dd/mm/yyyy

Chuyện “gã gàn” bắt sâm Ngọc Linh “sống” ở Sơn La

Âm thầm trong 9 năm trời vào Nam, ra Bắc không biết bao nhiêu chuyến để “tầm sư học đạo” về kinh nghiệm trồng sâm Ngọc Linh. Nhiều người buông lời can ngăn ý tưởng trồng sâm Ngọc Linh ở Sơn La… Bẵng đi nhiều năm, hôm rồi nghe bảo “gã gàn” đã thành công bước đầu khi “bắt” sâm Ngọc Linh “sống” được ở Sơn La.

Ý tưởng gàn dở ?

"Gã gàn" đó chính là ông Nguyễn Chí Long, Giám đốc công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng Thành Long, thị trấn Hát Lót (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La). Còn nhớ Chừng 9 năm trước, trong một lần gặp "gã gàn" ở vùng biên giới huyện Sông Mã (Sơn La), nơi có dòng sông Mã từ thượng nguồn đổ xuôi, uốn lượn như dải lụa hồng rồi bỗng nghiêng mình để chảy qua nước bạn Lào. Dòng sông Mã huyền thoại này không những đã đi vào thơ ca, chứng kiến bao thăng trầm lịch sử mà đây chính là dòng sông từ lâu đã gắn kết và khắc ghi tình đoàn kết, hữu nghị của nhân dân hai nước Việt-Lào anh em…

Clip: Thành công bước đầu trong việc gieo trồng sâm Ngọc Linh ở Sơn La

 Còn nhớ thời điểm gặp "gã gàn", trong câu chuyện của mình, "gã gàn" cứ thao thao câu chuyện sẽ đưa cây sâm Ngọc Linh về với Sơn La. Bởi theo lời "gã gàn", nếu sâm Ngọc Linh sống được ở đất Sơn La, ngoài việc khơi dậy tiềm năng đất đai, khí hậu để trồng cây dược liệu thì người dân địa phương sẽ thêm cơ hội để làm giầu trên chính mảnh đất của mình và sẽ giữ được rừng. Khi đó, trong chúng tôi chả ai tin lắm vào việc sẽ trồng thành công cây sâm Ngọc Linh ở vùng đất này. Bởi nói đến cây sâm Ngọc Linh, nó như một thứ xa xỉ và quá cao xa. Và cũng để cây sâm Ngọc Linh sống được ở vùng đất Sơn La, ngoài việc đòi hỏi kỹ thuật thì vấn đề vốn đầu tư cũng là câu chuyện đáng để phải nghĩ tới mà không phải ai cũng dám đầu tư.

Chuyện “gã gàn” bắt sâm Ngọc Linh “sống” ở Sơn La - Ảnh 2.

Thời điểm bắt đầu gieo trồng sâm Ngọc Linh bằng hạt, nhiều người cho rằng khó có thế nẩy được mầm.

Sau lần gặp "gã gàn"  với chủ đề xoay quanh câu chuyện về cây sâm Ngọc Linh, lại vô tình gặp "gã gàn" một lần nữa ở xã Chiềng Chung (huyện Mai Sơn). Câu chuyện giữa chúng tôi vẫn là chủ đề về cây sâm Ngọc Linh. Tuy nhiên, câu chuyện lần này đã thực sự cuốn hút chúng tôi khi được biết: Mấy năm qua, "gã gàn" vẫn theo đuổi ý tưởng trồng sâm Ngọc Linh ở các xã, bản vùng cao của Sơn La và đã có thành công bước đầu khi cây sâm giống được mang về đã trồng phát triển rất tốt.

Khi biết cây sâm Ngọc Linh có thể sống được ở vùng Tây Bắc nói chung, Sơn La nói riêng, "gã gàn" lại âm thầm lang thang và ăn rừng, ngủ rừng khắp các cánh rừng già ở Sơn La. Hễ nghe bảo ở vùng nào có khí hậu lạnh với sương mù quanh năm hay có độ cao đủ cho cây sâm sống được là "gã gàn" lại quyết tìm đến cho bằng được để tìm hiểu.

