Bí mật "chấn động" ở chợ Long Biên sau vụ Hưng "kính"

Nhóm PV Thứ hai, ngày 25/05/2020 10:13 AM (GMT+7)
Sau khi Hưng "kính" cùng đồng phạm bị xét xử, vẫn còn mảng tối về sai phạm kinh tế ở chợ Long Biên chưa được làm rõ. Cụ thể, Ban Quản lý chợ ký hợp đồng cho thuê 62 vị trí kinh doanh (ki ốt) trái phép. Hậu quả: Chợ Long Biên - một trong những chợ lớn nhất Hà Nội bị đình chỉ hoạt động!
Bình luận 0

Từ năm 2015 đến 2018, chợ Long Biên phát sinh 62 ki ốt trái phép, trong đó có ki ốt đứng tên Nguyễn Kim Hưng tức Hưng "kính" nằm ngay khu vực trụ bơm phòng cháy chữa cháy. 

PV Dân Việt đã phát hiện rất nhiều điều bất thường từ việc ký hợp đồng đến xử lý "hậu quả" 62 ki ốt trái phép này ở chợ Long Biên.

Kí hợp đồng cho thuê ki ốt trái quy định

Báo Điện tử Dân Việt nhận được thông tin phản ánh về việc ông Đàm Đình Dũng - nguyên Trưởng Ban Quản lý chợ Long Biên đã ký hợp đồng cho thuê địa điểm kinh doanh (ki ốt) tại chợ Long Biên trái phép. 

Cụ thể, trong số hơn 1.000 điểm kinh doanh tại chợ Long Biên có 62 điểm phát sinh trong giai đoạn 2015 - 2018, Ban Quản lý chợ Long Biên (BQL) đã tự ý ký hợp đồng trái quy định. 

PV Dân Việt cũng đã tiếp cận danh sách 62 ki ốt trái phép cũng như hợp đồng của Ban Quản lý chợ Long Biên đã ký với các "tiểu thương". 

Trong đó, có ki ốt trái phép được cấp cho người có tên Nguyễn Kim Hưng - tức Hưng "kính". Vị trí ki ốt này là A10B diện tích 23,5m2 - rộng thứ 3 trong các ki ốt trái phép, ngay ở khu vực phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy của chợ Long Biên. 

Nhóm PV Dân Việt đã nhiều ngày có mặt tại chợ Long Biên đã xác nhận lại vị trí 62 ki ốt ký hợp đồng trái quy định và ghi nhận hầu hết các ki ốt này đến nay vẫn được phép tồn tại. 

Trong khi chính cơ quan chức năng quận Ba Đình đã xác nhận 62 ki ốt này "không được bố trí phương án sắp xếp trong phương án ngành hàng". Nghĩa là các ki ốt này được kí hợp đồng trái phép, nhưng đến nay vẫn được cho phép tồn tại. 

Chợ Long Biên nằm ở khu vực đê Sông Hồng, thuộc địa bàn phường Phúc Xá, quận Ba Đình, TP. Hà Nội. Chợ có diện tích gần 27.000 m2, với 1381 hộ kinh doanh các mặt hàng, rau củ quả, thuỷ hải sản, hàng khô, đồ điện…

Tuy nhiên, chỉ có 1319 điểm kinh doanh được sắp xếp trong phương án, 62 điểm không được bố trí sắp xếp trong phương án ngành hàng.

Ban Quản lý chợ Long Biên đã tự ý kí hợp đồng cho thuê địa điểm kinh doanh trái quy định như thế nào?

Thứ nhất, 62 ki ốt được lãnh đạo Ban Quản lý chợ Long Biên ký hợp đồng cho thuê không nằm trong phương án ngành hàng của chợ. 

62 ki ốt này phát sinh trong giai đoạn 2015 - 2018 sau quá trình cải tạo, sửa chữa chợ Long Biên vào năm 2015. Những khu vực còn trống ở chợ Long Biên được "nhồi nhét" thêm các ki ốt này. 

