dd/mm/yyyy

Bệnh nhân ung thư đừng vội tuyệt vọng

Là người nhà bệnh nhân đã từng điều trị nhiều ngày tại Khoa Ung Bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La vào tháng 3/2019, tôi đến Khoa Ung Bướu vào 9h sáng ngày 27/2/2020 với cảm xúc thân quen. Ngoài sảnh và sân của khoa có rất nhiều người đang đứng, ngồi trò chuyện.

Hôm đến, dạo một vòng ở khu khuôn viên của khoa, thấy một người phụ nữ Thái (có búi tóc tằng cảu trên đầu) nét mặt hiền lành, mặc áo choàng dài màu vàng nhạt ( là áo của bệnh viện quy định đối với người nhà bệnh nhân phải mặc khi đi theo chăm sóc), đang ngồi ở ngoài sân, tôi lại gần làm quen, trò chuyện và được chị cho biết: Chị là Vì Thị Ánh, dân tộc Thái, sinh năm 1985, ở bản Ót Nọi (xã Chiềng Cọ, Thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La. Bố của chị là Ông Vì Văn Pành sinh năm 1962, nhập viện ngày mùng 7 tết, được các bác sỹ của khoa chuẩn đoán có u xương hàm, đã mổ được 2 tuần, đang điều trị ở đây.

Khoa Ung  Bướu- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La: Bệnh nhân và người nhà nói gì! - Ảnh 2.

Chị Vì Thị Ánh (Dân tộc Thái- Người mặc áo khoác ngoài màu vàng) nói về tập thể bác sỹ, điều dưỡng ở Khoa Ung Bướu- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La với sự biết ơn và trân trọng.

Chị thổ lộ "Gia đình tôi nghèo lắm, tôi làm nương để sống, nhưng đất ít, tiền không có, tôi nuôi một con gái, chồng tôi bỏ đi lấy vợ khác rồi. Nhà tôi là hộ nghèo trong xã. Năm 2017, tôi mắc bệnh u tuyến giáp và được các bác sỹ của khoa Ung Bướu mổ cho. Tôi đã được điều trị và truyền hóa chất 8 lần tại đây, giờ bệnh của tôi đã ổn định hơn nhiều rồi. Bây giờ bố tôi lại mắc  bệnh. Khó khăn vất vả lắm, nhưng cũng may, từ khi vào đây, có bác sỹ Việt, Bác sỹ Hùng cùng các cán bộ điều dưỡng ở đây hỏi thăm, quan tâm giúp đỡ, nên tôi cũng yên tâm hơn. Mọi người người tốt lắm, có nhiều điều, nhiều việc tôi không biết thì được các bác sỹ và các cô, chú điều dưỡng, hộ lý bảo cho mới biết…".

Bệnh nhân ung thư đừng vội tuyệt vọng - Ảnh 2.

Các bác sỹ, điều dưỡng đang thực hiện nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm và tình thương yêu dành cho người bệnh.

Thấy chúng tôi nói chuyện cởi mở, chị ngồi kế bên cũng mạnh dạn góp chuyện: "Nó nói đúng đấy, bác sỹ ở đây tốt lắm, chồng  tôi cũng đang nằm ở đây, tôi biết mà". Quay sang người vừa nói, hỏi chuyện, chị bảo: Tôi là Hoàng Thị Lan, dân tộc Thái, sinh năm 1983 hiện đang sống tại Bản Mật, xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Chồng tôi tên là Hà Văn Nhình (sinh năm 1983), là bệnh nhân nằm ở giường 17 ý. Chồng tôi nhập viện ngày 20/2, được các bác sỹ trong khoa chẩn đoán Hạch cổ, ngày 25/2 chồng tôi đã được mổ và đang trong gia đoạn truyền và uống thuốc…"

Khoa Ung  Bướu- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La: Bệnh nhân và người nhà nói gì! - Ảnh 3.

