta bỏ lọt ra ngoài, như vậy thì thiếu sót quá" - ĐB Phương nói.

ĐB Phương nói thêm, liên quan đến Hiến pháp, đến quyền tài sản, nếu biển số đẹp là tài sản Nhà nước đấu giá để người dân mua thì lúc đó, biển số là tài sản của họ.

"Nếu sau này không có nhu cầu, họ bán biển số đi thì lúc đó việc quản lý của nhà nước sẽ thế nào?" - ĐB Phương đặt câu hỏi.

Đồng tình với ĐB Phương, ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) nói thêm, nếu như cử tri hỏi biển số đẹp thì Nhà nước bán như vậy. Còn số không đẹp công dân có quyền bỏ tiền ra từ chối không nhận để đảm bảo công bằng thì có được không?

"Ví dụ số 13, 17 ta vẫn hay nói ba chìm bảy nổi - nếu bấm phải số đấy công dân có quyền từ chối không. Ngoài các biển số xe đẹp, vậy các số khác như số định danh công dân mà công dân cũng có nhu cầu chọn số đẹp thì sao. Quan điểm của tôi là không đồng tình việc bán đấu giá các loại số" - ĐB Thanh Hồng nói.

Cũng tranh luận, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đặt vấn đề, việc kho số đưa ra đấu giá có lợi hàng nghìn tỷ tại sao không đưa vào quy định. Còn việc sửa chữa, điều chỉnh như thế nào thì đã có hướng dẫn cụ thể.

"Tôi lấy ví dụ, cái khó bây giờ là biển số gắn với xe thì dứt khoát khi bán xe, người dân có quyền bán cả số chứ không thể bán xe riêng, số riêng được" - ĐB Ngọc Phương phân tích.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem