dd/mm/yyyy

Chuyện lạ Quảng Trị: Lội suối xem người Pa Kô xúc cá...đoán mệnh

Sau ngày cưới, cô con dâu sẽ được mẹ chồng dẫn ra sông, ra suối dùng rớ (làm bằng vỏ cây hoặc cước…) xúc cá. Tùy vào “chiến lợi phẩm” bắt được như cá, tôm, ốc hay cua cô dâu bắt được sẽ đoán biết được tính cách, số phận của con dâu sau này. Đây là một tục lệ thú vị được bà con người dân tộc Pa Kô

Mẹ chồng... rửa chân cho con dâu mới

Sau cuốc xe máy hơn 100km, tôi dựng chân chống trước ngôi nhà sàn bằng gỗ của già làng Côn Liên (trú thôn A Đăng) - nguyên là Chủ tịch UBND xã Tà Rụt (huyện Đăkrông, tỉnh Quảng Trị). Không kịp nghỉ ngơi, già Liên kéo tôi đi dự đám cưới. Vậy là lần đầu tiên tôi trở thành vị khách đặc biệt trong lễ cưới của đôi vợ chồng trẻ Hồ Văn Đà và Paling Thị Hà ở thôn A Pun (Tà Rụt).

Chuyện lạ Quảng Trị: Lội suối xem người Pa Kô xúc cá...đoán mệnh - Ảnh 1.

Cô con dâu Paling Thị Hà (trái) được chị ruột, mẹ chồng và bố chồng đưa ra suối U Sau xúc cá sau ngày cưới để đoán số phận, tính cách sau này của mình.  Ảnh: Ngọc Vũ

Giữa không gian núi rừng xanh thẳm, tôi bước vào ngôi nhà sàn nhỏ của chú rể nằm bên triền núi. Ở đó, họ hàng hai bên gia đình cô dâu, chú rể đã quây quần bên nhau và nhường sẵn cho tôi một chỗ. Họ trò chuyện với nhau bằng tiếng Pa Kô, già làng Côn Liên dịch lại cho tôi nghe. Bên ngoài, nhiều đám thanh niên tụm ba, tụm bảy cười nói, hát và múa để chung vui đám cưới.

Già Liên cho biết, trai gái người Pa Kô đủ 18 tuổi trở lên sẽ đi sim, nói chuyện, tâm tình. Cặp đôi nào yêu nhau, muốn cưới thì con trai sẽ về nhà xin tiền bố mẹ rồi đến “bỏ của” ở nhà con gái sau đó thống nhất tổ chức lễ cưới. Lễ bỏ của giống lễ đính hôn của người miền xuôi.

Lễ cưới ngày xưa của người Pa Kô diễn ra linh đình với rất nhiều lễ vật như trâu bò, tiền, đồng bạc, vòng bạc thời Pháp, kiềng, hạt… Chính vì tục thách cưới cao như vậy nên nhiều chàng trai nghèo không lấy được vợ. Nay thì người Pa Kô bỏ bớt tục thách cưới, lễ vật đơn giản và ít tốn kém cho nhà trai nên ai cũng lấy được vợ.

Lễ cưới của người Pa Kô diễn ra trong 2 ngày. Ngày đầu tiên nhà trai đưa lễ vật sang nhà gái, ăn uống hát hò vui chơi. Ngày thứ hai sẽ tổ chức đón dâu về nhà chồng. Tôi may mắn được dự đám cưới của vợ chồng Đà - Hà trong ngày thứ hai.

Chuyện lạ Quảng Trị: Lội suối xem người Pa Kô xúc cá...đoán mệnh - Ảnh 2.

Chuyện lạ Quảng Trị: Lội suối xem người Pa Kô xúc cá...đoán mệnh - Ảnh 3.

Paling Thị Hà (áo xanh) cùng mẹ chồng tin rằng với hai con cá trắng và cá trơn xúc được thì sau này gia đình Hà sẽ hạnh phúc, giàu có. Ảnh: Ngọc Vũ.

Đoàn rước dâu họ nhà gái ăn mặc bắt mắt, trong đó cô dâu Hà được mặc bộ váy đẹp nhất, nhiều trang sức nhất và trở thành nhân vật chính của buổi lễ. Trước khi bước vào nhà chồng, cô dâu phải dừng chân ở cầu thang nhà sàn, cởi giày dép ra đặt chân lên viên đá cuội nhặt từ ngoài suối. Mẹ chồng sẽ múc nước từ chậu nước đặt cạnh bên rửa chân cho con dâu để rũ bỏ những uế tạp, bụi trần trước đây. Chân cô dâu đặt lên hòn đá cứng để cầu mong sức khỏe, sống lâu, bền như đá.