Chị Hoàng Thị Lan (Dân tộc Thái, người đầu tiên trong ảnh) có chồng là anh Hà Văn Nhình-bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Ung Bướu - tham gia câu chuyện với tấm lòng biết ơn các bác sỹ, điều dưỡng, hộ lý đã luôn động viên, quan tâm tới chồng chị.

Được sự đồng ý của lãnh đạo Khoa Ung Bướu, tôi lại gần và hỏi thăm một bệnh nhân đang ngồi trên giường, ông cho biết: "Tôi là Lò Văn Thi (dân tộc Thái), sinh năm 1960. Sống ở Bản Pàn (xã Mường Chùm, huyện Mường La, tỉnh Sơn La). Tôi vào nhập viện ngày 18/2/2020, với tình trạng sức khỏe  rất yếu: tức ngực, ho, đau bụng dữ dội… tôi rất lo lắng về bệnh tật của mình, gia đình tôi rất bi quan. Sau khi được các bác sỹ ở đây thăm khám kết luận tôi bị bệnh phổi và dạ dày, điều trị cho đến hôm nay, tôi thấy  sức khỏe của tôi tốt lên rất nhiều, tôi vui lắm…". 

Khoa Ung  Bướu- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La: Bệnh nhân và người nhà nói gì! - Ảnh 4.

Bệnh nhân Lò Văn Thi (dân tộc Thái), sống ở Bản Pàn vui vẻ chia sẻ: "Tôi biết ơn các bác sỹ nhiều lắm, tôi rất vui, hết lo lắng, bây giờ lại muốn sống tiếp rồi".

Với nét mặt phấn khởi, ông vui vẻ nói:  "Các bác sỹ ở đây tốt lắm, ngay từ lúc tôi đến phòng khám bệnh, tôi được thầy thuốc hỏi thăm, tiếp đón tận tình chu đáo, nên tôi đỡ căng thẳng hơn. Sau đó, tôi được bác sỹ khám cho rất cẩn thận, rồi  giải thích cho tôi về tình hình bệnh. Bác sỹ Việt, bác sỹ Hùng và các cô điều dưỡng luôn động viên tôi và các bệnh nhân khác trong phòng, có những đồ dùng tôi không biết sử dụng, thì các cô điều dưỡng và hộ lý hướng dẫn tôi cho tôi hiểu và làm theo".

Khi tôi hỏi: Lúc mới nhập viện bác yếu, lúc phải truyền thì có hay gọi bác sỹ không? Bác sỹ hay điều dưỡng có mặt ngay không? Ông Thi trả lời ngay: "Có chứ, người nhà lúc trông tôi, nhiều cái không biết, tý lại chạy sang phòng trực để gọi, là bác sỹ trực chạy sang hướng dẫn và làm giúp ngay. Mà chẳng phải mình tôi, bệnh nhân trong phòng cần gì hỏi là có bác sỹ đến giúp ngay… bác sỹ nói với bệnh nhân nhẹ nhàng, ân cần lắm, mà tiêm cũng không đau.Tôi biết ơn các bác sỹ nhiều lắm, tôi rất vui, hết lo lắng, bây giờ lại muốn sống tiếp rồi".

Đang lúc trò chuyện với, ông Thi chỉ tay sang giường bên nói: "Cái cậu này thấy bị bệnh gan, điều trị ở đây 3 năm nay rồi, nó bảo nếu không có các bác sỹ ở đây chăm sóc thì làm gì nó còn sống đến hôm nay…"

Khoa Ung  Bướu- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La: Bệnh nhân và người nhà nói gì! - Ảnh 5.

Điều dưỡng viên với thao tác thuần thục, ân cần đầy trách nhiệm và tình thương dành cho người bệnh.