Như để khẳng định về việc cây sâm Ngọc Linh có thể phát triển được ở vùng Tây Bắc nói chung, Sơn La nói riêng, ông Nguyễn Chí Long bảo: Hơn 1 tỷ đồng tiền giống mua về được trồng "lén lút" dưới những tán rừng tại các xã, bản vùng cao của huyện Sông Mã, huyện Mai Sơn-nơi phải đi bộ rất xa mới đến nơi, vì đây cũng là nơi có độ cao trên 1.600m so với mặt nước biển. Lúc mua về, cây giống chỉ hơn gang tay. Chỉ sau 6 tháng cây đã phát triển gấp 3 lần, thân mập, lá bóng nhẫy… Tuy nhiên, do cũng trồng thử nghiệm nên không có ai trông nom, bảo vệ nên hơn tỷ đồng tiền giống này đã "đổ sông, đổ biển" do bị nhổ trộm hết sau khi trồng được hơn 1 năm. Mặc dù mất tiền, nhưng qua đó mới thấy điều kiện khí hậu, đất đai ở Sơn La có thể trồng được các cây dược liệu quý, trong đó có sâm Ngọc Linh.

Chuyện “Gã gàn” bắt sâm Ngọc Linh “sống” ở Sơn La - Ảnh 4.

Không ai nghĩ sâm Ngọc Linh có thể phát triển được như này ở Sơn La khi gieo bằng hạt.

Thấy "gã gàn" bị cây sâm Ngọc Linh hút hồn như vậy, cùng là cánh doanh nghiệp với nhau ở trong tỉnh và ngoài tỉnh lại tiếp tục góp ý những lời khuyên ngăn, thậm chí có cả các lãnh đạo thuộc những sở ngành của tỉnh cũng bảo đừng làm vì chưa có ai đi trước để rút kinh nghiệm. Bởi theo họ cứ làm xây dựng với chức năng nhiệm vụ đang có thì sẽ là tiền tươi thóc thật, chứ đầu tư vào cây sâm Ngọc Linh trên vùng đất còn đầy dấu hỏi chấm, chẳng khác mò mẫm một mình trong rừng để vén màn sương dày đặc trong những cách rừng nguyên sinh chưa ai từng đặt chân đến là một sự đánh đổi đầy mạo hiểm.

Chủ trương được chấp thuận

Tiếp tục bỏ ngoài tai và chỉ cười trừ trước những lời khuyên can thực tâm của mọi người, "gã gàn" vẫn quyết tâm đốt cháy ý tưởng "bắt cây sâm Ngọc Linh sống được ở Sơn La", nơi mà chưa ai từng dám đầu tư tiền của, công sức để thử sức một lần.

Những ngày lang thang, ăn ngủ khắp các cánh rừng, cuối cùng "gã gàn" cũng đã tìm được nơi ưng ý để thử sức với cây sâm Ngọc Linh. Đó là các bản vùng cao, nằm cheo leo trên những đỉnh núi quanh năm mây mù bao phủ với độ cao từ 1.600m trở lên so với mặt nước biển.

Chuyện “gã gàn” bắt sâm Ngọc Linh “sống” ở Sơn La - Ảnh 5.

Sau khi gieo xong hạt giống sâm Ngọc Linh, sẽ tiếp tục rải một lớp đất và mùn lên phía trên.

Với mục tiêu trồng dược liệu không để ảnh hưởng đến diện tích rừng tự nhiên, "gã gàn" đã chọn những khu vực đất trống, đồi chọc và những khu chỉ là rừng chuối, lau lách để làm khu trồng thử nghiệm và đánh giá hiệu quả. Sau nhiều năm đúc rút được kinh nghiệm kết hợp việc mời thêm chuyên gia về sâm Ngọc Linh tư vấn, "gã gàn" đã đưa sâm Ngọc Linh về sống được ở Sơn La bằng cách gieo trồng bằng hạt. Song hành với đó, "gã gàn" còn mua cây giống đủ các loại năm tuổi về trồng, thậm chí còn "ném" xuống đất cả những củ sâm từ 7 đến 10 năm tuổi để trồng thử để đánh giá hiệu quả...

