dd/mm/yyyy

Cây chết khô, đàn dê cừu còm cõi nơi “chảo lửa” Thuận Nam

Vào những ngày này, người dân tại huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) đang đối diện với nhiều khó khăn chồng chất do hạn hán gay gắt, nhiều diện tích cây trồng đã chết khô, còn đàn gia súc cũng đang héo hon vì thiếu nước uống, thức ăn.
Cây chết khô, đàn dê cừu còm cõi nơi “chảo lửa” Thuận Nam - Ảnh 1.

Nông dân huyện Thuận Nam đang nỗ lực tưới nước cho cây trồng lâu năm. Ảnh: Công Tâm

Lãnh đạo UBND huyện Thuận Nam cho biết, do không có nước tưới nên trên địa bàn huyện đã phải ngừng sản xuất 1.800ha lúa và 1.000ha cây hoa màu. Hiện nay, bà con nông dân đã thu hoạch khoảng 90% diện tích gieo trồng vụ đông xuân 2019 - 2020 đối với cây hàng năm (rau màu và đậu các loại), tuy nhiên năng suất và sản lượng đều giảm so với cùng kỳ.

Tính đến cuối tháng 3/2020, ở xã Nhị Hà đã có 3,6ha mãng cầu, bưởi da xanh, ổi bị chết khô và 3ha cây keo tràm rụng lá do không có nước tưới. Một số cây trồng tại các xã như: Phước Minh, Phước Hà, Phước Dinh, Nhị Hà… cũng có nguy cơ chết khô, trong khi hàng trăm con gia súc (cừu, dê, bò) đang có nguy cơ thiếu thức ăn và nước uống.

Cây chết khô, đàn dê cừu còm cõi nơi “chảo lửa” Thuận Nam - Ảnh 2.

Nắng hạn kéo dài nên các cây trồng ở xã Nhị Hà bị chết khô. Ảnh: Công Tâm

Huyện Thuận Nam đang chỉ đạo các địa phương cần ưu tiên  nguồn nước cho cây lâu năm và gia súc, đồng thời vận động bà con đưa đàn gia súc đến nơi có thức ăn, nước uống.

Theo khảo sát của ngành chức năng địa phương, tính đến ngày 23/3, mực nước tại Hồ Tân Giang còn khoảng 1,29 triệu m3, hồ Sông Biêu 1,49 triệu m3, hồ Núi Một 1,42 triệu m3, hồ CK7 khoảng 0,8 triệu m3, các hồ còn lại nằm ở mực nước chết.

Qua rà soát đợt 1, toàn huyện có 4.680 hộ/18.924 nhân khẩu đang cần được cứu đói giáp hạt do ảnh hưởng của hạn hán. Huyện Thuận Nam đang đề nghị tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí khoảng 11 tỷ đồng để thực hiện các giải pháp ứng phó với hạn hán.

Ở vùng “chảo lửa” xã Phước Nam, nhiều hộ nông dân chăn cừu, dê, bò đều than thở với phóng viên về tình trạng hạn hán dẫn đến đàn gia súc bị thiếu thức ăn và nước uống. Mỗi tháng, bà con đều phải bỏ ra hàng triệu đồng để mua thức ăn cho gia súc khiến chi phí sản xuất tăng lên.

Cây chết khô, đàn dê cừu còm cõi nơi “chảo lửa” Thuận Nam - Ảnh 3.

Nhiều đàn gia súc tại xã Phước Nam đang bị thiếu thức ăn. Ảnh: Công Tâm

Ông Kiều Văn Luận (xã Phước Nam) buồn rầu cho biết: “Do hạn hán kéo dài từ năm trước đến bây giờ, khiến 200 con cừu của gia đình thiếu thức ăn trầm trọng, một số con bị gầy còm, yếu ớt. Giờ cừu thả ra đồng chỉ gặm cỏ khô, gốc đậu xanh cầm chừng. Chúng tôi rất lo, nếu nắng hạn tiếp tục kéo dài thì không biết lấy đâu ra cỏ để cho cừu ăn. Bây giờ, ngày nào tôi cũng phải bỏ ra 100.000 đồng mua 2 bao cỏ cho đàn cừu. Chưa khi nào nắng hạn kéo dài, khốc liệt như hiện nay”.

Ông Lê Huyền - Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam cho biết, tại địa phương nhiều tháng qua không có mưa dẫn đến việc sản xuất của bà con gặp không ít khó khăn. Đến nay, nhiều diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn phải ngừng sản xuất lúa và chuyển sang các loại cây họ đậu, vừa giúp nông dân có thu nhập, vừa tận dụng được thân cây đậu phục vụ chăn nuôi.

Bên cạnh đó, địa phương vận động bà con mạnh dạn áp dụng các mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện hạn hán như: Mô hình tưới nước tiết kiệm, trồng cây luân canh, thâm canh… Phát huy hiệu quả các giếng khoan, giếng đào đã đầu tư từ trước để phục vụ dân sinh, tưới cho cây trồng và nước uống cho đàn gia súc. Mục tiêu không để thiếu nước sinh hoạt, không để thiếu đói, không để phát sinh dịch bệnh và tập trung chuyển đổi sang các loại cây trồng tiết kiệm nước.

Công Tâm