Đóng cửa hơn 200 chi nhánh, lợi nhuận èo uột, chủ tịch HSG tìm thú vui tao nhã

16/04/2019 14:43 GMT+7
Chỉ trong vòng 3 tháng, Tập đoàn Hoa Sen của đại gia Lê Phước Vũ đã cho chấm dứt hoạt động hơn 200 chi nhánh trực thuộc Tập đoàn này với lý do chuyển đổi mô hình quản trị hệ thống phân phối. Động thái này diễn ra trong bối cảnh kết quả hoạt động kinh doanh ngày càng “èo uột”, nợ vay đang là gánh nặng lớn đối với Tập đoàn này.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (Mã CK: HSG) do ông Lê Phước Vũ làm Chủ tịch HĐQT mới đây đã có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM về việc chấm dứt hoạt động chi nhánh trực thuộc tập đoàn.

3 tháng, đóng cửa hơn 200 chi nhánh

Theo đó, ngày 12.4 vừa qua, Tập đoàn Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ đã ban hành Nghị quyết số 22/NQ/HĐQT/2019 về việc chấp thuận chấm dứt hoạt động của 70 chi nhánh trực thuộc Tập đoàn này.

Các chi nhánh bị chấm dứt hoạt động lần này chủ yếu tập trung ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, trải dài từ các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị đến Đắk Lắk, Gia Lai và xuống Bạc Liêu…

Theo Tập đoàn Hoa Sen, việc chấm dứt hoạt động các chi nhánh thực chất là chấm dứt hình thức pháp lý của mô hình phân phối cũ, nằm trong lộ trình chuyển đổi mô hình quản trị hệ thống phân phối theo mô hình chi nhánh tỉnh đã được đại hội cổ đông thường niên thông qua và được HĐQT tập đoàn triển khai từ năm 2018.

“Sau khi chấm dứt hoạt động, 70 chi nhánh này sẽ được chuyển đổi thành cửa hàng (dưới hình thức pháp lý là "địa điểm kinh doanh") trực thuộc Chi nhánh tỉnh nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động”, văn bản này viết.

Tập đoàn Hoa Sen chấm dứt hoạt động nhiều chi nhánh trực thuộc

Đây không phải lần đầu tiên Hoa Sen chấm dứt hoạt động một loạt các chi nhánh. Ngày 24.1, Tập đoàn Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ bắt đầu công bố thông tin về việc HĐQT của doanh nghiệp này ban hành nghị quyết 01 chấp thuận chấm dứt hoạt động của 21 chi nhánh nằm trên địa bàn 2 tỷnh Bình Định và Tây Ninh. Các chi nhánh bị chấm dứt hoạt động bao gồm 13 đơn vị ở Bình Định, và 8 đơn vị tại Tây Ninh.

Lý do được Hoa Sen đưa ra là "tái cấu trúc hệ thống phân phối theo mô hình chi nhánh tỉnh, phục vụ công tác chuyển đổi các chi nhánh thành địa điểm kinh doanh thuộc chi nhánh tỉnh nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động".

Sau khi ban hành nghị quyết 01 giải thể 21 chi nhánh vào ngày 24.1, HĐQT của Tập đoàn Hoa Sen tiếp tục ban hành thêm 5 nghị quyết nữa cũng liên quan đến việc giải thể hàng loạt các chi nhánh từ Bắc vào Nam, với cùng một lý do "tái cấu trúc hệ thống phân phối".

Mới đây, cùng với việc chấm dứt hoạt động các chi nhánh trực thuộc tập đoàn, Tập đoàn Hoa Sen của đại gia Lê Phước Vũ cũng đã quyết định đóng cửa hai văn phòng đại diện tại Hà Nội và TP.HCM nhằm tinh gọn, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức của tập đoàn.

Như vậy, chỉ trong vòng 3 tháng, HĐQT của Tập đoàn Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ đã ban hành 7 nghị quyết giải thể đến 220 chi nhánh và 2 văn phòng đại diện ở hai thành phố lớn nhất cả nước.