Ngày 30/11/2019, sau khi được UBND tỉnh Sơn La chấp thuận chủ trương theo Quyết định số 2467/QĐ-UBND ngày 2/10/2019 về đầu tư dự án trồng cây dược liệu dưới tán rừng tại bản Sam Ta, bản Ít Hò (xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La), "gã gàn" đã trực tiếp cùng với công nhân gieo những hạt sâm Ngọc Linh bé như hạt đậu với giá 110.000 đồng/hạt lên khu nhà lưới gieo trồng thử nghiệm.

Hôm có mặt chứng kiến "gã gàn" vừa gieo hạt vừa giới thiệu về cây sâm Ngọc Linh cùng kế hoạch sẽ tạo công ăn việc làm, tạo nguồn thu nhập cho người dân địa phương mà chúng tôi vẫn có cảm giác đầy mơ hồ. Bởi nhìn những hạt sâm Ngọc Linh màu trắng như ngà, bé như hạt đậu được gieo xuống đất mà thấy khó có thể đâm trồi được. Bởi qua tìm hiểu đây là loài thực vật rất khó tính để có thể trồng được, nhất là gieo ươm bằng hạt ở một vùng đất có gió Lào khắc nghiệt như Sơn La.

Chuyện “gã gàn” bắt sâm Ngọc Linh “sống” ở Sơn La - Ảnh 7.

Sau 3 tháng gieo bằng hạt tại khu nhà lưới, tỷ lệ hạt nẩy mầm đạt trên 90%.

Còn nhớ hôm gieo hạt, "gã gàn" Nguyễn Chí Long chỉ tay vào mấy luống đất vừa gieo xong hạt nói chắc như đinh đóng cột: "Hôm nay là 30/11/2019, đến tầm tháng 4 sang năm (năm 2020-PV), với số hạt và số giống trị giá gần 3 tỷ đồng này sẽ được đổi lại là màu xanh tươi tốt". Quả thực khi nghe "gã gàn" nói như vậy, tôi vẫn chỉ biết gật đầu vì chưa đủ niềm tin…!

Chuyện “gã gàn” bắt sâm Ngọc Linh “sống” ở Sơn La - Ảnh 8.

Những cây sâm Ngọc Linh được gieo từ hạt tại bản Sam Ta phát triển cứng cáp, thân mập... khiến nhiều người bất ngờ.

 Còn nhớ sau khi gieo xong hạt giống, tại bữa cơm trưa trong lán được quây bằng bạt cùng mấy chục công nhân trên đỉnh núi của bản Sam Ta, "gã gàn" bảo: "Chỗ đang ngồi ăn cơm này có độ cao 1.630m so với mặt nước biển, đỉnh cao nhất là trên 2.000m. Đề án của công ty ngoài việc tạo công ăn việc làm cho đồng bào nơi đây, gắn trồng sâm với giữ rừng thì mục tiêu hướng tới là tạo ra được những sản phẩm dược liệu quý với giá thành bình dân mà người dân Sơn La nào cũng có thể rút được tiền trong túi của mình ra để mua về dùng mà không phải lo về giá thành quá cao".

Mầm xanh của những nỗ lực

Giữa tháng 2, tôi khá bất ngờ khi nhận được thông tin qua điện thoại từ một người bạn về khu trồng thử nghiệm bằng hạt sâm Ngọc Linh của "gã gàn" trên đỉnh Sam Ta đã đâm trồi và phát triển rất tốt thay vì phải chờ đến tháng 4 như trước đó dự tính.

Chuyện “Gã gàn” bắt sâm Ngọc Linh “sống” ở Sơn La - Ảnh 9.

