dd/mm/yyyy

Cần hệ thống giáo dục mở cho nông dân

Nhiều nông dân mong muốn được tiếp tục học tập, tiếp cận kiến thức mới nhưng hệ thống giáo dục mở còn khép kín, trong khi các chương trình giáo dục dành cho người lớn thường chỉ chú ý đến những đối tượng là nông dân nghèo, những người chưa có “kiến thức nền” đủ vững chắc…

Nông dân cũng không ngừng học

Ông Huỳnh Đoàn Thông (ngụ xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, TP.HCM) nhiều năm liền là nông dân giỏi của TP.HCM. Năm 2017, ông còn được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tuyên dương là nông dân xuất sắc. Vốn là kỹ sư nông nghiệp, tốt nghiệp khoa Trồng trọt của Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM, sau nhiều năm làm việc ở công ty hạt giống, ông Thông quyết định “ra riêng”, đầu tư làm nông nghiệp.

Để xây dựng được thương hiệu giống Chánh Phong, ông Phong tận dụng mọi cơ hội để học hỏi kinh nghiệm và mở mang kiến thức.
Để xây dựng được thương hiệu giống Chánh Phong, ông Phong tận dụng mọi cơ hội để học hỏi kinh nghiệm và mở mang kiến thức.

Ban đầu nhiều vất vả nhưng rồi cũng qua, ông Thông gây dựng được “cơ đồ” là thương hiệu giống Chánh Phong, được bà con nhiều tỉnh thành ưa chuộng. Để làm được việc này, ông Thông vừa vận dụng kiến thức sẵn có, vừa liên tục học tập, cập nhật kiến thức mới để theo kịp thị trường, xu hướng phát triển nông nghiệp cũng như ngành hạt giống nói riêng.

Ông Thông kể, thế mạnh của nông dân ở TP.HCM là có điều kiện học hỏi từ nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới, các viện nghiên cứu, phát triển nông nghiệp... Như ông Thông, mỗi năm vài lần ông đi nước ngoài, trước để tham quan học tập kinh nghiệm từ các nước, sau đó để tìm kiếm các nguồn gen mới, giống mới về cho nông dân mình.

"TP.HCM định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị thông minh… Mà NNCNC thì đòi hỏi vốn đầu tư lớn, lực lượng lao động phải có trình độ quản lý và tay nghề cao. Do đó, cần tiếp tục đào tạo cho nông dân, khuyến khích nông dân không ngừng học tập”. Ông Dương Hoa Xô - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM

“Mỗi lần đi hội nghị, hội thảo tôi tranh thủ hết thời gian để tìm hiểu các kiến thức mới, tiếp xúc với các giáo sư, tiến sĩ để trao đổi kinh nghiệm và học hỏi thêm kiến thức từ họ. Làm nông thời nay không thể chỉ sử dụng kinh nghiệm từ thời cha ông truyền lại mà phải tiếp thu kiến thức mới”, ông Thông nhận định.

Không chỉ ông Thông, nhiều nông dân đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao ở TP.HCM đều có nhu cầu học tập nâng cao trình độ. Thế nhưng, khi hệ thống giáo dục mở còn khép kín, nhiều người lớn trong đó có nông dân, lao động nông thôn không thể tiếp cận được tri thức, không đẩy mạnh được sản xuất đáp ứng yêu cầu phát triển.

Ông Nguyễn Xuân Định - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhận định, trên thực tế, nông dân rất cần cù và sáng tạo. Họ muốn được học hỏi thêm kiến thức, kỹ năng từ những nguồn tin cậy nhưng việc này còn nhiều khó khăn.

Thống kê cho thấy, Việt Nam vẫn còn trên 60% dân số ở nông thôn, lao động nông nghiệp chiếm gần 40% lực lượng lao động xã hội. Tuy nhiên, tỉ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo nghề mới trên 40%; đào tạo nghề có chứng chỉ mới trên 5%.

Năng suất lao động của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp còn thấp; sức cạnh tranh, giá trị gia tăng của nông sản hàng hóa trong nước còn hạn chế. “Muốn khắc phục, một trong những giải pháp hữu hiệu là phải hỗ trợ nông dân tiếp cận thông tin, kiến thức, kinh nghiệm từ những nguồn đáng tin cậy và có hướng dẫn”, ông Định nói.

Hệ thống giáo dục cần “mở” hơn

PGS. TS. Phạm Tất Dong – Tổng thư ký Trung ương Hội khuyến học Việt Nam cho biết, sự khác biệt giữa tỷ lệ tăng trưởng của các nước và các khu vực phụ thuộc hàng đầu vào nhân tố tri thức. Trong khi, người lao động nói chung ở nước ta còn nghèo về tri thức. Những tri thức hiện có không đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, đẩy mạnh sản xuất; không đủ sức tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0.

Nông dân cần được tiếp cận với kiến thức sản xuất mới.
Nông dân cần được tiếp cận với kiến thức sản xuất mới.

Trên thực tế, những tri thức trong các chương trình giáo dục người lớn thường chỉ chú ý đến những đối tượng là nông dân, dân nghèo ở nông thôn, thành thị cùng những người làm nghề tự do. Vì thế, những tri thức thường này dừng lại ở mức phổ thông, ứng dụng không có hiệu quả cao đối với công việc sản xuất hàng ngày, nhất là những việc đòi hỏi tính sáng tạo. “Nhìn chung, rất nhiều người học bị cách ly với tri thức đại học, không thể tham gia và chia sẻ thành quả của xã hội vốn lấy tri thức làm nền tảng. Nền giáo dục do đó cần mở hơn, thoáng hơn đối với người học” - TS. Dong đánh giá.

PGS.TS Dương Hoa Xô – Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM cho rằng, để phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đào tạo nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng.

Lợi thế của TP.HCM là có nhiều cơ quan nghiên cứu, phát triển nông nghiệp. Nhờ đó, TP. HCM hiện là đơn vị đi đầu trong cả nước về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, điển hình trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Hầu hết các hộ nông dân và doanh nghiệp được điều tra gần đây đã áp dụng các biện pháp kỹ thuật công nghệ cao trong sản xuất như trồng cây trong nhà lưới, hệ thống tưới tự động phun sương,nhỏ giọt, sử dụng máy móc hiện đại trong sản xuất nông nghiệp…

“Để đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh tại TP, cần thiết phải đẩy mạnh việc xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực, từ cán bộ quản lý khoa học đến đội ngũ lao động trực tiếp tại các trang trại, HTX…”, ông Xô cho biết.

Để làm được việc này, đào tạo nhân lực ngành nông nghiệp ở TP.HCM sẽ theo các bước đi cụ thể. Gồm, đào tạo dài hạn, đào tạo ngắn hạn kết hợp với các viện, trường đại học quốc tế để gửi người học đi đào tạo ở nước ngoài…

“Riêng với nông dân, sẽ có thêm những lớp huấn luyện ngắn hạn và chuyển giao công nghệ thông qua các mô hình trình diễn, tham quan, học tập… để nâng cao tay nghề, kỹ năng, kinh nghiệm sản xuất cho bà con…”, ông Xô nhận định.

Còn theo ông Định, để khuyến khích nông dân liên tục học tập cần có chính sách hỗ trợ để đào tạo nâng cao kiến thức, kỹ năng sử dụng máy tính, điện thoại thông minh, Internter. Phải giúp họ các phương tiện và có thể truy cập vào tài nguyên này một cách miễn phí. Các tài liệu cần đơn giản, dễ hiểu, dễ áp dụng, bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, phù hợp với từng đối tượng, trình độ, văn hóa, vùng miền…

Bài, ảnh: Khải Huyền