Bộ Công thương họp khẩn về nguồn cung và xuất khẩu gạo

26/03/2020 16:04 GMT+7
Chiều nay (26/3) Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh triệu tập họp khẩn về việc kiểm tra, đánh giá nguồn cung và tình hình xuất khẩu gạo.
Bộ Công thương họp khẩn về nguồn cung và xuất khẩu gạo - Ảnh 1.

Bộ NN&PTNT sẽ đánh giá tình hình xuất khẩu, cơ cấu, sản lượng, nguồn thóc, gạo hàng hóa theo từng chủng loại, mùa vụ trong năm 2020

Theo đề xuất của Bộ Công thương, tại cuộc họp này, Bộ NN&PTNT sẽ đánh giá tình hình xuất khẩu, cơ cấu, sản lượng, nguồn thóc, gạo hàng hóa theo từng chủng loại, mùa vụ trong năm 2020; Đánh giá tác động của tình hình xâm nhập mặn tại Đồng bằng Sông Cửu Long và tác động của dịch bênh Covid-19; Tình hình thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP.

Bộ Tài chính sẽ đánh giá tình hình biến động giá thóc, gạo nội địa các tháng đầu năm 2020. Phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ thông tin về tình hình dư nợ cho vay đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo.

Về phía Ủy ban nhân dân TP.HCM và các tỉnh, thành phố thuộc khu vực ĐBSCL, Bộ Công Thương đề xuất các đơn vị này đánh giá cụ thể về diện tích, sản lượng, tình hình thu mua, dự trữ lưu thông và tồn kho thóc, gạo trên địa bàn; Tình hình giá thóc, gạo trên địa bàn được giao tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP.

Đối với Hiệp hội Lương thực Việt Nam, đánh giá tình hình cung - cầu thóc, gạo thị trường trong và ngoài nước, nhất là các thị trường xuất khẩu, nhập khẩu lớn; Báo cáo cập nhật tình hình giá thóc, gạo trong nước; Giá thóc, gạo xuất khẩu; Lượng gạo tồn kho của hội viên Hiệp hội.

Đồng thời, tại cuộc họp này, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng cần đưa ra những nhận định về các yếu tố tác động đến khả năng xuất khẩu trong năm 2020 của Việt Nam như: Nguồn cung gạo trong bối cảnh xâm nhập mặn tại Đồng bằng Sông Cửu Long; tác động của dịch bệnh Covid-19 trong ngắn và dài hạn; Tình hình thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP.

Riêng các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, Bộ Công thương đề nghị các doanh nghiệp này báo cáo chi tiết, cụ thể tình hình xuất khẩu của doanh nghiệp mình trong các tháng đầu năm 2020, bao gồm: Lượng hợp đồng đã ký kết, lượng đã giao hàng, tình hình tồn kho và thực hiện dự trữ lưu thông; Báo cáo về tình hình thu mua thóc, gạo nguyên liệu phục vụ xuất khẩu trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần đánh giá những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và tình hình xâm nhập mặn đến hoạt động thu mua nguyên liệu sản xuất, chế biến, xuất khẩu của thương nhân; Tình hình thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP...

PV
Cùng chuyên mục