Bóng xưa trăng quê

Phạm Xuân Nguyên Chủ nhật, ngày 26/01/2020 06:03 AM (GMT+7)
 Tôi ghi nhật ký từ sớm, khi còn là học sinh phổ thông. Những trang nhật ký thường ghi về đêm, sau khi học bài xong, trước khi tắt ngọn đèn dầu lên giường ngủ trong ngôi nhà tranh tre ở một vùng quê Bắc Trung Bộ...
Bình luận 0

Nếu không có chiến tranh thì tôi là cậu bé lớn lên ở thị xã không biết gì đến nông thôn mặc dù quê mẹ chỉ cách vài cây số. Nhưng cuộc sống sơ tán thời chiến đã cho tôi làm một cậu bé nông thôn và tạo nên tôi như tôi đã là sáu chục năm qua. Giở lại những trang nhật ký 46 năm trước, tôi gặp lại bóng xưa trăng quê đã nhiều đêm làm thao thức một cậu bé đang lớn tâm hồn nhiều mộng mơ lãng mạn ước mơ là tôi ngày đó.

Thứ Bảy, đêm 5/1/1974

Trăng sáng. Tiết heo may, giá lạnh. Hai tuần nay khô ráo, trời xanh, ánh nắng dọi. Cái gió rét triền miên vẫn thổi. Lúa cấy chưa xong, khoai còn làm dở. Bà con nông dân vất vả với gió mưa và nắng lửa. Bưng bát cơm ăn mà nghĩa tình lắng đọng. Đi học về nhìn các xã viên hợp tác vẫn miệt mài cấy lúa giữa bóng trưa xế chiều mình không khỏi băn khoăn, suy nghĩ.

Sống trong lũy tre xanh của xóm làng vây bọc; sống trong màu xanh và màu vàng của ruộng đồng che phủ; sống trong tình thương yêu đằm thắm của bà con cô bác, anh em bạn bè – ai không có những xúc động chân thành và nghĩ suy lo lắng?

imgimg

Đêm khuya hơn, ánh trăng sáng bạc rải trên mặt đất. Từng tàu lá, cành cây đan tỏa bóng. Dệt nên những hình thù kỳ lạ. Mẹ thức giấc đã giục, đã bực lên vì bảo mình đi ngủ không xong. Thôi đành thế, đi ngủ, cho yên lòng mẹ - đứa con này nhiều bâng khuâng xao xuyến lắm mẹ ơi. Ánh trăng! Ánh trăng! Ánh trăng… tôi gọi muôn lần và nhớ bạn. Gửi tâm hồn mình man mác trong ánh trăng bao la chiếu rọi.

Thứ hai, đêm 7/1/1974

Đêm nay 15 tháng Chạp ta. “Đêm trăng rằm ai nằm thì thiệt” – đất trời mênh mông, chan chứa ánh vàng. Thôn xóm vào đêm yên tĩnh, tiếng những con ếch con nhái dậy lên đầy không gian. Trăng tuôn đổ dạt dào… Quả thật là mình không muốn ngủ. Cứ muốn thức suốt thế này để bạn cùng ánh trăng, dãi bày tâm sự. Phải chi còn bạn bên mình. Nay đứa Nam kẻ Bắc người Trung. Chiều nay mới lại nhận thư Thi. Đất Quảng – tên địa danh đầu trang thư sao gợi nhiều nhớ nhung, thương cảm, bâng khuâng…

Thấm thoắt cuộc đời đã sang sườn dốc phía bên kia. Bây giờ về quê tôi mang tâm trạng của Hạ Tri Chương đời Đường: “Khi đi trẻ lúc về già/Giọng quê vẫn thế tóc đà khác sao/Trẻ con gặp lạ không chào/Hỏi rằng ông ở xứ nào lại chơi”. Nhưng vẫn thèm một đêm ngủ dưới trăng trong ngôi nhà tranh giữa khung cảnh đồng quê như thuở nhỏ.

Mình ngồi đây trong gian nhà rộng rãi. Tiếng đồng hồ dồn dập bên tai, ngoái lên thấy đã gần 10h30’. Cửa sổ mở hé, màn ri đô kéo lại để cho ánh trăng tràn vào lai láng ướp giấc ngủ của mình. Mà nào có ngủ được, cái màu sáng kia sinh động quá cứ như là mình bị thôi miên.