Thủ tục rửa chân xong, cô dâu tiến vào nhà chồng làm lễ bái gia tiên và cùng chung vui chén rượu, đàn hát cùng gia đình, làng xóm đến khi mặt trời xuống núi.

Tối đến, bố mẹ chồng sẽ chuẩn bị cho cô dâu, chú rể  1 con gà, 1 đĩa xôi đặt cúng bàn thờ tổ tiên. Sau khi đôi vợ chồng quỳ trước bàn thờ, ông bố sẽ chia đôi cho mỗi người một nửa lá gan con gà và một nắm xôi. Trong khi hai con đang ăn thì ông bố sẽ bẩm báo với tổ tiên rằng hai người đang ăn kia là vợ chồng, mong tổ tiên ban phúc, ban sức khỏe. Sau bữa ăn tân hôn ấy, họ mới chính thức trở thành vợ chồng, được ngủ chung giường.

Xúc cá đoán tương lai

Buổi sáng sau ngày cưới, Paling Thị Hà được mẹ chồng là Hồ Thị Mứt và chị ruột Paling Thị Thu dẫn ra suối U Sau cách nhà 10 phút đi bộ để tiến hành tục xúc cá.

Sau vài phút loay hoay với chiếc rớ làm bằng cước, Paling Thị Hà reo lên: “Con xúc được hai loại cá trắng và cá trơn mẹ ơi”. Nghe vậy, bà Mứt cười tươi tỏ vẻ vui mừng và nói với tôi rằng, xúc được cá trơn (cá màu đen, láng bóng, trơn) thì con dâu tuy hơi bướng bỉnh nhưng lại biết làm ăn, nhanh nhẹn, thông minh. Còn xúc trúng con cá trắng (cá màu trắng) thì con dâu là người thảo hiền, nhanh nhẹn, biết nghe lời bố mẹ, làm ăn giỏi, gia đình sau này sẽ khá giả, hạnh phúc. Và tất nhiên con dâu bà Mứt xúc được hai loại cá trên sẽ hội tụ nhiều điều tốt đẹp.

Bà Mứt cho hay, nếu con dâu xúc được cá bống (đầu to đuôi nhỏ, màu đen) thì con dâu sẽ rất siêng năng, làm ăn kinh tế giỏi, chỉ có điều hơi luộm thuộm trong sinh hoạt cá nhân. Nếu xúc con tôm thì vợ chồng sẽ gặp trắc trở, cãi vã nhau cuối cùng con dâu sẽ lùi bước bỏ về nhà mẹ đẻ như con tôm bơi lùi. Nếu xúc trúng con cua thì con dâu sẽ chậm chạp, làm ăn không nên, tính cách cũng ngang bướng bởi con cua đi ngang, lại chậm chạp. Con ốc là loại không ai mong muốn bởi nếu xúc trúng thì con dâu không biết làm ăn, gia đình sinh ra ồn ào, to tiếng, không ổn định và hay đau ốm.

Già Côn Liên cho biết,  với tục xúc cá, dù chưa có thống kê nhưng ứng nghiệm với những người trong thôn A Đăng nơi già sống thì tỷ lệ đúng khá cao. Như để chứng minh, già Liên dẫn tôi đến gặp vợ chồng chị Hồ Thị Rổ (SN 1987, A Đăng, Tà Rụt). Trong ngôi nhà bề thế thuộc diện nhất xã, chị Rổ cho biết vợ chồng chị cưới năm 2005. Chị xúc được cá bống và cá trơn. Ngày ra ở riêng, vợ chồng chị chỉ dựng được túp lều bằng tranh, thiếu đói triền miên. Nhưng nhờ chị siêng năng, lanh lẹ trong việc buôn bán nông sản cho bà con quanh xã nên giờ đây gia đình chị đã khấm khá. Chị Rổ còn lấy ví dụ cho tôi về gia đình chị dâu H.T.T. Ngày lấy chồng chị T xúc trúng con cua, vợ chồng dù đã có 4 người con nhưng vẫn ly hôn.

Bà Hồ Thị Kim Cúc - Phó Chủ tịch UBND huyện Đăkrông cho biết, phong tục xúc cá đoán vận số, tính cách con dâu của người Pa Kô đã có từ lâu đời. Đây là một nét văn hóa đẹp và độc đáo riêng của đồng bào Pa Kô, muốn nói lên tính giáo dục trong cuộc sống, được người Pa Kô đúc rút kinh nghiệm từ nghìn đời xưa nên đến nay vẫn được giữ gìn lưu truyền cho con cháu, sau khi các cô gái về nhà chồng đều thực hiện nghi thức này. Tuy vậy, bà con nơi đây vẫn xem đó chỉ là tín ngưỡng về văn hóa của mỗi dân tộc chứ không lệ thuộc làm ảnh hưởng đến cuộc sống.

Ngọc Vũ