dd/mm/yyyy

Chuyện một thầy giáo bỏ phố lên rừng ​

Chia sẻ của thầy giáo Nguyễn Thanh Tùng, 49 tuổi về quyết định rời bỏ Hà Nội để lên cao nguyên Mộc Châu sinh sống…

Khi quyết định chuyển cả nhà từ Hà Nội lên Mộc Châu sinh sống, tôi mất ngủ một tuần.

So với nhiều người, cuộc sống gia đình tôi ở Hà Nội đang rất ổn. Chúng tôi sinh sống ở một trong những khu chung cư đắt đỏ nhất thủ đô. Tôi và vợ điều hành trung tâm dạy Toán cho các em học sinh từ lớp 1 đến lớp 12, thu nhập ổn định, đủ để có cuộc sống tốt giữa Thủ đô.

Chuyện một thầy giáo bỏ phố lên rừng  - Ảnh 1.

Thầy giáo Nguyễn Thanh Tùng.

Gia đình tôi là dân Hà Nội gốc, nhưng có truyền thống đến một giai đoạn nào đó trong cuộc đời đều bỏ Hà Nội để đi sinh sống ở nơi khác. Ông tôi sống dưới chân núi Bài Thơ, bố tôi chọn vùng Côn Sơn-Kiếp Bạc, còn tôi lại thích vùng cao nguyên Mộc Châu bốn mùa hoa trái trĩu trịt này.

Thực ra quyết định chuyển lên Mộc Châu sống đến một cách tình cờ và tự nhiên. Những ngày cuối tuần, chán nản Thủ đô ồn ào và khói bụi, tôi và cả gia đình thường rong ruổi đến những mảnh đất xa xôi. Không như những vùng miền khác bị xâm chiếm bởi đô thị hoá nặng nề và tàn bạo, Mộc Châu vẫn giữ nguyên những nét mộc mạc, dân dã. Khí hậu mát mẻ, sản vật phong phú, người dân hiền lành, thân thiện. Tôi chợt nghĩ: tại sao mình không lên đây sinh sống?

Chuyện một thầy giáo bỏ phố lên rừng  - Ảnh 2.

Cao nguyên Mộc Châu.

Mọi thứ sau đó đơn giản đến không ngờ. Tôi mua lại mảnh đất của người bạn với giá rất rẻ, một người bạn khác ngỏ ý tặng tôi một căn nhà sàn. Cuộc sống trên này cũng không tốn kém, chỉ vài triệu đồng là cả nhà đủ sinh hoạt trong một tháng. Và điều quan trọng nhất là tôi vẫn được tiếp tục những công việc mình đang dang dở, tâm huyết. Các giáo viên tại trung tâm sau thời gian dài làm việc đã chững chạc. Tôi có thể quản lý công việc từ xa, vẫn có thể dạy học. Nghĩ đến cảm giác bật máy tính lên, ngồi dạy bọn trẻ con giữa khung cảnh rừng núi thật là tuyệt.

Song điều khiến tôi băn khoăn nhất chính là việc học của các con. Con trai út sau 1 tháng sống ở Mộc Châu, nó bảo với bố: “Con không muốn sống ở Hà Nội nữa. Tại sao cả nhà ta không chuyển lên Mộc Châu đi?”. Và thế là những nặng lòng níu kéo đã được giải toả. Cả gia đình tôi khăn gói quả mướp lên Mộc Châu, dù cũng chưa hình dung được hết những điều gì đang đợi mình phía trước.

Nhiều người lo ngại việc học hành của lũ trẻ sẽ bị ảnh hưởng khi chuyển đến những vùng sâu, vùng xa. Song tôi lại có quan niệm khác. Con gái thứ 2 của tôi đã nghỉ học từ năm lớp 10 để tự học ở nhà. Sau hơn một năm áp dụng phương pháp này, con đã có kỹ năng tự học rất tốt, thậm chí còn đi dạy thêm tiếng Anh và tiếng Đức cho các em nhỏ, đồng thời bổ túc kỹ năng tự học cho các bạn cùng lứa. Khi con út lên Mộc Châu, vợ chồng tôi cũng thống nhất sẽ cho con tự học ở nhà, không đến trường.

Thông thường, người lớn mong muốn những điều hoàn hảo, trang bị kiến thức toàn diện cho lũ trẻ. Song quan điểm giáo dục của tôi chỉ gói gọn trong 2 chữ: gợi mở. Giáo dục không phải là áp đặt kiến thức cho lũ trẻ, giáo dục chính là gợi mở cho trẻ những vấn đề để chúng tự nghiên cứu. Năng lực vượt trội của trẻ con chính là tự lấp đầy. Theo quan điểm của tôi, kiến thức ở nhà trường phổ thông hiện đang quá nặng, chúng ta đừng bắt bọn trẻ con học quá nhiều sách vở. Mà hãy dạy chúng tự học, tự đọc. Vận dụng được kiến thức mới là điều quan trọng nhất.

Chiêm nghiệm lại cả quãng đường đời bôn ba ngang dọc với đồng tiền, tôi nhận ra khi càng kiếm được nhiều tiền, tôi lại sống không hạnh phúc. Song sau mỗi giai đoạn thất bại, khi lui về liếm láp vết thương, sống yên an tự tại, tôi lại thấy chính thời khắc đó mình mới hạnh phúc. Ở tuổi 49, tôi bắt đầu mày mò học việc dựng nhà sàn, làm chuồng trại, trồng cây, nuôi gà… Sẽ vất vả hơn rất nhiều so với việc nằm trong phòng điều hoà mát lạnh, lái xe đi ăn nhà hang sang trọng. Song cuộc sống mới giữa chốn thiên nhiên đem lại cho tôi và gia đình nhiều điều hứng khởi.

Thời trẻ, như bao thanh niên, tôi khao khát làm những việc kỳ vĩ, thay đổi thế giới. Tôi muốn kiếm thật nhiều tiền, mở ra những ngôi trường hoành tráng, hiện đại.

Còn bây giờ, hạnh phúc của tôi chỉ đơn giản được là chính mình. Và làm những điều mình thích./.

Tố Uyên