Giữa tháng 2/2020, sâm Ngọc Linh được gieo bằng hạt đã phát triển rất tốt và sớm hơn dự kiến ban đầu là tháng 4 mới nẩy mầm.

Ngay sau đó, qua điện thoại trao đổi với "gã gàn" về câu chuyện sâm Ngọc Linh trên đỉnh Sam Ta, "gã gàn" cười bảo: "Tôi cũng không nghĩ tỉ lệ cây nẩy mầm cao như vậy. Quãng thời gian chờ hạt nẩy mầm cũng mất ăn, mất ngủ với nó nhiều lắm. Sơ sơ cũng quẳng vào đó nhiều tỷ đồng để có được kết quả bước đầu như vậy. Cây phát triển rất tốt, ngoài dự tính ban đầu. Vậy là ông trời đã không phụ lòng mình…".

Làm việc với phóng viên báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt/Trang Trại Việt, ông Hoàng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, cho biết: "Phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Sơn La là một tiềm năng cần được đánh thức. Tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp đủ nguồn lực và công nghệ để phát triển được tiềm năng này. Đây cũng là một trong những chủ trương được tỉnh Sơn La ban hành và đặc biệt quan tâm. Phát triển thành công vùng trồng cây dược liệu sẽ tạo được công ăn việc làm trước mắt cũng như lâu dài cho các lao động tại cơ sở, góp phần bảo tồn, phát triển được nguồn dược liệu quý và sớm hình thành vùng sản xuất nguồn dược liệu hàng hóa tập trung với quy mô lớn".

Mấy hôm sau, gặp lại "gã gàn" trên đỉnh Sam Ta, nơi mà những luống đất đầu tiên gieo hạt đã được phủ bởi màu xanh của những cây sâm Ngọc Linh cao chừng gang tay với thân mập, lá xanh mướt. Trong khu trồng thử nghiệm, tôi thấy "gã gàn" đã đầu tư thêm cả hệ thống tưới ẩm tự động và đồng hồ đo nhiệt độ, độ ẩm cùng những thiết bị khác để đảm bảo cây sâm sinh trưởng tốt…

Chỉ tay vào những cây sâm Ngọc Linh, "gã gàn" bảo: "Đây là thành công bước đầu và cũng là cơ sở để tiếp tục đánh giá về hiệu quả của cây sâm Ngọc Linh trồng ở vùng đất Sơn La. Cũng phải nói thật, nếu tỉnh Sơn La không có chủ trương khuyến khích, tạo điều kiện cho việc phát triển cây dược liệu, trong đó có cây sâm Ngọc Linh thì sao có được thành quả như ngày hôm nay. Bởi có ý tưởng, điều kiện thiên nhiên thuận lợi, nhưng nếu không có sự đồng hành của cấp ủy, chính quyền tỉnh Sơn La thì khó có thể phát triển được các vùng trồng dược liệu quy mô lớn".

Chuyện “Gã gàn” bắt sâm Ngọc Linh “sống” ở Sơn La - Ảnh 11.

Hiện tại, cây sâm giống đã có nhiều người trả giá cao, nhưng "gã gàn" không bán vì muốn phát triển nhiều hơn nữa và sẽ cung cấp cây giống miễn phí cho các hộ ở bản Sam Ta.

"Việc phát triển cùng trồng cây dược liệu trong giai đoạn tới sẽ mở ra cơ hội lớn cho các địa phương tham gia thị trường trong nước, quốc tế về dược liệu và các sản phẩm có nguồn gốc từ tự nhiên. Do vậy, nhiệm vụ của các cấp chính quyền, người dân trên địa bàn tỉnh Sơn La, nhất là các vùng có tiềm năng, lợi thế phát triển cây dược liệu quý cần phải gìn giữ, phát huy thế mạnh về cây dược liệu. Tiềm năng dược liệu của tỉnh Sơn La không chỉ được đánh thức bằng khoa học và công nghệ, mà cần phải được đánh thức bằng sự gắn kết, trách nhiệm, tận tâm của cấp ủy, chính quyền các cơ sở cũng như nguồn lực của các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư". Ông Hoàng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La trao đổi như vậy khi nói về chủ trương của Sơn La trong phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Chuyện “gã gàn” bắt sâm Ngọc Linh “sống” ở Sơn La - Ảnh 12.