Quay sang giường bệnh kế bên, nhìn thao tác lấy thuốc tỉ mỉ, nhanh gọn, thuần thục và cách hỏi chuyện bệnh nhân cởi mở, thân thiện của điều dưỡng trưởng Bùi Thị Tuyết Mai; hìn thao tác cắm truyền nhẹ nhàng, hỏi bệnh nhân có đau không với giọng nói nhỏ nhẹ của điều dưỡng viên Đặng Thúy Linh với người bệnh đang nằm, tôi thấy toát lên một tinh thần trách nhiệm, đam mê nghề nghiệp, một sự ân cần, dịu dàng như của một người mẹ với con mình. Bỗng nhiên tôi chợt nhớ đến câu nói "Lương y như mẫu".

Nhớ lại thời điểm tôi đi theo chăm người nhà là bệnh nhân bị mổ u vú, nằm 10 ngày ở khoa Ung Bướu này vào tháng 3 năm ngoái: Tôi và người nhà cũng được nhận sự chỉ bảo, giúp đỡ ân cần, tận tình, được nhận những lời nói chia sẻ, động viên …. mà trong lòng trào lên một cảm xúc dâng dâng lan tỏa khắp người: Một cảm xúc biết ơn và trân trọng.

Khoa Ung  Bướu- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La: Bệnh nhân và người nhà nói gì! - Ảnh 6.

Những thầy thuốc tận tâm với nghề, đang làm nghiệp vụ và hướng dẫn người bệnh làm thủ tục.

Tôi nghĩ, nếu bạn là người bệnh, là người nhà đi theo chăm bệnh, được gặp những bác sỹ tận tâm với nghề. Đồng thời, được các điều dưỡng giỏi chuyên môn, gương mặt thân thiện, thái độ tôn trọng bệnh nhân, nhã nhặn, gần gũi, sẵn sàng lắng nghe, thấu hiểu; được chia sẻ những tâm sự, nguyện vọng của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân như tập thể các bác sỹ, điều dưỡng, hộ lý ở Khoa Ung Bướu – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La này thì bạn sẽ hiểu được cảm xúc của tôi, hiểu được những suy nghĩ, những lời nói chân thành và biết ơn của những người nhà bệnh nhân và người bệnh mà tôi vừa chia sẻ ở trên.

Khoa Ung  Bướu- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La: Bệnh nhân và người nhà nói gì! - Ảnh 7.

Điều dưỡng trưởng Bùi Thị Tuyết Mai, chia sẻ: "Là những người thường xuyên gần gũi người bệnh, bên cạnh việc không ngừng học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, y đức. Chúng tôi luôn không ngừng học hỏi kỹ năng ứng xử, kỹ năng giao tiếp, lắng nghe, cảm thông, thấu hiểu và chia sẻ cùng người bệnh. Có như vậy, công tác khám, chữa, điều trị bệnh mới đạt hiệu quả cao nhất".

Cuộc đời thật đẹp biết bao, thật may mắn biết bao khi ta gặp được xung quanh ta những con người có tấm lòng nhân hậu, có trái tim yêu thương đồng loại, nhiệt huyết với nghề, có tấm lòng sẵn sàng lắng nghe, cảm thông, chia sẻ giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn và kém may mắn.

Câu chuyện cảm động trong đời thường rất nhiều, nhưng tôi tin: Với tôi, với bạn và với bạn đọc khác, thì câu chuyện về những tấm lòng của các bác sỹ, điều dưỡng, hộ lý – những người luôn gần gũi với bệnh nhân (những con người tại thời điểm đang yếu đuối về sức khỏe và tâm hồn trong những hoàn cảnh hoạn nạn ), luôn là những câu chuyện cảm động và truyền cảm hứng cho chúng ta nhất.

Đâu đó vẫn còn "Con sâu làm rầu nồi canh", chúng ta rất cần một nơi để cho ta thêm niềm tin vào một ngày mai tươi sáng, một ngành y tươi sáng. Thì Khoa Ung bướu- Bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La là một trong những nơi truyền thêm niềm tin đó cho bạn, cho tôi. Đó chính là lý do tôi viết bài này để chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ của tôi về tập thể các bác sỹ, điều dưỡng, hộ lý đang công tác tại khoa Ung Bướu này.

Thu Huyền