Cụ thể như dãy ki ốt M1 nằm sát đường bê tông (đường Hồng Hà bê tông). Ở khu vực này, Ban Quản lý chợ Long Biên đã "xẻ" được 12 ki ốt có diện tích từ 6 - 20m2 để cho thuê. 

Hay như khu vực nhà vệ sinh của chợ ở địa điểm M3 cũng được "phân lô" thành 3 ki ốt trái phép để cho thuê. Thậm chí, ở khu vực trạm bơm phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy cũng có ki ốt mọc lên cho "tiểu thương" Nguyễn Kim Hưng thuê. 

Nhiều vị trí khác rải rác trong chợ Long Biên đã được Ban Quản lý chợ ký hợp đồng cho thuê trái quy định như vậy, dẫn đến hệ quả rất lớn mà chúng tôi sẽ đề cập ở phần tiếp theo trong bài viết. 

62 ki ốt chợ Long Biên vẫn “tồn tại” dù ký sai quy định - Ảnh 1.

Trụ sở Ban quản lý chợ Long Biên.

Thứ hai, mức giá thuê 62 ki ốt này do Ban Quản lý chợ Long Biên tự ý đưa ra, không báo cáo UBND quận Ba Đình và cũng không thống nhất về mức giá. 

Mỗi vị trí cho thuê, mỗi năm mức giá cho thuê lại được thay đổi tùy ý của Ban Quản lý chợ Long Biên, không căn cứ theo quy định nào. 

Ví dụ, Hợp đồng số 94 ký ngày 1/1/2019 giữa đại diện Ban Quản lý chợ Long Biên (Bên A) là ông Hoàng Đình Thanh – Phó Trưởng ban phụ trách với bên thuê là N. T. T (Bên B) ở Quán Thánh, Ba Đình (Hà Nội) cho thấy: Bên A cho B thuê điểm kinh doanh với diện tích 4,5 m2 để kinh doanh với thời hạn thuê từ 1/1/2019 đến 31/12/2019, đơn giá 130.000 đồng/m2/tháng. Như vậy, bên B mỗi tháng phải nộp 585.000 đồng/tháng tương đương hơn 7 triệu đồng/năm.

Trong khi đó, tại Hợp đồng số 41 ngày 6/6/2018 của BQL chợ Long Biên (bên A) do ông Đàm Đình Dũng – Trưởng ban ký với P.T. K.Y địa chỉ phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa (bên B) với diện tích 13 m2 nhưng lại thuê với giá là 160.000 đồng/m2/tháng (2.080.000 đồng/tháng, tương đương hơn 24 triệu đồng/năm).

Điều đáng nói, Hợp đồng cho thuê địa điểm kinh doanh được "cài" điều khoản bên B được quyền chuyển nhượng ki ốt nếu được sự đồng ý của Ban Quản lý chợ. 

Theo tài liệu Dân Việt có được cũng như thời gian thực tế tại chợ Long Biên cho thấy, có hiện tượng sang nhượng lại ki ốt từ những cái tên ký hợp đồng trực tiếp với Ban Quản lý chợ. Người mua lại phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng để được kinh doanh ở một trong những ki ốt trái quy định này. 

Điều này khiến chợ Long Biên có phần giống như một sàn bất động sản, các ki ốt ký hợp đồng trái quy định được sang tay nhiều người với giá trị gấp nhiều lần số tiền ký trên Hợp đồng cho thuê địa điểm kinh doanh.

Số tiền Ban Quản lý chợ thu từ việc ký hợp đồng được đưa vào đâu, có hạch toán vào nguồn thu của chợ Long Biên hay không, được sử dụng như thế nào sẽ được Dân Việt tiếp tục thông tin trong những bài viết tiếp theo.

Những tiểu thương "bí ẩn"

Theo báo cáo giải trình của Ban Quản lý chợ Long Biên và của cá nhân ông Đàm Đình Dũng, các ki ốt ký hợp đồng không đúng quy định được dành cho các hộ dân kinh doanh tại chợ từ trước (thời điểm năm 2007-2015).

