dd/mm/yyyy

Cho tằm "nằm" phòng lạnh, dân nhàn lại có tiền đều tay

Nhiều năm nay, nhờ việc lắp điều hòa để nuôi tằm mà nhiều hộ dân ở xã Hồng Phong, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình có thu nhập chắc ăn, không bấp bênh lứa được lứa mất như trước.

Nuôi tằm không phải "ăn cơm đứng"

Người xưa thường nói "nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng". Ý muốn so sánh, nuôi lợn thì nhàn nhã, còn nuôi tằm thì vất vả, tất bật cả ngày.

Thế nhưng, người dân ở xã Hồng Phong lại chọn nuôi con "ăn cơm đứng" này để làm mũi nhọn trong phát triển kinh tế gia đình. Nếu như trước kia, nuôi tằm thắng hay thua còn trông vào thời tiết nóng hay lạnh, nhưng giờ đây có phòng lắp điều hòa thì nuôi lứa nào chắc ăn lứa đấy.

Cho tằm "nằm" phòng lạnh, dân nhàn lại có tiền đều tay - Ảnh 1.

Nghề trồng dâu nuôi tằm mang lại thu nhập cao cho người dân Hồng Phong.

Tằm là loại côn trùng có nhiệt độ cơ thể phụ thuộc vào nhiệt độ môi trường. Nhiệt độ thích hợp cho sinh trưởng phát triển của tằm là từ 25 – 30 độ C. Nhiệt độ ngoài khoảng dao động đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sinh trưởng của tằm, tằm dễ phát sinh bệnh, năng suất kén giảm. Chính vì vậy để có điều kiện phù hợp cho tằm phát triển, nhiều hộ dân ở xã Hồng Phong đã lắp điều hòa trong phòng để nuôi tằm.

Manh nha xuất hiện từ năm 2016, đến nay toàn xã Hồng Phong có hàng trăm hộ áp dụng phương pháp nuôi tằm trong phòng lạnh. Qua một thời gian áp dụng, học tập, trao đổi kinh nghiệm nuôi tằm phòng lạnh giữa các hộ nuôi tằm với nhau, nhận thấy hiệu quả kinh tế do phương pháp này mang lại, đến nay toàn xã đã có gần 800 hộ mạnh dạn đầu tư mua điều hòa lắp trong nhà để nuôi tằm. Nhiệt độ thích hợp nhất để tằm cho sản lượng kén cao dao động từ 26 - 28 độ C, độ ẩm từ 75 - 80%.

Gia đình ông Trần Kim Tuyến (58 tuổi), thôn Thái Phú Thọ, xã Hồng Phong có gần 50 năm kinh nghiệm trong nghề nuôi tằm và gia đình ông cũng là một trong những hộ tiên phong trong xã áp dụng phương pháp nuôi tằm trong phòng lạnh. Trao đổi với phóng viên, ông Tuyến cho biết, từ khi ông lắp điều hòa thì ông nuôi mẻ tằm nào là thắng mẻ ấy. Nuôi tằm trong phòng điều hòa vừa nhanh lớn, chất lượng kén tốt, giá bán kén cao . Nếu so với trước kia thì nuôi tằm trong phòng lạnh cho năng suất kén tăng lên gần gấp đôi.

"Với diện tích 6 sào trồng dâu, mỗi tháng tôi nuôi 25 nong tằm, thu hoạch khoảng hơn 100 kg kén. Với giá kén trung bình 100.000 đến 125.000 đồng/kg. Sau khi trừ hết chi phí, gia đình tôi lãi hơn 10 triệu đồng mỗi tháng"- ông Tuyến tiết lộ.

Cũng theo ông Tuyến, ngày xưa nuôi tằm thắng hay ko phải phụ thuộc vào thời tiết, nếu thời tiết không thuận thì coi như mất trắng, thu nhập vừa bếp bênh lại vất vả.

"Từ khi lắp điều hòa thì không phải lo nghĩ nhiều, nuôi tằm nhàn hẳn, thành thử ra cái câu ông bà ta nói "Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đúng" không còn chính xác mấy nữa. Này nhé, giờ tôi nuôi tằm cứ tầm sáng bỏ công đi hái lá dâu về là đủ lá cho tăm ăn cả ngày. Cứ thế, nuôi khoảng 12 ngày là bán được. Hết lứa này lại chuyển sang nuôi lứa khác, công việc cũng chỉ có vậy, kén cứ làm đến đâu có người đến tận nhà thu mua hết đến đấy..."- ông Tuyến nói thêm.

