dd/mm/yyyy

Cà Mau: Kênh nứt nẻ phải thuê xe máy chở lúa đi bán, dân méo mặt

Kênh khô cạn, nứt nẻ nên tùy theo khoảng cách từ điểm bán lúa đến điểm thua mua mà mỗi tấn lúa người dân Cà Mau phải tốn chi phí vận chuyển bằng xe máy từ 200.000-500.000 đồng/tấn.

Đây là thời điểm người dân ở vùng ngọt hóa Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) cơ bản hoàn thành thu hoạch vụ lúa đông xuân. Tuy nhiên, do hệ thống kênh mương thủy lợi trong vùng khô cạn, nên việc bán lúa của người dân gặp nhiều khó khăn.

Theo ghi nhận của phóng viên, những ngày này chạy dọc các tuyến kênh nội đồng của huyện Trần Văn Thời, không khó để bắt gặp hình ảnh những chiếc xe máy tấp nập chở theo các bao lúa vận chuyển đến điểm thu mua.

Cà Mau: Kênh nứt nẻ phải thuê xe máy chở lúa đi bán, dân méo mặt - Ảnh 1.

Những chiếc xe máy chở lúa đến điểm thu mua là hình ảnh quen thuộc những ngày này ở vùng ngọt hóa huyện Trần văn Thời. Ảnh: T.T.

Theo người dân địa phương, tùy theo khoảng cách từ điểm bán lúa đến điểm thua mua mà mỗi tấn lúa người dân phải tốn chi phí vận chuyển bằng xe máy từ 200.000-500.000 đồng/tấn. Đặc biệt, có những hộ nằm xa trục giao thông chính, đường xá bị sụp lún thì thu hoạch xong thương lái không vào mua. Người dân phải trữ lại đợi mưa xuống mới bán được.

Cà Mau: Kênh nứt nẻ phải thuê xe máy chở lúa đi bán, dân méo mặt - Ảnh 2.

Cà Mau: Kênh nứt nẻ phải thuê xe máy chở lúa đi bán, dân méo mặt - Ảnh 3.

Những dòng kênh khô cạn nước thế này khiến xuồng ghe không thể chạy vào thu mua lúa. Ảnh: CL.

Cà Mau: Kênh nứt nẻ phải thuê xe máy chở lúa đi bán, dân méo mặt - Ảnh 4.

Nông dân thu hoạch lúa xong rất khó bán vì kênh khô cạn. Ảnh: TT.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Huỳnh Văn Thân (ngụ ấp Bình Minh 2, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) cho biết: “Gia đình tôi năm nay sử dụng giống lúa OM18. Như năm trước có ghe vào kênh mua, tôi bán được giá 5.200 đồng/kg, còn năm nay kênh cạn nên thương lái chỉ mua 4.500 đồng/kg, họ trừ tiền phí thuê xe máy vận chuyển lúa từ kênh nhỏ ra kênh lớn còn nước”.

Cà Mau: Kênh nứt nẻ phải thuê xe máy chở lúa đi bán, dân méo mặt - Ảnh 5.

Ngoài việc lúa bị giảm năng suất do khô hạn, gia đình ông Thân còn thiệt hại kinh tế do bán lúa giá thấp. Ảnh: CL.

Ông Nguyễn Trường Đời - Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Kinh Dớn (xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời), cho biết: “Thông thường hàng năm, lúa của bà con vận chuyển ra đến bãi tập kết chỉ mất 250 đồng/kg lúa. Còn ở năm nay, tình trạng khô hạn diễn ra gay gắt làm các tuyến kênh, gạch khô cạn, người dân không thể vận chuyển lúa bằng đường thủy, còn đường bộ thì bị sạt lở không thể vận chuyển bằng xe tải. Vì vậy, bà con phải vận chuyển bằng phương tiện xe hai bánh, khiến chi phí tăng lên gần gấp đôi, chưa kể thời gian vận chuyển rất chậm”. 

“Hiện còn có tình trạng nghiêm trọng hơn là nông dân thu hoạch rồi, nhưng không có thương lái để bán. Bởi đoạn đường vận chuyển xa, tốn nhiều thời gian, thương lái sợ lỗ vốn nên không vào thu mua. Đối với giống lúa như OM5451, Đài thơm 8, OM18… nông dân có thể phơi rồi dự trữ lại, chờ có nước để bán; còn các giống lúa như ST24, RVT…, nông dân có tự phơi thì thương lái vẫn không mua, vì đối với giống lúa thơm cần sấy đủ độ khô (từ 13 - 16 độ), hạt lúa mới lột vỏ, đạt chất lượng” - ông Đời chia sẻ.

Cà Mau: Kênh nứt nẻ phải thuê xe máy chở lúa đi bán, dân méo mặt - Ảnh 6.

Cà Mau: Kênh nứt nẻ phải thuê xe máy chở lúa đi bán, dân méo mặt - Ảnh 7.

Thương lái thuê xe ôm chở từng bao lúa từ nơi thu hoạch đến điểm thu mua. Ảnh: TT.

Cà Mau: Kênh nứt nẻ phải thuê xe máy chở lúa đi bán, dân méo mặt - Ảnh 8.

Tùy theo khoảng cách từ điểm bán lúa đến điểm thua mua mà mỗi tấn lúa người dân phải tốn chi phí vận chuyển bằng xe máy từ 200.000-500.000 đồng/tấn. Ảnh: TT.

Trước tình hình hiện tại, tỉnh Cà Mau kiến nghị nghiên cứu xây dựng hệ thống kênh trục, cấp nước ngọt theo hình thức cưởng bức (bơm) từ Sông Hậu về phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho các tỉnh ven biển vùng Bán đảo Cà Mau hoặc nghiên cứu xây dựng hệ thống hồ chứa qui mô lớn ở vùng ngọt (U Minh); xây dựng khôi phục lại hệ thống ao, hồ theo cụm, tuyến dân cư "giếng làng" để trữ nước mưa phục vụ sản xuất, sinh hoạt.

Cà Mau: Kênh nứt nẻ phải thuê xe máy chở lúa đi bán, dân méo mặt - Ảnh 9.

Một số nơi đường xá bị sụp lún thì thu hoạch xong thương lái không vào mua. Người dân phải trữ lại đợi mưa xuống mới bán được. Ảnh: TT.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu các cơ quan chuyên môn chức giám sát chặt chẽ độ mặn tại các cửa lấy nước, vận hành đóng các cửa cống và công trình thủy lợi khi độ mặn vượt mức cho phép, đảm bảo mặn không xâm nhập sâu vào nội đồng. Đồng thời, tranh thủ tích trữ nước ngọt trong thời gian mặn xuống thấp để cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong thời gian xâm nhập mặn lên cao.

Ghi nhận đến ngày 4/3, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đã khiến toàn tỉnh có hơn 19.300ha lúa bị ảnh hưởng, trong đó thiệt hại từ 30-70% là hơn 6.700ha, trên 70% là hơn hơn 12.500ha; hơn 22ha ràu maù bị hưởng.

Bên cạnh đó, từ đầu mùa khô đến nay toàn tỉnh đã xảy ra trên 900 vụ sụt lún, sạt lở đất; 20.800 hộ gia đình bị thiếu nước sinh hoạt. Tổng diện tích rừng bị khô hạn trên toàn tỉnh (đến ngày 28.2) là hơn 43.583ha, trong đó hơn 26.400ha dự báo cháy cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm).

Chúc Ly