Điểm kinh doanh này do các hộ tự dựng tạm tại các diện tích còn trống giáp ranh giữa các khu vực trong chợ. Ban Quản lý chợ Long Biên có thực hiện việc thu vé theo ngày.

Ban Quản lý chợ Long Biên "đổ" cho các các hộ kinh doanh này đã "tự ý đầu tư xây dựng" để thuận tiện cho công tác quản lý, tăng cường nguồn thu cho ngân sách.

62 ki ốt chợ Long Biên vẫn “tồn tại” dù ký sai quy định - Ảnh 2.

Tại chợ Long Biên có 62 ki ốt ký sai quy định. Trong ảnh là một trong những vị trí được "phân lô" trái quy định ở chợ Long Biên. (Ảnh: P.V)

Nhưng trên thực tế, liệu có hộ kinh doanh nào "tự ý" dựng ki ốt ngay trước mắt Ban Quản lý chợ Long Biên hay không? Các tiểu thương ký Hợp đồng thuê địa điểm kinh doanh với Ban Quản lý chợ gồm những ai?

Sau khi vụ việc Hưng "kính" cùng đồng phạm có hoạt động bảo kê, cưỡng đoạt tài sản của tiểu thương được báo chí thông tin, UBND quận Ba Đình đã tiến hành thanh tra hoạt động toàn diện tại chợ Long Biên. 

Từ ngày 26/3/2019 đến ngày 25/4/2019, đoàn thanh tra đã mời các hộ được ký hợp đồng thuê 62 điểm kinh doanh đến làm việc. Sau đó, chủ của 49 điểm kinh doanh đã đến làm việc, 1 chủ điểm kinh doanh bị tạm giữ (Nguyễn Kim Hưng - PV), còn lại chủ 12 điểm kinh doanh không đến làm việc.

Hợp đồng cho thuê địa điểm kinh doanh của Ban Quản lý chợ Long Biên ký với ông Nguyễn Kim Hưng (Hàng Đậu, Hoàn Kiếm, Hà Nội) ngày 1/1/2018 có mức giá cho thuê 130.000 đồng/m2/tháng, diện tích sử dụng 23,5m2 ở vị trí A10B để kinh doanh thủy sản.

Trong số các chủ hộ đến làm việc, có 37 chủ hộ đến kinh doanh tại chợ Long Biên từ năm 1992 đến năm 2010; 5 hộ kinh doanh từ năm 2014 đến 2018; 7 hộ nhận chuyển nhượng lại ki ốt nên không nắm được nguồn gốc, thời điểm sử dụng ban đầu.

12/62 chủ điểm kinh doanh đến nay vẫn được coi như những tiểu thương "bí ẩn" ở chợ Long Biên. Trong khi đó, các ki ốt này vẫn đang hoạt động kinh doanh bình thường. 

Sau quá trình thanh tra, UBND quận Ba Đình đã kết luận: Việc ký hợp đồng với các điểm kinh doanh này chưa thực hiện đúng quy định của khoản 2 điều 10 của Quy định phát triển và quản lý chợ trên địa bàn TP. Hà Nội gây dư luận xấu trong xã hội.

Đồng thời, BQL chợ Long Biên bố trí, sắp xếp một số điểm kinh doanh còn tuỳ tiện, không thông báo với UBND quận dẫn đến việc quản lý không đúng quy định.

Chưa xây dựng quy trình ký hợp đồng thuê điểm kinh doanh. Khi ký hợp đồng không phân rõ các hợp đồng cho thuê điểm kinh doanh và hợp đồng cho thuê kho, hợp đồng khai thác dịch vụ.

Kết luận có vi phạm là vậy, thế nhưng đến nay 62 ki ốt này vẫn đang hoạt động, kinh doanh và UBND quận Ba Đình chưa đưa ra được phương án cụ thể để giải quyết các trường hợp này. 