Hiệu quả cao

Không riêng gia đình ông Thông mà hàng trăm hộ dân ở Hồng Phong đều áp dụng phương pháp nuôi tằm trong phòng lạnh. Hiện tại, với giá bán trên dưới 100.000 đồng/kg kén, người nuôi tằm ở Hồng Phong có nguồn thu đáng kể. Theo tính toán, nuôi tằm trong phòng lạnh giúp giá trị mỗi sào trồng dâu tăng lên gấp 4 - 5 lần so với cấy lúa và cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác.

Cho tằm "nằm" phòng lạnh, dân nhàn lại có tiền đều tay - Ảnh 2.

Người dân Hồng Phong đầu tư phòng điều hòa chăm sóc tằm.

"Nói thật, cấy lúa giờ chỉ lấy công làm lãi thôi, đấy là thời tiết thuận, cấy giống lúa chất lượng cao, chứ còn không tính ra chẳng được lời đồng nào. Nhưng trồng dâu nuôi tằm thì lại khác, hạnh toán ra tiền lời thấy rõ...Mà trồng dâu nuôi tằm chỉ vất 1-2 tiếng đồng hồ hái dâu ngoài bãi, chứ còn các việc khác đều ở phòng lạnh, mưa không đến mặt, nắng không đến đầu. Với người nông dân thế là ổn rồi...", ông Thông phân tích.

Vừa dẫn phóng viên đi thăm quan mô hình nuôi tằm trong phòng lạnh, ông Đằng-một nông dân nuôi tằm ở xã Hồng Phong cho biết, nhiệt độ phù hợp để tằm giống phát triển là từ 24 đến 28 độ C, độ ẩm từ 75 đến 80%. Tuy nhiên, hiện nay, trong điều kiện thời tiết mùa hè nắng nóng, nhiệt độ thường xuyên ở mức trên 30 độ C, với nhiệt độ này, tằm khó phát triển được, thậm chí là tỷ lệ chết sẽ cao. Vì vậy, gia đình ông phải lắp điều hòa điều chỉnh nhiệt độ dao động ở mức 24 đến 28 độ C để tằm phát triển bình thường, đảm bảo tỷ lệ sống cao và năng suất kén cao hơn so với cách nuôi truyền thống.

"Vào vụ nuôi tằm, trung bình mỗi tháng tôi bán cho bà con được khoảng 250 nong tằm giống, mỗi nong có giá 280 ngàn đồng. Tuy nuôi tằm giống vất vả hơn nuôi tằm kéo kén, nhưng đổi lại thu nhập cao hơn. Mỗi tháng 2 vợ chồng tôi kiếm được trên dưới 15 triệu đồng từ nuôi tằm giống. Nhờ công việc này mà gia đình tôi có thu nhập tốt hơn, có tiền nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn, bằng bạn bằng bè..."- ông Đằng vui vẻ nói.

Ông Trịnh Văn Khanh, Chủ tịch UBND xã Hồng Phong cho biết, hiện toàn xã có hơn 1.000 hộ nuôi tằm với diện tích trồng dâu lên đến hơn 250 ha. Trong đó, số hộ "chịu chơi" lắp điều hòa, xây phòng lạnh để nuôi tằm chiếm hơn 75 %. Từ khi áp dụng phương pháp nuôi tằm trong phòng lạnh mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ đã thoát nghèo nhanh và vươn lên làm giàu.

"Riêng trên địa bàn xã Hồng Phong mỗi năm cung cấp ra thị trường trên 350 tấn kén tằm, mang về doanh thu hơn 35 tỷ đồng, chiếm trên 60% tỷ trọng kinh tế nông nghiệp của địa phương. Hộ có thu nhập ít nhất cũng từ 4-5 triệu/tháng, những hộ nhiều thu nhập lên đến hơn 20 triệu đồng/tháng" - ông Trịnh Văn Khanh
Phạm Anh