Kinh doanh èo uột, vay nợ chồng chất và Lê Phước Vũ lên núi ở ẩn

Việc giải thể ồ ạt các chi nhánh diễn ra trong bối cảnh kết quả hoạt động kinh doanh Tập đoàn Hoa Sen của đại gia Lê Phước Vũ được ghi nhận trong báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2018 sụt giảm đáng kể so với năm 2017.

Cụ thể, lợi nhuận sau thuế năm 2018 của Hoa Sen chỉ còn hơn 409 tỷ đồng, giảm đến 70%. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất trong vòng 4 năm qua. Đáng nói là lợi nhuận sau thuế quý IV. 2018 ghi nhận lỗ trên 100 tỷ đồng. Lãi cơ bản trên cổ phiếu HSG cũng giảm ba lần, còn 1.090 đồng/cổ phiếu.

Báo cáo tài chính cho thấy giá vốn bán hàng và dịch vụ cung cấp cùng với chi phí tài chính của Hoa Sen bị đội lên rất nhiều so với năm 2017. Giá trị chênh lệch của hai khoản mục trên lần lượt là hơn 8.700 tỷ và hơn 380 tỷ đồng. Chỉ riêng các khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái đã làm chi phí tài chính của Hoa Sen đội lên trên 93 tỷ đồng.

Lợi nhuận kinh doanh “bết bát” của Hoa Sen có một phần nguyên nhân đến từ con số nợ vay “khổng lồ” của tập đoàn này. Tại thời điểm 30.9.2018, tổng vay nợ của Hoa Sen là hơn 14.300 tỷ đồng, tăng gần 2.500 tỷ đồng (21%) so với niên độ tài chính trước và chiếm gần 70% vốn.

Theo báo cáo tài chính quý I niên độ 2018-2019, Tập đoàn Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ đạt doanh thu thuần 7.545 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ song lợi nhuận sau thuế của Hoa Sen chỉ vỏn vẹn 60,7 tỷ đồng, giảm tới trên 81% so với cùng kỳ. Tổng nợ vay giảm khoảng 2.000 tỷ xuống còn 12.157 tỷ đồng.

Dù tình hình kinh doanh khó khăn nhưng Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen Lê Phước Vũ vẫn lạc quan về tương lai của doanh nghiệp và cho rằng công ty đã nhanh chóng giảm hàng tồn kho và nợ vay, dư nợ vay đã giảm từ 16.000 tỷ đồng về khoảng 12.000 tỷ đồng đến thời điểm tháng 1.2019.

Ông Lê Phước Vũ cho rằng để tạo dựng được vị thế vững chắc và sống sót qua giai đoạn khó khăn, Hoa Sen phải có ít nhất 1.000 cửa hàng. Nhưng năm 2018, tập đoàn đã không thể mở thêm 100 cửa hàng, khiến ban lãnh đạo phải dừng ngay việc đầu tư để quản lý hàng tồn kho.

Ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen

Người đứng đầu Tập đoàn Hoa Sen cũng khẳng định, kế hoạch năm 2019 đặt sự an toàn, thận trọng lên trên hết. Đây là giai đoạn phòng thủ.

Khó khăn chồng chất, nhưng Chủ tịch Lê Phước Vũ cho biết mỗi tháng chỉ đến Tập đoàn 2 lần, mỗi lần cũng chỉ 2 tiếng đồng hồ, hàng ngày cũng thi thoảng mới gọi cho Tổng Giám đốc một cuộc điện thoại hay Phó Chủ tịch một cuộc điện thoại".

Lý do khiến ông Lê Phước Vũ ít có mặt tại Hoa Sen chính là vì hiên tại Hoa Sen đã có một ban lãnh đạo đã có sự va chạm, sự mài dũa và đạt độ chín nhất định. Chính vì vậy, ông Lê Phước Vũ đã tìm cho mình một cuộc sống tao nhã hơn đó là “ẩn mình” trên núi.

Theo Danviet
Cùng chuyên mục