Chưa có phản ánh CSGT nhận hối lộ khi xử phạt vi phạm nồng độ cồn

17/01/2020 12:18 GMT+7
Sau 2 tuần thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019, về tăng cường kiểm tra xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt nhiều tranh cãi về việc uống rượu bia sau bao lâu thì sẽ được lãi xe vẫn tiếp diễn.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) với 1 đơn vị cồn, khoảng 2/3 lon bia, trong 1-2 giờ sẽ đào thải hết với nam giới và 3-4 giờ với nữ giới. Qua đó, rất khó để tránh tuyệt đối đơn vị cồn, vì vậy uống rượu bia vừa phải, hạn chế, tự kiểm tra cho bản thân mình, bởi còn phụ thuộc vào điều kiện sức khỏe của mỗi người ở từng thời điểm.

Đại diện Bệnh viện Việt Đức cho biết, trong tổng số các vụ tai nạn thương tích đến cấp cứu tại bệnh viện, có gần 70% liên quan đến tai nạn giao thông. Trong số các vụ tai nạn này, gần 60% nạn nhân có nồng độ cồn trong máu.

Chưa có phản ánh nào về CSGT nhận "hối lộ" khi xử phạt vi phạm nồng độ cồn - Ảnh 1.

Chưa có phản ánh nào về CSGT nhận "hối lộ" khi xử phạt vi phạm nồng độ cồn.

Thống kê từ đầu năm 2020 đến nay, tỷ lệ bệnh nhân nhập viện có nồng độ cồn tại Bệnh viện Việt Đức giảm khoảng 10%. Đây chưa phải là con số quá lớn, nhưng là kết quả đáng mừng, không chỉ giúp giảm tải cho ngành Y tế mà còn giúp người dân tham gia giao thông an toàn hơn.

Thông tin về việc thực hiện Nghị định 100, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, sau hai tuần thực hiện Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đến nội dung, tác động ban đầu tích cực của những quy định mới, đặc biệt là nghiêm cấm điều khiển phương tiện trong hơi thở trong máu có nồng độ cồn.

"Hiếm có quy định pháp luật nào, sau một thời gian ngắn triển khai trong xã hội đã có chuyển biến tích cực, người dân từ thành thị đến nông thôn, đồng bằng đến miền núi, ở đâu người dân cũng nói về các quy định xử phạt, trong đó đặc biệt là vi phạm nồng độ cồn", ông Khuất Việt Hùng nhấn mạnh.

Cũng theo ông Khuất Việt Hùng, các chế tài ban hành không phải với mục đích xử phạt mà là thông điệp nhắc nhở, răn đe, tín hiệu đủ mạnh để giúp người dân không vi phạm. Có quốc gia áp dụng chế tài hình sự với lỗi sử dụng rượu bia vẫn tham gia giao thông nhưng không ai mong muốn phải xử lý. Đó là tính nhân văn trong việc ban hành chế tài xử phạt.

Đối với những lo lắng tình trạng tiêu cực trong quá trình xử phạt vi phạm nồng độ cồn, Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, hành lang pháp lý, quy định đều đã có để xử phạt lực lượng chức năng vi phạm. Ai sai đều sẽ bị xử lý. Thực tế, 2 tuần qua chưa nhận được phản ánh nào về lực lượng chức năng vi phạm, tham nhũng khi xử lý vi phạm.

"Từ nay, người dân đã được ghi hình để giám sát lực lượng thi hành công vụ, trong đó có lực lượng CSGT. Đây là quy định rất hay, vì người dân sẽ ghi lại những hình ảnh đẹp của lực lượng chức năng, đồng thời nếu hình ảnh gì cần rút kinh nghiệm cũng được người dân phản ánh để kịp thời chấn chỉnh", Thiếu tướng Lê Xuân Đức nói.

Thiếu tướng Lê Xuân Đức cho biết thêm, hoạt động của lực lượng thực thi công vụ, trong đó có CSGT được kiểm soát chặt chẽ, gồm cả giám sát của quần chúng nhân dân, ai làm sai đều bị xử lý nghiêm, không có vùng cấm.

Minh Hiếu
Cùng chuyên mục