Riêng tiền hạt giống gieo đầu tiên ở hai luống đất ngày 30/11/2019 trị giá gần 1,5 tỷ đồng.

Nói về kế hoạch dài hơi trong thời gian tới, "gã gàn" Nguyễn Chí Long, chia sẻ thêm: "Để trồng và giữ được cây dược liệu, nhất là cây sâm Ngọc Linh, cần phải giữ được rừng. Bởi sâm là loại cây đặc hữu, đời sống của nó không thể tách rời khỏi được rừng. Do vậy, thực tế cho thấy phải biết kết hợp giữa việc giữ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên của rừng với việc trồng sâm dưới tán rừng. Để làm tốt việc giữ rừng và trồng sâm, cần phải tuyên truyền, vận động nhân dân từ bỏ việc phá rừng làm nương rẫy, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và sinh kế được từ rừng mà không ảnh hưởng tới rừng".

Chuyện “gã gàn” bắt sâm Ngọc Linh “sống” ở Sơn La - Ảnh 13.

Một trong những cây sâm Ngọc Linh được trồng thử nghiệm bằng củ sâm 7 năm tuổi đã phát triển rất tốt.

Chuyện “Gã gàn” bắt sâm Ngọc Linh “sống” ở Sơn La - Ảnh 14.

Một củ sâm 10 năm tuổi được trồng từ tháng 1/2020, hiện đã phát triển cao hơn gang tay.

Còn nhớ cảm giác hôm lên thăm lần thứ 2 khu trồng sâm Ngọc Linh của "gã gàn". Lúc đó, đi giữa những luống sâm xanh mướt được gieo từ hạt với cảm giác thật khó tả. Nghe mấy anh công nhân bảo: Với giá một cây sâm giống như hiện nay thì mấy luống này cũng trị giá nhiều tỷ đồng, chưa kể…mà thôi nếu tính toán thế làm sao có thể cân đo đong đếm hết công sức, tâm huyết mà trong 9 năm qua "gã gàn" Chí Long đã bỏ ra để có được thành công bước đầu như ngày hôm nay. 

Chuyện “gã gàn” bắt sâm Ngọc Linh “sống” ở Sơn La - Ảnh 15.

Sâm được trồng thử bằng củ từ 7 đến 10 năm tuổi đã phát triển rất tốt.

Chuyện “gã gàn” bắt sâm Ngọc Linh “sống” ở Sơn La - Ảnh 16.

Thành công bước đầu trong việc gieo trồng sâm Ngọc Linh tại Sơn La đã cho thấy khí hậu nơi đây rất thuận lợi cho phát triển cây dược liệu theo chủ trương của tỉnh Sơn La.

 Công sức, tiền của bỏ ra là vậy, nhưng trong câu chuyện về chủ đề cây dược liệu nói chung, cây sâm Ngọc Linh nói riêng giữa chúng tôi, "gã gàn" Chí Long vẫn nói chắc như đinh đóng cột: "Đây chỉ là thành công bước đầu. Sau này khi công ty tự tạo được lượng lớn cây giống, tôi sẵn sàng cung cấp giống miễn phí cho người dân trong bản Sam Ta trồng để góp sức cùng tỉnh Sơn La tạo được vùng nguyên liệu lớn, khai thác được tiềm năng sẵn có chưa được đánh thức. Ước mơ của tôi không chỉ dừng lại ở khu trồng sâm này, mà còn mong muốn cây sâm Ngọc Linh sẽ sống bền vững trên vùng đất Sơn La để giúp đồng bào làm giàu chính đáng và ai cũng thể bỏ tiền mua được sản phẩm dược liệu quý với giá thành bình dân...".

Quốc Tuấn