dd/mm/yyyy

Cuộc sống mới nơi rốn lũ Mường La

Với khẩu hiệu: “Lá lành đùm lá rách”, Đảng bộ, chính quyền huyện Mường La (Sơn La) đã quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng, vận động nhân dân các dân tộc trong xã Nặm Păm khôi phục sản xuất sau trận lũ lịch sử năm 2017. Sau một thời gian ngắn, cuộc sống của bà con nơi rốn lũ đã ổn định.

Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Mường La đã cùng chung tay phát huy tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực tự cường, nỗ lực phấn đấu vươn lên và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Công tác giảm nghèo nơi đây luôn được quan tâm.

Các giải pháp giảm nghèo ở rốn lũ Mường La	 - Ảnh 1.

Nhờ sự chung tay của các ban ngành, huyện, những ngồi nhà mới đã được dựng lên ở bản Hốc, xã Nặm Păm.

 Chia sẻ với PV báo điện tử Trang Trại Việt, ông Nguyễn Đức Thành, Bí thư huyện ủy Mường La, cho biết: Trận lũ lịch sử 2017 đã cuốn trôi hàng trăm ngôi nhà, trường học, hoa màu, nhiều tuyến đường liên xã, bản bị đất đá vùi lấp, cuộc sống của người dân ở xã Nặm Păm gặp muôn vàn khó khăn. Trước tình hình đó, chúng tôi đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể, huy động doanh nghiệp và các nhà hảo tâm chung tay cùng chính quyền tổ chức quyên góp, hỗ trợ gạo và các nhu yếu phẩm giúp người dân ổn định cuộc sống. Trong 2 năm qua, huyện luôn sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ngân sách vhà nước đầu tư, tu sửa đường sá, trường học, xây dựng nhà ở, các công trình phúc lợi... Đến nay đời sống của người dân đã được nâng cao, yên tâm sản xuất ở chỗ ở mới.

Các giải pháp giảm nghèo ở rốn lũ Mường La	 - Ảnh 2.

Sau bao khó khăn vất vả, cuộc sống của người dân ở vùng lũ Năm Păm đã được ổn định.

Để đời sống của bà con vùng "rốn lũ" xã Nặm Păm ngày càng được nâng cao, huyện Mường La đã thực hiện các giải pháp đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, khuyến khích đầu tư theo hướng phù hợp định hướng chuyển dịch cơ cấu của huyện. Anh Cà Văn Biên, bản Hua Nặm, xã Nặm Păm, cho biết: "Trước kia do mưa lũ tràn đến bất ngờ cuốn trôi nhà cửa, hoa màu của người dân trong bản, cuộc sống lúc đó khó khăn thiếu thốn lắm. Nay nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, chúng tôi đã có cuộc sống ổn định và yên tâm phát triển kinh tế. Chúng tôi được Nhà nước san ủi mặt bằng, xây nhà, dẫn đường ống nước sạch về tận nhà. Đường từ bản ra huyện cũng được sửa sang, tạo điều kiện cho người dân buôn bán hàng nông sản thuận tiện. Hiện gia đình tôi trồng 1ha xoài trên đất dốc để nâng cao thu nhập".

Các giải pháp giảm nghèo ở rốn lũ Mường La	 - Ảnh 3.

Trường THCS và Tiểu học xã Nặm Păm đã được sửa sang, tạo điều kiện cho con em vùng cao yên tâm học tập.

Các giải pháp giảm nghèo ở rốn lũ Mường La	 - Ảnh 4.

Hiện nay, đời sống văn hóa của bà con nhân dân xã Năm Păm đã được nâng cao. Điện, nước sạch, nhà cửa đều được huyện quan tâm đầu tư xây dựng.

 Về  văn hóa, giáo dục, y tế, an sinh xã hội, giảm nghèo trên địa bàn xã Nặm Păm luôn được huyện ủy, UBND huyện Mường La quan tâm triển khai thực hiện đồng bộ. Phát huy những kết quả đã đạt được, tranh thủ thời cơ, khai thác tiềm năng lợi thế để sớm thoát ra khỏi xã nghèo. Tập trung phát triển các loại cây ăn quả trên đất dốc theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo bước chuyển về chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các sản phẩm. Huyện ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới, tiếp tục đầu tư ổn định nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân vùng rốn lũ và tái định cư các công trình thủy điện, các dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Các giải pháp giảm nghèo ở rốn lũ Mường La	 - Ảnh 5.

Trận lũ lịch sự 2017 đã cuốn trôi nhiều hoa màu, nhà cửa, đất đá vùi lấp đường sá... Nay tuyến đường từ Trung tâm xã Nặm Păm ra ngoài huyện Mường La đã được tu sửa và mở rộng.

"Muốn giảm được nghèo bền vững, nâng cao đời sống người dân ở xã Nặm Pặm và các xã khác bị ảnh hưởng bởi trận lũ lịch sử đi lên, không có cách nào khác là phát triển kinh tế, giúp người dân có việc làm với thu nhập ổn định mới thoát được nghèo. Trên cơ sở phân tích, đánh giá, chúng tôi xác định nguyên nhân dẫn đến cái nghèo phần lớn đều là do người dân thiếu vốn, thiếu kiến thức kỹ thuật sản xuất, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún…

Từ đó, chúng tôi đã chỉ đạo Ban xóa đói giảm nghèo phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của xã, như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội CCB…tín chấp với Ngân hàng chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp phát triển nông thôn giúp người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, lãi suất thấp, tạo điều kiện cho người dân yên tâm sản xuất và làm giàu ở địa phương" - ông Nguyễn Đức Thành, Bí thư huyện ủy Mường La, tỉnh Sơn La chia sẻ thêm.

(Dân Việt)