Ôi tạo hóa Đất Trời, sao đêm nay ngươi trẻ trung đến vậy? Hòa ơi! Minh ơi! Cúc ơi! Thi ơi! Hãy về đây trong giấc mơ cho chúng mình gặp lại!... Trời xanh, không mây, sao thưa và lan tỏa, tràn trề, căng ứa là ánh trăng rằm đêm tháng Chạp. Ngỡ như mùa Đông qua đi, mùa Xuân tới và sắp sửa là Hè. Nhưng cơn rét vẫn kéo dài và… ánh trăng, ánh trăng là điều khó nói.

Thứ Bảy, đêm 4/5/1974

Trăng đêm nay sáng lắm. Ánh trăng bàng bạc khắp đồng ruộng xóm thôn. Gió thổi xạc xào. Lúa lên đòng, ngậm sữa, nép vào nhau để làm nên hạt mẩy. Khoai xanh rờn, lá đọng ánh trăng vàng. Mây trôi trên trời trắng xốp, chở trăng đi qua những chặng đường dài. Trăng! Trăng bao giờ cũng nên thơ. Ánh trăng căng ứa tràn trề, khơi gợi nhiều xúc cảm tâm hồn.

Nhìn trăng, xao xuyến tấm lòng, càng thôi thúc câu hỏi: làm gì đây trước cảnh đẹp này? Thiên nhiên ơi, người sáng tạo kiêu kỳ. Còn để làm nên diệu kỳ phải có chúng ta – những con người. Các bạn ơi, đêm nay là đêm thứ mấy rồi? Ta xa nhau không phải trăng chia nửa, cũng như không cắt rời tình cảm chúng ta. Đêm nay trăng sáng, rộn tấm lòng nhớ bạn. Ước khi nào chúng ta cùng vui lại ánh trăng…

Chủ nhật, đêm 26/5/1974

Đi ra, đi vô. Ngắm sao, nhìn trời. Dạo quanh xóm, bước lên đê. Áo vắt vai, chân đi thủng thẳng. Và thế là đêm nay mình không đi coi phim. Đi sao được khi tất cả xóm làng đang rộn ràng, tất bật. Đành rằng trời đã hoàng hôn. Nhưng ở thôn quê – ngày mùa – thời gian không thể đo bằng giờ đồng hồ. Mình ăn xong, thong thả đi ra khỏi lùm tre, bước ung dung trên đường quan, thẳng tới nơi chờ đợi.

Trong lúc ấy trên sân kho bà con đang tấp nập nhận thóc, ngoài đồng vẫn còn những tốp người gặt chưa về, còn những người (cha con, mẹ con, anh em) đang đóng những gánh toóc đầy, trĩu nặng. Và sợi khói bay lên khỏi mái nhà, vươn thẳng tới trời xanh…

Giữa sức sống của đồng quê mình không cho phép mình buông lơi, tha lỏng con người mình. Đi sao được khi Khanh đứng đó, tay bồng cháu, dáng vẻ tất bật mà nét mặt không hề thoáng gợn băn khoăn. Cô giữ trẻ đó yên tâm với công việc, chẳng hề tính toán thiệt hơn. Khanh mới lớn lên, đời với tất cả những cái gì có được mở rộng dài trước mặt – nhưng mình hiểu vì sao Khanh không đi coi. Đứng trước cô gái ấy mình cảm thấy thẹn thùng và xấu hổ khi mỗi bước chân đi lại càng xa. Ai trói buộc mình đâu? Chỉ do quyết định ở bản thân mỗi con người.

Lớn lên từ những ngày còn thơ ấu trên mảnh đất này mình mang nặng ân nghĩa của bà con, anh em. Dễ gì mà có được một củ khoai chiêm bông mịn bột, một bát nước chè xanh đặc sánh, một hạt nếp thơm bùi với tất cả tình cảm sâu nặng, chân thành. Có được mình hôm nay không, nếu như chín năm đã qua mình không sống ở đồng quê, không quen thân gần gũi với hòn đất, củ khoai, hạt lúa.

Bởi có thế nên mình không thể nào hành động khác thế được. Mình không cho phép bản thân mình coi rẻ giọt mồ hôi, nước mắt của người nông dân đã phải đổ xuống bao lần mới dựng nên sự sống. Có thể được không mình bỏ mặc lại đằng sau những gì mình yêu quý, nâng niu, để mà ra đi không hề ngoái lại?

Chẳng phải thế đâu, cuộc đời ơi! Từ hôm nay trên ghế nhà trường mình muốn xác định, muốn lựa chọn cho mình một hướng đi đúng giữa cuộc đời… 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem