dd/mm/yyyy

Bình Định Nam "thay áo mới"

Xã Bình Định Nam (Thăng Bình, Quảng Nam) về đích nông thôn mới (NTM) năm 2016, đến nay không những xã giữ vững 19/19 tiêu chí mà điều đáng ghi nhận là chất lượng các tiêu chí ngày càng được nâng cao.

Làng quê đổi mới

Đến Bình Định Nam những ngày này, có thể cảm nhận rõ những đổi thay trong diện mạo xã NTM. Nhà nhà cùng thi đua xây dựng đời sống văn hóa, tăng gia sản xuất để có thêm thu nhập, nâng cao đời sống. Những tuyến đường thôn xóm, liên xã đã và đang được bê tông khang trang.

Bình Định Nam "thay áo mới" - Ảnh 1.

Diện mạo nông thôn Bình Định Nam ngày càng khởi sắc, nhờ xây dựng NTM.

Ông Nguyễn Công Danh – Chủ tịch UBND xã Bình Định Nam cho biết: Theo lộ trình thì đến năm 2017, Bình Định Nam mới về đích, tuy nhiên, với cách làm hiệu quả, cuối năm 2016 Bình Định Nam đã được công nhận xã đạt chuẩn NTM. Đây là thành quả rất lớn của cả hệ thống chính trị và người dân trong thời gian qua. Công cuộc xây dựng NTM mới đã mang đến luồng sinh khí mới cho Bình Định Nam, mang đến niềm vui cho người dân khi chất lượng cuộc sống được nâng lên, cả về vật chất lẫn tinh thần.

Bình Định Nam "thay áo mới" - Ảnh 2.

Các công trình phúc lợi, trường học được xây dựng khang trang, kiên cố, khuôn viên nhà cửa được chỉnh trang sạch đẹp. Con em trong xã phấn khởi đến trường trong những phòng học đầy đủ cơ sở vật chất... đó là sự đổi thay ở xã Bình Định Nam.

Với phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng", Bình Định Nam đã phát huy dân chủ, bàn bạc trong nhân dân, lựa chọn các hạng mục ưu tiên để đầu tư, không dàn trải. Tạo điều kiện cho MTTQ xã và các đoàn thể tham gia giám sát và phản biện xã hội. Thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo, rút kinh nghiệm; khắc phục kịp thời những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai. Làm tốt công tác biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong xây dựng NTM.

Bình Định Nam "thay áo mới" - Ảnh 3.

Bình Định Nam đã xây dựng được nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt đem lại thu nhập cao cho người dân.

Nếu như trước đây, việc vận động nhân dân tham gia đóng góp để nâng cấp một số tuyến đường giao thông nông thôn mang tính chất đơn lẻ, gặp khó khăn thì từ khi xây dựng NTM, nhờ phát huy dân chủ rộng rãi, mọi việc của thôn, xã có liên quan đến nhân dân đều được công khai để nhân dân bàn bạc, quyết định.

"Điều đáng mừng là từ năm 2016 đến nay Bình Định Nam không những giữ vững 19/19 tiêu chí mà chất lượng các tiêu chí ngày càng được nâng cao. Có được những kết quả như ngày hôm nay chính là nhờ sự vào cuộc, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, chung sức của người dân. Trước tiên phải khẳng định, các khâu chỉ đạo, kế hoạch triển khai được thực hiện khá bài bản, nghiêm túc. Đảng bộ xã ban hành nghị quyết, UBND xã xây dựng kế hoạch, thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng NTM, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên và cán bộ, công chức xã" - ông Danh phấn khởi nói.

Điểm sáng với mô hình kinh tế vườn

Ông Danh cho biết, xác định nông nghiệp là mũi nhọn trong việc phát triển kinh tế địa phương, xã Bình Định Nam đã lựa chọn cây trồng, vật nuôi có giá trị, năng suất cao đưa vào sản xuất, phát huy lợi thế của địa phương, tổ chức quy hoạch thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Đến nay, cơ cấu kinh tế của xã chuyển dịch đúng hướng, đã hình thành các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả như: trồng cây ăn quả, trồng cây dược liệu, trồng rừng, nuôi bò, nuôi ếch, lương…

Bình Định Nam "thay áo mới" - Ảnh 4.

Điển hình là mô hình kinh tế vườn, toàn xã có khoảng 21ha diện tích vườn tạp được cải tạo đưa vào sử dụng và có kết quả tốt, bình quân thu nhập khoảng 300 triệu đồng/ha, trong đó vận động xây dựng được 20 mô hình vườn mẫu ở thôn Đồng Thanh Sơn và các mô hình trồng hồ tiêu, trồng cây ăn quả tại các thôn An Lộc, Châu Xuân. Vận động nhân dân tận dụng và phát triển được 0,5ha mặt nước để nuôi ếch, cá, lương…Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong xã được nâng lên rõ rệt, đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt hơn 38,2 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 0,62%.

Đại Nghĩa – Trần Hậu