Làm việc với PV, đại diện Ban Quản lý chợ Long Biên cho biết đến nay mới có 4/62 hộ kinh doanh tại các điểm trên "tự nguyện" trả lại ki ốt đã thuê. Trong đó có hộ Nguyễn Kim Hưng - tức Hưng Kính. 4 vị trí này được đưa trở lại là tài sản công, có thể được bố trí làm phòng nghỉ cho bảo vệ tại chợ.

62 ki ốt chợ Long Biên vẫn “tồn tại” dù ký sai quy định - Ảnh 3.

Một trong 4 ki ốt sai quy định đã được thu hồi, đưa vào tài sản công.

Bị đình chỉ, vẫn hoạt động!

Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Trưởng BQL chợ Long Biên, quận Ba Đình, Hà Nội cho hay, ngày 19/5, UBND quận Ba Đình đã có cuộc họp với các bên liên quan bàn về giải pháp, hướng xử lý đối với 62 điểm kinh doanh ký sai quy định nêu trên.

Trong cuộc họp, BQL đề xuất tạo điều kiện cho người dân, đối với những điểm kinh doanh không vi phạm, nằm trong quy hoạch, không lấn chiếm sẽ tạo điều kiện, xem xét ký hợp đồng mới. Còn đối với các hợp đồng hết hạn hiện nay không ký mới.

Nhưng trên thực tế, các hợp đồng ký từ thời điểm 1/1/2019 đến nay cũng đã hết hạn (thời hạn 1 năm) nhưng đến nay vẫn chưa thu hồi  lại được, ngoài 4 ki ốt chủ kinh doanh "tự nguyện" trả lại như đã nêu ở trên. 

Chưa hết, việc "xẻ thịt" chợ Long Biên với 62 ki ốt trái quy định là một trong những nguyên nhân khiến khu chợ này bị đình chỉ hoạt động. Bởi vị trí của các ki ốt này cũng như các bố trí kinh doanh đã vi phạm điều kiện phòng cháy chữa cháy. 

Cụ thể, cách đây 3 năm vào ngày 23/5/2018, Phòng Cảnh sát PCCC số 2 đã kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với chợ Long Biên và phát hiện cơ sở không đảm bảo các điều kiện về phòng cháy chữa cháy (PCCC), yêu cầu Ban Quản lý chợ phải thực hiện ngay một số nội dung để đảm bảo công tác PCCC. 

3 ngày sau, 28/5/2018 Phòng Cảnh sát PCCC số 2 có văn bản đề nghị đình chỉ hoạt động với chợ Long Biên vì "nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ chưa được loại trừ, vi phạm không được khắc phục triệt để và có nguy cơ cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng".

Cùng ngày, Đại tá Nguyễn Trường Sơn ký quyết định Đình chỉ hoạt động đối với chợ Long Biên kể từ 9h00 ngày 28/5/2018. 

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Trưởng Ban Quản lý chợ xác nhận quyết định Đình chỉ hoạt động chợ kể trên hiện vẫn đang có hiệu lực. Thế nhưng, suốt 3 năm qua, khu chợ này vẫn hoạt động bình thường, chưa khắc phục hết các vi phạm điều kiện phòng cháy chữa cháy!

"Chúng tôi đang rà soát lại 62 điểm kinh doanh này. Dự kiến, cái nào không vướng về giao thông, phòng cháy chữa cháy quan điểm sẽ đề xuất ký hợp đồng mới cho họ. 

Còn những ki ốt vướng về giao thông, phòng cháy chữa cháy dừng không ký. Hiện tại, chúng tôi đang rà soát xem có bao nhiêu hộ có thể tạo điều kiện được", ông Nghĩa thông tin.

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trong các bài tiếp theo.

Phóng viên Báo Điện tử Dân Việt đã gửi giấy giới thiệu, đề nghị làm việc đến UBND quận Ba Đình nhiều ngày qua nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi. PV cũng đã liên lạc qua điện thoại với ông Nguyễn Trung Dũng - Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình phụ trách lĩnh vực kinh tế, nhưng ông Dũng từ chối trả lời.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem