Các hãng hàng không nặng cánh bay với thuế bảo vệ môi trường

Nguyễn Minh Thứ hai, ngày 30/03/2020 18:41 PM (GMT+7)
Tuy giá xăng vừa giảm xuống mức thấp nhất trong 10 năm gần đây nhưng do dịch Covid -19 khiến các hãng hàng không vừa tiếp tục kiến nghị được miễn giảm thuế xuất nhập khẩu và thuế bảo vệ môi trường trong 1 năm. Vì sao hãng hàng không lại "tha thiết" được giảm thuế này đến vậy?
Bình luận 0

Hàng không thiệt hại do dịch Covid-19

Trước hết, nguyên nhân đến từ những thiệt hại quá lớn cho ngành hàng không trong dịch Covid-19, khiến cho ngành thiệt hại ít nhất 30.000 tỷ đồng trong năm nay. Nói như lãnh đạo một hãng hàng không, để cứu mình, hãng đã làm mọi thứ có thể, đã cắt giảm mọi thứ, từ lương, nhân sự đến các khoản chi nhỏ nhất như chi phí văn phòng phẩm.

Các hãng hàng không nặng cánh bay với thuế bảo vệ môi trường - Ảnh 1.

Các hãng hàng không nặng cánh bay với thuế bảo vệ môi trường.

Việc còn lại là trông chờ Chính phủ hỗ trợ phần nào, như các quốc gia khác đang hỗ trợ ngành hàng không. Đơn cử như ngay từ khi xuất hiện dịch Covid -19, Thái Lan đã cắt giảm ngay 96% thuế bảo vệ môi trường và quyết một số chính sách khác để hỗ trợ cho các hãng hàng không. Còn trong gói hỗ trợ trị giá 2.200 tỷ USD Thượng Viện Mỹ vừa thông qua, các hãng hàng không nước này cũng được giải cứu...

Theo vị lãnh đạo hàng không nói trên, một trong những nguyên nhân quan trọng của thuế bảo vệ môi trường là nhằm định hướng doanh nghiệp đổi mới công nghệ, dùng máy móc, thiết bị, phương tiện hiện đại nhất, giảm ô nhiễm nhất. Máy bay là nơi hội tụ công nghệ mới, hiện đại nhất. Các hãng đều thuê, mua máy bay tối tân, giảm khí thải, tiếng ồn nhưng không được giảm thuế bảo vệ môi trường để khuyến khích, đây là sự bất hợp lý.

Hơn nữa theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá, Bộ Tài chính, hiện nay thuế chiếm tỷ trọng quá cao trong chi phí nhiên liệu bay. Trong cơ cấu giá xăng, mỗi lít phải cõng 3.000 đồng thuế bảo vệ môi trường. Ngay cả khi giá dầu thô và xăng trên thế giới đang rẻ "như nước lã" thì thuế nhập khẩu nhiên liệu và đặc biệt là thuế bảo vệ môi trường đang trở thành gánh nặng của các hãng hàng không. 'Với hãng hàng không Việt, xăng, dầu thường chiếm tới 30-40% chi phí hoạt động của hãng hàng không nên cần phải miễn, giảm thuế cho hãng,' ông Long nói.

Theo một cơ trưởng, ước tính một chiếc máy bay tối tân, thuộc loại siêu tiết kiệm nhiên liệu như A321 nếu bay Hà Nội – TP HCM cũng đốt hết khoảng 3.500 lít xăng. Với các máy bay thân rộng cỡ lớn như Boeing 787, A350, bay Hà Nội - TP HCM đốt hết hơn 7.000 và 9.000 lít xăng. Trong 10.000 tỷ thuế (giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân…) các hãng hàng không nộp ngân sách năm 2019, thuế bảo vệ môi trường chiếm tới 50%.

 Vietnam Airline (VNA) đã phải nộp hơn 2.400 tỷ đồng thuế bảo vệ môi trường. Vietjet nhờ sở hữu đội hình máy bay mới, thân hẹp, tiết kiệm nhiên liệu nhưng cũng phải nộp gần 1.700 tỷ thuế này. Trung bình mỗi ngày VNA phải 6,5 tỷ và Vietjet phải nộp 4,6 tỷ đồng thuế bảo vệ môi trường!   

Nặng cánh bay với thuế bảo vệ môi trường

Mỗi lít xăng đang phải cõng 4 loại thuế và 4 loại chi phí. Cụ thể, với giá xăng rất rẻ như hiện nay, theo Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu chỉ ra cơ cấu giá xăng phải "cõng" 4 sắc thuế gồm thuế bảo vệ môi trường cố định 3000 -4.000 đồng/lít, thuế nhập khẩu 20% (tương ứng 765 đồng), thuế tiêu thụ đặc biệt 10% (tương ứng 383 đồng) và VAT 10% (tương ứng 383 đồng).

Bên cạnh đó, mỗi lít xăng còn phải cộng thêm chi phí kinh doanh định mức (1.050 đồng/lít), lợi nhuận định mức (tối đa 300 đồng/lít), mức trích lập quỹ bình ổn (tại kỳ điều chỉnh 29/3 với xăng RON 95 là 1.150 đồng/lít) và lợi nhuận của doanh nghiệp. Tổng của 4 sắc thuế và các loại phí lên tới 8.031 đồng. Như vậy, tổng các khoản thuế, phí trong giá thành một lít xăng đã chiếm khoảng 64%.

Với hãng hàng hàng không, với khoảng 20 loại phí và 5 loại thuế, các hãng hàng không đang phải nộp khoảng 22.000 tỷ đồng tiền thuế và phí mỗi năm (VNA và Vietjet chiếm hầu hết trong số đó).  

Hiểu những khó khăn, thiệt hại của các hãng hàng không, Bộ GTVT đã đề xuất giảm 50% thuế nhập khẩu nhiên liệu và bảo vệ môi trường trong 3 tháng cho hãng bay. Trường hợp bố trí được ngân sách, Bộ đề nghị miễn trong 3 tháng. Giả thiết đề xuất này được Chính phủ đồng ý thì các hãng tiết giảm chi phí được 620 đến 1.200 tỷ đồng thuế bảo vệ môi trường (mỗi hãng được giảm vài trăm tỷ).

Đây là con số quá khiêm tốn so với khoản thuế, phí phải nộp và càng không đáng kể so với tổng chi phí bình quân 268 tỷ đồng/ngày và 128 tỷ đồng/ngày của VNA và Vietjet (số liệu năm 2019). Chính vì vậy, các hãng đề nghị Bộ GTVT, Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét, cho miễn 1 năm thuế nhập khẩu và thuế bảo vệ môi trường.  

'Hàng không là ngành quan trọng của mỗi nền kinh tế, không phải ngẫu nhiên mà các chính phủ chi lớn, ưu tiên giải cứu hàng không trong đại dịch này. Theo tôi Bộ Tài chính cần xem xét lại chính sách hỗ trợ và chính phủ cần miễn, giảm, giãn nộp các loại thuế, phí, trong đó có thuế bảo vệ môi trường để hỗ trợ hàng không giảm bớt khó khăn,' ông Long nêu ý kiến.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem